Tính đến cuối tháng 5, chỉ số VN-Index ghi nhận diễn biến tích cực, tăng hơn 2,7% so với đầu tháng và ghi nhận mức tăng hơn 7% kể từ đầu năm nhờ sự phục hồi của toàn bộ nhóm ngành.
Thanh khoản dần cải thiện
Đặc biệt, thanh khoản cải thiện tháng thứ hai liên tiếp và thể hiện rõ nét nhất trong những phiên cuối tháng 5. Cụ thể, ngày 29/5, giá trị giao dịch trên sàn HoSE đạt 13.783 tỷ đồng, giá trị giao dịch toàn thị trường tính cả 3 sàn đạt 16.266,1 tỷ đồng, tăng 22,6% so với phiên liền trước, tăng 20% so với 20 phiên trước đó. Ngày 30/5, giá trị giao dịch trên sàn HoSE đạt 16.419 tỷ đồng, giá trị giao dịch toàn thị trường tính cả 3 sàn đạt 19.376,9 tỷ đồng, tăng 19,1% so với phiên liền trước, tăng 41,4% so với 20 phiên gần đây.
Thanh khoản duy trì mức cao giúp VN-Index liên tục khởi sắc. |
Thanh khoản duy trì ở mức cao được kéo dài sang những phiên đầu tháng 6. Thậm chí, trong phiên 2/6, chỉ số bứt phá vượt ngưỡng cản 1.080 điểm khá xa, với thanh khoản đạt 18.349 tỷ đồng – mức cao nhất trong vòng 7 tháng trở lại đây (kể từ phiên 6/12/2022).
Giới phân tích đánh giá, thanh khoản đang dần trở nên tích cực bởi dòng tiền của nhà đầu tư trong nước bắt đầu quay lại thị trường chứng khoán, niềm tin được cải thiện nhờ hàng loạt chính sách gỡ khó cho cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được ban hành cùng với việc lãi suất hạ nhiệt, giúp giảm chi phí cơ hội, chi phí vốn khi đầu tư chứng khoán.
Thực tế, theo Pyn Elite Fund, lượng margin tại các công ty chứng khoán đã ghi nhận tăng từ 30-40% từ đầu năm và khách hàng cá nhân bắt đầu chuyển từ tiền gửi ngân hàng sang kênh đầu tư chứng khoán.
Bên cạnh đó, dòng tiền từ thị trường phái sinh cũng đang đổ ngược lại thị trường chứng khoán cơ sở. Thống kê cho thấy, bình quân từ tháng 1 tới giữa tháng 3/2023, khối lượng hợp đồng phái sinh khoảng 300.000 hợp đồng/phiên, nhưng từ khoảng tháng 4 tới nay, bình quân khoảng 159.000 hợp đồng/phiên.
Mặt khác, số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam cho biết, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 104.745 tài khoản chứng khoán trong tháng 5. Con số này gấp gần 5 lần lượng tài khoản mở mới so với tháng trước đó và là mức cao nhất trong vòng 9 tháng kể từ tháng 8/2022. Điều này cho thấy, nhà đầu tư cá nhân đang có "hứng thú" trở lại với kênh đầu tư chứng khoán.
Vẫn cần thời gian “ngấm”
Giới phân tích nhìn nhận, lãi suất tiết kiệm bớt hấp dẫn, còn thị trường bất động sản được dự báo khó hồi phục trong ngắn hạn khi những “nút thắt” vẫn còn, trong khi đó thị trường chứng khoán với đặc tính thanh khoản và hạn mức đầu tư đa dạng, cho nên kênh đầu tư này trở thành điểm đến của dòng tiền.
Theo ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), lãi suất giảm là yếu tố hỗ trợ quan trọng đẩy nhanh quá trình tạo đáy của thị trường chứng khoán sau chu kỳ đi xuống. Lãi suất giảm sẽ phần nào thu hút lại nhà đầu tư, qua đó cải thiện thanh khoản chung của thị trường.
Dù vậy, chuyên gia BSC chỉ ra, giá trị giao dịch bình quân phiên chỉ tăng từ 2 - 3% qua từng tuần. Điều này phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước xu hướng thị trường không rõ rệt và hoạt động bán ròng mạnh từ khối ngoại.
Mặt khác, dù giao dịch sôi động ở một số nhóm nhưng bản chất thị trường chưa thể bứt phá. Yếu tố cơ bản chưa đủ mạnh, chưa đủ yếu tố tích cực nên dòng tiền lớn vẫn đứng ngoài. Đồng thời, xu hướng đầu tư này làm tăng khối lượng giao dịch nhưng không cải thiện đáng kể giá trị giao dịch.
Tương tự, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC cho rằng, mặc dù lãi suất tiết kiệm giảm nhưng tiền vào chứng khoán mạnh mẽ là khó xảy ra, ít nhất là trong ngắn hạn.
Cũng theo chuyên gia DSC, việc lãi suất tiết kiệm giảm 1-2%/năm vẫn mang lại mức độ hấp dẫn cao hơn so với chứng khoán. Ở thời điểm hiện tại, mức lợi nhuận cao kỳ vọng của chứng khoán không đủ để bù đắp cho xác suất có thể lỗ khi tham gia. Đa phần nhà đầu tư vẫn ưa thích sự chắc chắn hơn dù lãi suất thấp và gửi tiết kiệm đáp ứng được điều đó.
Mặt khác, nhiều nhà đầu tư F0 vẫn chưa thực sự “hoàn hồn” sau giai đoạn thị trường điều chỉnh mạnh, trong khi vĩ mô còn nhiều khó khăn trước mắt.
“Để tiền từ tiết kiệm vào chứng khoán vẫn cần đáp ứng một số điều kiện như lãi suất tiết kiệm phải xuống thấp trong thời gian đủ lâu (kỳ hạn 6 tháng khoảng dưới 5%/năm). Bên cạnh đó, thị trường phải kiếm lời tốt trong khoảng thời gian đủ lâu để tiền cũ tự tin tham gia và tạo sóng FOMO cho tiền mới. Do đó chưa thể kỳ vọng dòng tiền mới tham gia thị trường mạnh mẽ trong giai đoạn này”, ông Huy phân tích.
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), điểm tích cực cho thị trường trong thời gian tới là dòng tiền đã có dấu hiệu quay trở lại thị trường, trong bối cảnh trần lãi suất huy động ngắn hạn liên tục điều chỉnh giảm trong ba tháng trở lại đây. Tuy nhiên, mức độ lan tỏa của dòng tiền tại nhóm vốn hóa lớn còn khá thấp do lo ngại các yếu tố nội tại của phần lớn các doanh nghiệp niêm yết chưa thực sự phục hồi rõ rệt trong quý 2/2023 dựa trên các chỉ báo dẫn dắt của vĩ mô.
“Dòng tiền lớn vẫn đang chờ đợi các chính sách tiền tệ và tài khóa đi vào nền kinh tế, thẩm thấu tốt hơn”, VDSC nhận định.
Cùng chung quan điểm, BSC Research cho rằng, thị trường vẫn cần thêm thời gian để thẩm định các tín hiệu rõ ràng hơn về kinh tế vĩ mô và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Hải Giang