Mùa Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) ở các ngân hàng đang bắt đầu, các chuyên gia dự báo việc “thay máu” lãnh đạo cấp cao của các nhà băng trong năm nay sẽ diễn ra rầm rộ hơn năm ngoái.
Trước hết do tác động bởi quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi đã có hiệu lực, cộng thêm những bài học kinh nghiệm thực tế đáng giá khiến các ngân hàng ngày càng quan tâm hơn tới đội ngũ lãnh đạo.
Nhiều biến động về nhân sự
ĐHCĐ năm nay cũng là giai đoạn nhiều ngân hàng bước sang nhiệm kỳ mới với nhiều kế hoạch mới, mục tiêu mới. Trong đó, việc tìm ra những người ngồi vị trí “ghế nóng” tốt về chuyên môn, giỏi về quản lý, có tầm nhìn và có đạo đức kinh doanh sẽ là lựa chọn của cổ đông, bởi những yếu tố này sẽ tác động đến sự thành công hay thất bại của các ngân hàng.
Tại ĐHCĐ SCB được tổ chức cuối tháng 3 vừa rồi, bà Nguyễn Thị Phương Loan đã có đơn xin từ nhiệm thành viên HĐQT vì lý do sức khỏe. Do vậy, ông Nguyễn Văn Thanh Hải được bầu thay thế bà Loan nhiệm kỳ 2017 – 2020 nhằm đảm bảo cơ cấu và số lượng thành viên.
Ngày 28/3, LienVietPostBank tổ chức ĐHCĐ 2018, một trong những nội dung quan trọng được HĐQT báo cáo đến cổ đông là việc hai lãnh đạo cao cấp của nhà băng này vì lý do sức khỏe xin rời khỏi “ghế nóng”.
Cụ thể, ông Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch HĐQT, chia sẻ do sức khoẻ không tốt nên xin lui về “hậu trường” với vai trò cố vấn cao cấp. Còn Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Huynh vì tuổi đã cao và sức khỏe yếu nên cũng xin rút lui.
Hai thành viên mới được đề cử thay thế cho nhiệm kỳ 2018-2023 là ông Dương Công Toàn, Phó Tổng Giám đốc LienVietPostBank và bà Dương Hoài Liên đang là Phó Giám đốc Sacombank chi nhánh 8/3 Hà Nội.
Mới đây, ông Kiều Hữu Dũng, Phó Chủ tịch HĐQT thường trực Sacombank, xin từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân. Vì vậy, theo kế hoạch tại ĐHCĐ dự kiến vào ngày 20/4 tới, HĐQT sẽ trình đại hội miễm nhiệm chức vụ đối ông Dũng và tìm người thay thế.
Trước đó, tại nhà băng này, để giữ chiếc ghế Chủ tịch HĐQT, ông Dương Công Minh đã từ chức các chức danh Chủ tịch HĐQT tại 4 công ty gồm Him Lam, Dụng cụ Thể thao Bảo Long, Phát triển Xín Mần, Chứng khoán Liên Việt.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác: Kienlongbank, SeaBank… năm nay cũng bầu lại HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2018-2022. Thời điểm này, các ngân hàng đã lên kế hoạch lấy ý kiến cổ đông và sẽ tổ chức ĐHCĐ trong tháng 4 này.
Dự báo về vấn đề nhân sự tại các ngân hàng trong mùa ĐHCĐ, các chuyên gia cho rằng 2018 sẽ là năm bùng nổ về chuyển dịch nhân sự cấp cao tại các nhà băng.
“Động thái này không chỉ đơn thuần là tìm người thay thế, các ngân hàng đã coi đây là cuộc “thay máu”, khi đòi hỏi người ngồi ở vị trí này ngày càng gắt gao hơn, không chỉ là vấn đề chuyên môn, quản lý, tầm nhìn mà còn nằm ở đạo đức kinh doanh”, một chuyên gia tài chính cho hay. Việc lựa chọn người không xứng đáng sẽ mang lại hậu quả lớn đối với cả khách hàng và ngân hàng đó, thậm chí có thể ảnh hưởng đến cả hệ thống ngân hàng.
![]() |
Dự báo việc “thay máu” lãnh đạo cấp cao của các nhà băng trong năm nay sẽ diễn ra rầm rộ hơn năm ngoái.
“Thay máu” sẽ thực chất
Thực tế, nhiều ngân hàng đang phải đối mặt với những sai lầm như vậy. Điển hình là những vụ trọng án khiến hàng loạt lãnh đạo cao cấp của các ngân hàng phải ra hầu tòa thời gian qua như: nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB Phạm Công Danh…
Mới đây nhất, vụ việc Phó Giám đốc Eximbank chi nhánh Tp.HCM “ôm” 245 tỷ đồng của khách hàng bỏ trốn ra nước ngoài gây thiệt hại không chỉ về số tiền mà cả uy tín, thương hiệu và niềm tin của khách hàng.
Lâu nay, vấn đề nhân sự ở Eximbank chưa bao giờ hết “nóng”. Kể từ năm 2015 đến nay, nhiều lần ĐHCĐ thường niên bất thành vì không tìm được sự đồng thuận của cổ đông trong vấn đề lựa chọn người vào HĐQT. Dự kiến, trong kỳ ĐHCĐ ngày 27/4 tới, các cổ đông sẽ phải chọn ra 2 người tham gia HĐQT nhiệm kỳ 2018-2020.
Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng câu chuyện nhân sự cao cấp không chỉ “nóng” ở ĐHCĐ mà còn dự báo sẽ tiếp tục dịch chuyển trong thời gian tới do tác động bởi quy định pháp luật tại Luật sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD).
Luật Các TCTD sửa đổi có hiệu lực từ 15/1/2018 yêu cầu chủ tịch, thành viên HĐQT, tổng giám đốc của TCTD không được kiêm nhiệm chức vụ tương tự ở doanh nghiệp khác. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết đây là vấn đề trọng điểm cần phải rốt ráo thực hiện trong năm 2018.
Đến nay, Luật đã có hiệu lực được gần 3 tháng nhưng chỉ có vài người chính thức đưa ra lựa chọn của mình, còn lại rất nhiều người như ông Võ Quốc Thắng (KienlongBank), bà Nguyễn Thị Nga (SeABank), ông Vũ Văn Tiền (ABBank)… vẫn đang kiêm nhiệm.
Sắp tới, họ buộc phải lựa chọn, hoặc là đứng ở ngân hàng, hoặc chuyển qua doanh nghiệp và ĐHCĐ là thời điểm hợp lý để các nhà băng đưa ra quyết định quan trọng này, bởi đây cũng là giai đoạn nhiều ngân hàng bước sang nhiệm kỳ mới.
Huyền Anh