Cách đây hơn 15 năm, với những quy định cởi mở của Nghị định 38/2003/ NĐ-CP và Quyết định 238/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các công ty FDI như Dây và Cáp điện Taya Việt Nam (mã: TYA), Everpia (mã: EVE), Mirae (mã: KMR), Tung Kuang (mã: TKU)… sau khi chuyển đổi sang hình thức doanh nghiệp (DN) cổ phần đã thực hiện niêm yết trên các sàn chứng khoán.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam không đón thêm được DN FDI nào.
Doanh nghiệp bức xúc
Việc chậm trễ trong cơ chế niêm yết cho các DN dường như đang đi trái với nội dung của Nghị quyết 50/NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Theo Nghị quyết, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác…
Lãnh đạo một DN vốn Đài Loan đã từng bức xúc lên tiếng về việc cảm thấy khó hiểu với quá trình phê duyệt cho DN FDI tại Việt Nam kéo dài quá lâu khiến quan hệ giữa nội bộ công ty và các cổ đông khá căng thẳng.
Sự bức xúc đó cũng đang xảy ra tại khối DN FDI Hàn Quốc bởi họ đầu tư vào rất nhiều quốc gia trong khu vực nhưng tình trạng này lại chỉ diễn ra tại Việt Nam. Các công ty chứng khoán chia sẻ về việc nhận được đề nghị hỗ trợ niêm yết ngày càng nhiều, nhưng đều phải trì hoãn do không có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Gần đây, tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 của CTCP Seoul Metal Việt Nam (SMV) và CTCP Công nghiệp Ngũ Kim Fortress Việt Nam (FTV), nhiều câu hỏi liên quan đến việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Việt Nam vẫn chưa thành công được các cổ đông đưa ra chất vấn ban lãnh đạo.
Để trấn an các cổ đông, ban lãnh đạo SMV cho biết trong thời gian chờ đợi cơ chế, công ty sẽ tiến hành đăng ký giao dịch trên UPCoM. Về phía FTV cũng thông báo tới các cổ đông về việc đang hoàn thiện các thủ tục và hồ sơ để nộp lên HoSE, dự kiến tháng 6/2019 sẽ được niêm yết.
Tại thời điểm diễn ra ĐHĐCĐ, cổ phiếu FTV đang giao dịch với giá 50.000 đồng/cp trên thị trường OTC và nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, sẵn sàng mua vào cổ phiếu này với mức giá cao hơn nếu niêm yết.
Tuy nhiên, đến nay, đã gần hết quý III nhưng vẫn chưa có bất cứ thông tin nào của các cơ quan chức năng về việc đã nhận hồ sơ niêm yết của những đơn vị này.
Các văn bản pháp lý hỗ trợ khối FDI lên sàn phải tính toán cẩn trọng |
Không thể chậm thêm
Để làm rõ hơn nguyên nhân của sự chậm trễ cơ chế này, nên nhìn lại giai đoạn thí điểm năm 2003 với 7 DN FDI lên sàn. Tại thời điểm đó, việc chào sàn của hàng loạt DN FDI lớn đã tạo ra một không khí sôi động trên thị trường vốn.
Tuy nhiên, sự tích cực không kéo dài, sau quãng thời gian đầu thăng hoa trên các sàn giao dịch, các mã cổ phiếu FDI như FPC, CYC, TCR, RIC… đã nhanh chóng để lộ bức tranh kinh doanh thua lỗ, giá cổ phiếu lao dốc, thậm chí có DN phải hủy niêm yết vì nghi vấn chuyển giá, tận dụng các ưu đãi về thuế để kéo dài lỗ lũy kế, khiến nhiều nhà đầu tư “cháy túi”.
Giới đầu tư e ngại đặt dấu hỏi về sự minh bạch trong các thông tin tài chính, thậm chí lo ngại có hiện tượng DN FDI lợi dụng TTCK để chiếm dụng vốn hay một chiến lược “thoái lui”, có nghĩa sau khi niêm yết, các cổ đông lớn sẽ bán hết phần vốn đầu tư và rút về nước.
Tuy nhiên, để thực hiện định hướng của Nghị quyết 50/NQ-TW của Bộ Chính trị, một số chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán cho rằng đây là thời điểm chín muồi để mở đường cho các DN FDI chuyển đổi sang công ty đại chúng và đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn giao dịch.
Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực nâng hạng TTCK, cũng như thực thi các giải pháp để gia tăng thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp chảy vào TTCK, việc cho phép DN FDI lên sàn chính là thêm một con đường thu hút dòng vốn ngoại đã được “Việt Nam hóa”.
Theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), cuối tháng 5/2019, Bộ Tài chính đã chủ trì cuộc họp bàn với các bộ, ngành liên quan để thống nhất trình Chính phủ quy định pháp lý cho khối DN FDI niêm yết.
Hiện, Bộ KH&ĐT cũng đã làm việc với UBCKNN để thống nhất đề xuất sửa đổi các Luật liên quan như: Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán, Luật DN, trong đó có câu chuyện về việc khó khăn pháp lý cho khối DN FDI lên sàn. Đại diện UBCKNN thông tin nếu thuận lợi thì các quy định pháp lý hướng dẫn khối FDI niêm yết sẽ cơ bản được xác lập trong quý III/2019.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng điều quan trọng khi xây dựng cơ chế lên sàn cho khối FDI là phải đánh giá kỹ lưỡng các cam kết mà DN thực hiện khi được cấp phép đầu tư. Bên cạnh những điều kiện của các Sở giao dịch chứng khoán, cần đưa ra thêm các tiêu chí như: thời gian hoạt động tại Việt Nam, tỷ lệ tăng trưởng, quy định thời gian chuyển nhượng cổ phiếu của các cổ đông lớn, cổ đông sáng lập… để không đưa các nhà đầu tư vào “vết xe đổ” của giai đoạn thí điểm.
Linh Đan