Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cho biết sẽ niêm yết toàn bộ số cổ phiếu đã phát hành lên sàn HoSE và tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng trong năm 2019.
Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2019 sắp đi qua nhưng Nam A Bank vẫn chưa có động thái nào liên quan đến việc chuẩn bị đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán kể từ sau ĐHĐCĐ mà thay vào đó là những lùm xùm liên quan đến tranh chấp cổ phần trong gia đình Chủ tịch HĐQT Nguyễn Quốc Toàn.
“Sóng gió gia tộc”
Mới đây, Cơ quan điều tra Bộ Công an vừa khởi tố vụ án hình sự Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản để làm rõ việc ông Nguyễn Chấn (chồng cố doanh nhân Tư Hường, cổ đông sáng lập Nam A Bank và Tập đoàn Hoàn Cầu) bị chiếm đoạt cổ phần, cổ phiếu và vốn góp Nam A Bank và các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hoàn Cầu.
Việc khởi tố vụ án được thực hiện sau khi cơ quan điều tra xác minh đơn tố giác của ông Chấn và một số người liên quan về việc bị ông Nguyễn Quốc Toàn (Chủ tịch HĐQT ngân hàng Nam Á, con trai ông Chấn) cấu kết với một số người khác lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với tổng giá trị khoảng 30.000 tỷ đồng.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin của cơ quan điều tra, Nam A Bank đã có thông báo gửi đến cổ đông khẳng định việc tranh chấp này đã diễn ra nhiều năm nay trong nội bộ của gia đình Chủ tịch Nguyễn Quốc Toàn và là tranh chấp dân sự về cổ phần Nam A Bank, hoàn toàn không liên quan đến hoạt động của ngân hàng.
Ông Nguyễn Quốc Toàn cũng đã ủy quyền cho một phó chủ tịch thường trực chịu trách nhiệm xử lý mọi công việc thay thế và sẽ từ nhiệm để tập trung xử lý các tranh chấp nội bộ của gia đình, tránh ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng Nam Á cũng như quyền lợi của khách hàng.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng thông tin này thuần tuý mang tính chất trấn an bởi dù chưa từng công khai, nhưng giữa những doanh nghiệp Tập đoàn Hoàn Cầu và Nam A Bank không loại trừ việc có những giao dịch tương hỗ – một hoạt động rất phổ biến trong các ngân hàng TMCP tại Việt Nam.
Không chỉ tố cáo con trai chiếm đoạt cổ phần tại Nam A Bank, tại ĐHĐCĐ thường niên bất thành mới đây của Eximbank, ông Chấn cũng tố cáo nhóm cổ đông từ Nam A Bank chiếm đoạt 30% cổ phần của vợ chồng ông tại Eximbank và chuyển nhượng trái phép.
Theo đó, ông Chấn đề nghị phong tỏa toàn bộ số cổ phần nói trên tại Eximbank và dừng quyền biểu quyết tại đại hội cổ đông của ông Nguyễn Quốc Toàn.
Sự việc được đưa lên cao trào hơn nữa khi ba người con gái của ông Chấn và bà Hường là Nguyễn Thị Xuân Hương, Nguyễn Thị Xuân Nữ và Nguyễn Thị Thanh Vân đã có đơn tố cáo cha, các anh em trai.
Ba người con gái này cho rằng cha mình bị các người anh và em trai xúi giục, kích động. Việc ông Chấn tố cáo ông Toàn có hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là hành vi vu khống và yêu cầu cơ quan tố tụng đình chỉ ngay việc xác minh, điều tra, xử lý hình sự đối với tố cáo của ông Chấn.
Nam A Bank khó đảm bảo được lộ trình niêm yết trong năm 2019 |
Nhiều “góc tối” của ngân hàng
Trước những thông tin tiêu cực làm ảnh hưởng không chỉ tới Nam A Bank mà còn gây ra những tranh cãi tại Eximbank như đã nêu trên, ông Nguyễn Quốc Toàn cũng đã lên tiếng cho biết đây “chỉ là việc gia đình” và bày tỏ mong muốn sự việc sớm được kết thúc.
