Sáng ngày 29/06/2018, Tổng công ty Viglacera – CTCP (mã: VGC) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2018, thông qua các chỉ tiêu kinh doanh, tỷ lệ cổ tức, công tác thoái vốn…
Tại đại hội, lãnh đạo VGC cho biết, Bộ Xây dựng sẽ bán khớp lệnh trên thị trường gần 80,6 triệu cổ phiếu, tương đương 17,97% vốn của VGC.
Theo phương án thoái vốn được phê duyệt hồi cuối tháng 5 vừa qua, Bộ Xây dựng sẽ bán cổ phần VGC với giá trần của ngày giao dịch nhưng tối thiểu là 26.100 đồng/cp và không thấp hơn giá tham chiếu bình quân của 30 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán trước ngày công bố thông tin.
Nếu thoái vốn Nhà nước thành công xuống 36%, HĐQT của VGC sẽ có 5 thành viên, trong đó có 2-3 thành viên đại diện cổ đông Nhà nước.
Về lo ngại của cổ đông việc thoái vốn có thể tiếp tục bất thành, ông Minh cho biết, theo lộ trình, ngày 27/6/2018 được HNX cho phép, Tổng Công ty đã thực hiện bán vốn nhà nước vào ngày 28/6/2018.
Tuy nhiên, do áp lực bán quá mạnh nên việc cháo bán không thành công và kế hoạch này sẽ kéo dài tới 21/7. Trong trường hợp nếu tiếp tục bán vốn nhà nước không thành công, Công ty sẽ xin gia hạn thêm 60 ngày.
"Sau khi gia hạn mà không thoái vốn được thì sẽ báo cáo Bộ Xây dựng và đề xuất phương án cụ thể. Việc thoái vốn và giá còn phụ thuộc vào diễn biến thị trường, còn việc thoái vốn dứt khoát phải làm", ông Minh nói.
Một nội dung đáng chú ý khác cũng được HĐQT trình cổ đông thông qua là việc chuyển niêm yết cổ phiếu VGC từ Sở GDCK Hà Nội (HNX) sang Sở GDCK TP.HCM (HoSE), dự kiến hoàn tất thủ tục trong quý IV/2018.
Báo cáo tại Đại hội, HĐQT VGC cho biết, năm 2017, lợi nhuận hợp nhất của VGC đạt 913,8 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2016; trong đó lợi nhuận trước thuế của Công ty mẹ đạt 566,5 tỷ đồng, tăng 28% so với 2016; VGC chi 426 tỷ đồng trả cổ tức cho các cổ đông với tỷ lệ 9,5%.
Theo báo cáo của HĐQT, năm 2017 kết quả kinh doanh của VGC đều đạt và vượt so với kế hoạch ĐHĐCĐ 2017 đã thông qua ngày 25/4/2017.
Năm 2018, VGC đặt mục tiêu lợi nhuận 950 tỷ đồng, tương ứng với doanh thu hợp nhất 9.100 tỷ đồng. Kế hoạch cổ tức duy trì ở mức 9,5% và vốn điều lệ cũng giữ nguyên 4.483,5 tỷ đồng.
Về công tác đầu tư, Viglacera sẽ tập trung đầu tư vào nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, dự án Khu công nghiệp và Bất động sản nghỉ dưỡng. Dự kiến Viglacera sẽ đầu tư Nhà ở công nhân tại tỉnh Bắc Ninh, Bình Dương, Vũng Tàu; đầu tư mới hai dự án KCN: KCN Yên Mỹ - Hưng Yên và KCN Yên Phong II–C - Bắc Ninh, đồng thời chuẩn bị các bước đầu tư KCN Đồng Văn IV mở rộng và phát triển khu du lịch sinh thái Vân Hải.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về lợi nhuận quý I sụt giảm so với cùng kỳ, ông Luyện Công Minh, Chủ tịch HĐQT của VGC cho biết, do ảnh hưởng của mảng gạch ốp lát cạnh tranh khốc liệt so với 2017 và mảng kính xây dựng do công suất tăng nhưng sản lượng sản xuất chưa đặt kế hoạch. Nguyên nhân thứ hai là do tác động từ nguồn hàng nhập khẩu.
“Tuy nhiên, các quý tiếp theo, tình hình kinh doanh sẽ được cải thiện, ước tính lợi nhuận công ty mẹ quý II có thể đạt khoảng 300 tỷ đồng”, ông Minh nói.
L.Đan