Sau nhịp rung lắc mạnh nửa cuối tháng 11, bước sang tháng 12, VN-Index trở lại xu hướng giằng co. Cùng với đó là thanh khoản giữ ở mức thấp và diễn ra sự phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu.
Cổ phiếu vừa và nhỏ “ngược sóng”
Các nhóm cổ phiếu trụ chuyển sang xu hướng đi ngang, luân phiên tăng giảm giữ các chỉ số chính không thay đổi lớn, với biên độ nhiều phiên dưới ngưỡng 1%. Chiều ngược lại, nhóm vốn hóa vừa và nhỏ trên cả 3 sàn lại “hút” tiền, thậm chí một số mã còn trở thành tâm điểm với chuỗi tăng trần liên tiếp. Mức sinh lời của nhiều mã nhóm này đạt trên 10% kể từ đầu tháng 12, vượt xa thị trường chung và hầu hết các mã nhóm cổ phiếu trụ.
Nhóm vốn hóa vừa và nhỏ “hút” tiền, ngược xu hướng với nhóm vốn hóa lớn. |
Chẳng hạn, thị trường đang dồn chú ý vào đà tăng “nóng” của cổ phiếu YEG (CTCP Tập đoàn Yeah1) trong thời gian gần đây với những phiên tăng trần “trắng bên bán” nối tiếp nhau. Cuối tháng 11, thị giá cổ phiếu YEG chỉ loanh quanh ngưỡng 10.000 - 11.000 đồng, nhưng chỉ sau 3 tuần đầu tháng 12 đã tăng gấp đôi lên hơn 23.000 đồng/cp.
Không kém cạnh, cổ phiếu KSV của Vimico đánh dấu phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp, lên mức 118.500 đồng/cp - mức đỉnh lịch sử của cổ phiếu này. Vốn hóa theo đó cũng lập đỉnh tại 23.700 tỷ đồng. Tính từ đầu tháng 12 tới nay, cổ phiếu KSV đã tăng xấp xỉ 100% giá trị.
Tương tự, cổ phiếu TDH của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức đã tăng trần 5 phiên liên tiếp gần đây, giá trị tăng hơn 40% trong chưa tới một tuần.
Hay như SMC của CTCP Đầu tư thương mại SMC. Cổ phiếu của doanh nghiệp phân phối thép này liên tục tăng giá trong thời gian gần đây, từ 6.700 đồng lên hơn 8.700 đồng/cp, tương ứng biên độ tăng gần 20%.
Trong nhóm cảng biển, VOS (CTCP Vận tải biển Việt Nam), VTO (CTCP Vận tải xăng dầu VITACO) nhiều phiên đi ngược xu hướng chung. Một số cổ phiếu nhóm khác như xây dựng, xây lắp cũng được chú ý, có thể kể đến như VCG (Vinaconex), HHV (Giao thông Đèo Cả)…
Bộ đôi HNG (HAGL Agrico) – HAG (Hoàng Anh Gia Lai) cũng khiến thị trường quan tâm với đà tăng tích cực cùng thanh khoản vượt trội, thường xuyên nằm trong top thị trường.
Hai lý do chính "hút" dòng tiền
Theo giới phân tích, có 2 lý do chính khiến dòng tiền tìm đến những nhóm cổ phiếu vốn hóa thấp trong giai đoạn hiện nay. Đó là cơ hội sinh lời tốt hơn và tránh ảnh hưởng từ đà bán ròng của khối ngoại.
Thực tế, tâm điểm của thị trường trong tháng 11 vừa qua là giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài. Nhóm này có tháng bán ròng gần như xuyên suốt và chỉ có dấu hiệu quay lại mua ròng trong tuần cuối cùng khi tỷ giá trong nước hạ nhiệt. Giá trị bán ròng của khối ngoại tăng lên gần 12.000 tỷ đồng trong tháng 11, gồm 9.500 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh và 2.500 tỷ đồng qua kênh thỏa thuận. Theo đó, tỷ trọng giao dịch của nhóm này cũng tăng lên ngưỡng 13,92% vào cuối tháng 11, cao nhất kể từ tháng 4/2023.
Các nhóm cổ phiếu trụ cột, như bất động sản dân cư, ngân hàng, dịch vụ tài chính hay thực phẩm đồ uống đều chịu lực bán mạnh của nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, VHM (Vinhomes) bị bán ròng hơn 3.300 tỷ đồng, SSI (Chứng khoán SSI) và MSN (Masan Group) cùng ghi nhận áp lực bán ra của khối ngoại trên 1.000 tỷ đồng.
