Thống kê mới nhất từ VNDirect cho thấy, tính đến thời điểm ngày 26/10, đã có 310 công ty công bố kết quả kinh doanh quý III, tương ứng với 17,8% tổng số cổ phiếu và 21,9% tổng vốn hóa toàn thị trường. Tổng lợi nhuận quý III/2021 của các công ty đã công bố kết quả tăng 25,0% so với cùng kỳ và với 9 tháng đầu năm ghi nhận tăng 46,7%.
Trong số những doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính (BCTC), nhóm vốn hoá lớn có tăng trưởng lợi nhuận dòng quý III cao nhất với 35,4%, 9 tháng đầu năm là 49%; ở chiều ngược lại, nhóm vốn hoá nhỏ tăng trưởng âm 22,5%, nhóm vốn hóa vừa tăng không đáng kể 3,1% trong quý III; 9 tháng đầu năm lần lượt là âm 13,2%, tăng 39%.
Nghịch lý giá cổ phiếu
Tại nhóm tăng trưởng, các ngân hàng đang gây ấn tượng khi ghi nhận những con số lợi nhuận "khủng" bất chấp những dự báo lợi nhuận nhóm này có thể sẽ xấu đi trong quý III/2021 do mặt bằng lãi suất cho vay giảm hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Tuy nhiên, có một điều lạ là nhóm cổ phiếu ngân hàng lại liên tiếp "bay màu" trên thị trường chứng khoán dù cho kết quả kinh doanh quý III tích cực cùng với đó là các công ty chứng khoán vẫn đưa ra những triển vọng tích cực trong quý IV nhờ NIM cải thiện khi cầu tín dụng tăng trở lại hậu Covid-19.
Theo đó, hầu hết các mã của nhóm ngân hàng vốn được mệnh danh là "cổ phiếu vua" đều ghi nhận mức giảm 20%-30% trong khoảng 2 tháng gần đây.
![]() |
Dòng tiền cá nhân thường thiếu kiên nhẫn, sẵn sàng rời bỏ hay cắt lỗ bluechip. |
Những gì đang xảy ra ở nhóm "bank" cũng diễn ra tại "chứng, thép". Có thể kể đến, Công ty chứng khoán SSI công bố lợi nhuận quý III/2021 tăng gần 2 lần so với cùng kỳ nhưng cổ phiếu SSI lại liên tục đóng cửa trong sắc đỏ; hay như VNDirect cũng ghi nhận lợi nhuận tăng gấp đôi nhưng cổ phiếu VND cũng kịp thời ghi nhận cho mình vài phiên giảm giá liên tiếp...
Còn tại nhóm thép, Hoà Phát lần đầu tiên báo lãi vượt 10.000 tỷ đồng trong quý III nhưng cổ phiếu "quốc dân" HPG cũng đánh mất vùng giá lịch sử 58.000 đồng/cp; HSG của Hoa Sen cũng không nằm ngoài xu thế chung.
Thế nhưng, ở chiều hướng ngược lại, những doanh nghiệp tưởng chừng phải rơi vào "black list" của các nhà đầu tư bởi kết quả kinh doanh thua lỗ, giao dịch cổ phiếu có nhiều yếu tố bất thường lại đang tăng phi mã trong thời gian gần đây.
Đại diện rõ ràng nhất cho sự ngược đời này là câu chuyện của cổ phiếu FTM (CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân - Fortex). Trong khi doanh nghiệp, báo lỗ 131,5 tỷ đồng sau 9 tháng thì cổ phiếu FTM lại ghi nhận mức tăng gần 34% trong khoảng 10 phiên giao dịch gần đây.
Trên sàn HNX, trong danh sách 10 mã có mức tăng giá cao nhất thì có đến 9 mã tăng trên 40% nhưng doanh nghiệp lại chỉ có mức lợi nhuận "bèo bọt", thậm chí thua lỗ triền miên. Ấn tượng nhất phải kể đến cổ phiếu RGC của Đầu tư PV-Inconess có mức tăng giá lên tới 85% nhưng lợi nhuận 9 tháng đầu năm ghi nhận con số âm 10 tỷ đồng.
Dấu hỏi về tính bền vững
Việc nhiều cổ phiếu liên tục tăng nóng, giảm sốc dù hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không ghi nhận những kết quả tích cực đã tạo môi trường cho các hoạt động thao túng, làm giá phát triển thu hút một lượng đông đảo các nhà đầu tư. Đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường với mong muốn tìm kiếm những cổ phiếu sinh lời nhanh.
"Sóng đầu cơ lớn trên thị trường xuất phát từ làn sóng tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư F0 cùng các diễn đàn mạng khiến tâm lý "bầy đàn" trở nên mạnh mẽ hơn, có thời điểm chỉ tính riêng nhóm VNSmallcap đã khớp lệnh khoảng 5.000 tỷ đồng/phiên, trong khi thanh khoản thị trường đạt khoảng 20.000 tỷ", ông Bùi Văn Huy - chuyên gia chứng khoán cho biết.
Bởi lẽ, dòng tiền cá nhân thường thiếu kiên nhẫn, sẵn sàng rời bỏ hay cắt lỗ bluechip vì "mãi không thấy lên" để tìm kiếm cơ hội ngắn hạn ở nhóm nhỏ hơn.
Thế nhưng, các con sóng của cổ phiếu đầu cơ thường diễn ra khá ngắn do chỉ phụ thuộc cung/cầu ngắn hạn trong khi nền tảng cơ bản, hoạt động kinh doanh không đủ sức hỗ trợ, do đó có thể tác động xấu đến chỉ số vì có thể xuất hiện một làn sóng "tháo chạy" lớn nếu những cổ phiếu nhỏ kia quay đầu giảm sàn.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng Phòng Phân tích & Tư vấn Đầu tư Chứng khoán Agriseco cho biết, sở dĩ có những nghịch lý giá cổ phiếu trong giai đoạn hiện nay là do thị trường đang thiếu một ngành đủ mạnh để dẫn dắt, tạo hiệu ứng tâm lý tích cực tới toàn thị trường khi nhóm ngân hàng sau giai đoạn bị chốt lời vẫn chưa thể bứt lên, điều tương tự với nhóm chứng khoán, bất động sản trong khi hiệu ứng của những ngành khác tới thị trường không lớn bằng.
Thậm chí có ý kiến cho rằng, không loại trừ có những tay to, tổ chức tự doanh, cố tình đạp sâu các mã bluechip để đánh chỉ số xuống. Một phần vì cuộc chơi phái sinh, một phần để gom hàng nhắm cho sóng lớn quý IV.
Đồng quan điểm, chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp nhận định, kết quả kinh doanh tốt hoặc cực tốt, tiếp tục tăng trưởng khả quan nhưng giá cổ phiếu suy giảm. Sự vô lý này có thể xảy ra trong ngắn hạn vì trào lưu đầu cơ nhưng trung và dài hạn "hàng cơ bản" sẽ được trả về giá trị đúng.
"Bất cứ cổ phiếu cơ bản nào cũng có điểm cân bằng ở từng vùng index. Có nghĩa là giả sử ở vùng 1.380-1.400, cổ phiếu A có điểm cân bằng là 62-66, nếu cổ phiếu A chiết khấu đủ lớn, 10% chẳng hạn, sẽ trở thành hấp dẫn. Kể cả trong trường hợp index không tăng, trong trung hạn giá cổ phiếu vẫn có khả năng tăng trở lại vùng cân bằng", ông Điệp nhận định.
Minh Khuê