Quay trở lại với số cổ phần tại Eximbank mà nhóm cổ đông Nam A Bank sở hữu mà ông Chấn đã nhắc đến tại ĐHĐCĐ bất thành của Eximbank ngày 21/6 vừa qua, ông Nguyễn Cảnh Vinh – quyền Tổng Giám đốc Eximbank, cho biết trong vài tháng gần đây, nhóm cổ đông liên quan ông Nguyễn Quốc Toàn đã thoái gần hết vốn tại Eximbank. Do đó, các thành viên lãnh đạo tại Nam A Bank hiện không còn ai nắm cổ phiếu tại Eximbank.
Thông tin này cũng được một nguồn tin thân cận xác nhận với một số tờ báo hồi tháng 4/2019, với lý do theo lời nguồn tin này là để cơ cấu lại tập trung cho Nam A Bank nhằm mục tiêu đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán và coi số cổ phần đó tại Eximbank như khoản đầu tư.
Thực tế ghi nhận giao dịch trên thị trường thời gian qua cũng có tới hơn 350 triệu cổ phiếu EIB được sang tay, trị giá trên 5.000 tỷ đồng.
Có một điểm đáng chú ý là tính đến tháng 3/2019, phần lớn số cổ phần của Eximbank do nhóm cổ đông tại Nam A Bank nắm giữ nói trên đều được cầm cố, thế chấp tại Nam A Bank làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại ngân hàng này trong đó bao gồm các cá nhân, đơn vị liên quan đến ông Nguyễn Quốc Toàn.
Bên cạnh đó, Nam A Bank còn đứng trước nghi vấn của giới đầu tư về một rủi ro tiềm tàng mang tên Tập đoàn Hoàn Cầu bởi không loại trừ việc Nam A Bank nhiều năm được sử dụng như một đòn bẩy tài chính cho chuỗi doanh nghiệp thuộc tập đoàn này và động thái tố cáo của ông Nguyễn Chấn có nguy cơ trở thành chỉ báo đầu tiên cho việc lộ sáng những thương vụ cho vay “dưới chuẩn” của Nam A Bank
Dẫn lại lời của ông Nguyễn Quốc Toàn mới đây, năm 2018 là năm Nam A Bank đạt lợi nhuận tốt nhất kể từ khi thành lập đến nay. Kết quả khả quan này tiếp tục kéo dài đến năm 2019, chỉ trong 5 tháng đầu năm, ngân hàng đã đạt hơn 53% kế hoạch lợi nhuận.
Thực tế, những con số trên BCTC cũng đã chứng minh những lời ông Toàn nói nhưng những thông tin về việc cho vay và xử lý nợ của nhóm công ty Hoàn Cầu tại ngân hàng vẫn hoàn toàn mù mịt.
Không phải đến hiện tại, những lùm xùm tranh chấp cổ phần tại Nam A Bank mới được bắt đầu mà đã được âm ỉ từ khá lâu (tại thông báo mới nhất của ngân hàng cũng khẳng định).
Trước đó, một nhóm cổ đông nắm giữ khoảng 16% cổ phần của Nam A Bank (ước tính khoảng 38 triệu cổ phiếu) đã phát đơn kiện ngân hàng vì lý do “không cung cấp thông tin rõ ràng, đầy đủ về việc số cổ phần mà họ đã từng sở hữu đã… bị mất”. Vụ việc sau đó được giao cho Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng Tp. HCM (Cục II) thụ lý, giải quyết.
Từ những sự việc này, hy vọng về việc “chào sàn trong năm 2019” của Nam A Bank là khá mong manh. Lý giải nguyên nhân về những lần lỡ hẹn không chỉ của Nam A Bank mà còn là ABBank, VietBank, OCB… một chuyên gia tài chính cho biết, thủ tục, hồ sơ niêm yết không khó, không vướng nhưng quan trọng là sở hữu cổ phần giữa các cổ đông lớn chưa rõ ràng, chưa chuẩn bị cho vấn đề minh bạch…
Linh Đan