Diễn biến tỷ giá, áp lực bán ròng của khối ngoại khiến tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng, VN-Index xác lập mức "nền" trong vùng 1.200 - 1.300 điểm. Sự trồi sụt của chỉ số, sự phân hóa của các nhóm cổ phiếu trụ khiến dòng tiền ngày càng thận trọng. Càng về cuối năm, thanh khoản của thị trường chứng khoán càng giảm sâu.
Từ mức thanh khoản trung bình phiên trên 20.000 tỷ đồng trong giai đoạn nửa đầu năm, giá trị giao dịch trên HoSE những phiên đầu tháng 12 (nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận) có nhiều thời điểm chưa tới 10.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, dòng tiền trên thị trường luôn có xu hướng tìm kiếm cơ hội sinh lời. Các nhóm cổ phiếu trụ, nhóm bluechip hiện bị ảnh hưởng bởi áp lực bán ròng mạnh của khối ngoại, diễn biến giằng co, nên không còn là lựa chọn hấp dẫn nếu tính tới hiệu suất sinh lời trong ngắn hạn.
Thay vào đó, nhóm cổ phiếu mid-cap và penny sẽ được chú ý bởi đứng ngoài “làn sóng” bán ròng. Nhà đầu tư nước ngoài hiện chủ yếu nắm giữ cổ phiếu các doanh nghiệp vốn hóa lớn, đầu ngành, ở những nhóm nhỏ thì tỷ lệ chỉ ở mức thấp hoặc không có sở hữu nước ngoài. Ngoài ra, do quy mô vốn hóa nhỏ, nhiều mã có tính chất sở hữu cô đặc, dư địa tăng trưởng sẽ tốt hơn.
Theo Chứng khoán Shinhan (Việt Nam), một trong những lý do khi tỷ giá tăng sẽ khiến cho khối ngoại có xu hướng bán ròng đó là chính là sự gia tăng rủi ro, làm giảm lợi nhuận kỳ vọng. Trước diễn biến này, các nhà đầu tư trong nước có xu hướng tìm kiếm các cơ hội đầu tư an toàn hơn, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài có thể tạm thời rút vốn để chờ đợi những tín hiệu tích cực hơn từ thị trường.
Theo đó, thay vì tập trung vào những cổ phiếu có thể được hưởng lợi từ tác động chính sách của vị Tổng thống Mỹ mới, nhà đầu tư có thể ưu tiên những lựa chọn an toàn hơn, tránh làn sóng bán ròng của khối ngoại.
Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích ngành và cổ phiếu, Chứng khoán VPBank (VPBankS) nhận định các cổ phiếu small cap hay mid cap có động lực tăng cao hơn trung bình thị trường hiện nay.
Ví dụ như lĩnh vực xây dựng, xây lắp, chuyên gia này cho rằng nhiều cổ phiếu có thể có mức tăng tính bằng lần. Động lực đến từ việc hoàn nhập khoản phải thu đã trích lập dự phòng đòi về được, bán một số tài sản, thực hiện hợp đồng xây dựng và xây lắp. Điều này sẽ tạo nên doanh thu và lợi nhuận đột biến cho năm 2025.
"Tôi cho rằng cổ phiếu small cap và mid cap sẽ tăng mạnh hơn bình quân thị trường, và những trường hợp này sẽ xảy ra nhiều trong năm 2025", chuyên gia VPBankS nhận xét.
Dù vậy, theo tính toán của Chứng khoán MB (MBS), sự phục hồi gần đây của các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đã đưa định giá của nhóm VNMID lên mức 17,3x P/E 12 tháng, cao hơn khoảng 17% so với VN-Index.
Thậm chí, các cổ phiếu vốn hóa vừa hiện tại được giao dịch với mức P/B tương đương với các cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong khi đó, định giá của các cổ phiếu vốn hóa lớn (đại diện bởi VN30 và VNX50) thấp hơn khoảng 11% so với mức trung bình của thị trường.
Nhóm cổ phiếu mid-cap do có vốn hóa trung bình nên dễ bị tác động bởi dòng tiền đầu tư hơn, tăng không ổn định. Điều này báo động thị trường có thể sẽ phải đối mặt với áp lực giảm điểm lớn để đưa định giá về mức hấp dẫn hơn.
“P/E cao không phải là vấn đề nếu doanh nghiệp có thể tăng trưởng nhanh, nhưng ở thời điểm nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện tại thì các doanh nghiệp gặp khó nhất chính là các doanh nghiệp small-cap. Vì vậy, nhà đầu tư nên đi tìm các cổ phiếu mid-cap có câu chuyện riêng, có khả năng tăng trưởng kinh doanh”, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Trưởng nhóm vĩ mô và chiến lược thị trường, Trung tâm phân tích DSC lưu ý.
Hải Giang