Theo đó, hàng loạt công ty chứng khoán (CTCK) đã công bố kế hoạch tăng vốn. Số tiền thu từ các đợt phát hành đều dự kiến dùng để đầu tư phát triển hệ thống công nghệ thông tin, bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh và bảo lãnh phát hành, bổ sung vốn cho vay margin.
“Nóng” dần câu chuyện tăng vốn
Mới nhất, CTCP Chứng khoán Vietcap vừa công bố nghị quyết HĐQT ngày 26/9/2024 thông qua việc triển khai phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ và hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Số lượng chào bán là hơn 143,6 triệu đơn vị, tương đương hơn 25% số lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Với giá chào bán 28.000 đồng/cp – thấp hơn 22% so với giá trên sàn hiện nay, Vietcap dự kiến thu về hơn 4.000 tỷ đồng, dùng để bổ sung vốn cho vay giao dịch ký quỹ và hoạt động tự doanh.
Trước đó, ngày 13/9, Vietcap đã chốt danh sách cổ đông để phát hành cổ phiếu thưởng, qua đó nâng vốn điều lệ từ 4.419 tỷ đồng lên 5.744,7 tỷ đồng.
Như vậy, nếu hoàn thành đợt phát hành riêng lẻ nêu trên, Vietcap sẽ tiếp tục nâng vốn lên hơn 7.180 tỷ đồng.
Hàng loạt CTCK đã công bố kế hoạch tăng vốn. |
Xu hướng tăng vốn không chỉ diễn ra tại Vietcap, mà còn ở nhiều CTCK khác. Chẳng hạn, Chứng khoán MB (MBS) đã hoàn thành đợt chào bán hơn 109 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp, thu về gần 1.100 tỷ đồng và nâng vốn điều lệ lên gần 5.500 tỷ đồng.
Chứng khoán VIX (VIX) cũng vừa hoàn tất hàng loạt phương án phát hành cổ phiếu, từ việc trả cổ tức bằng cổ phiếu, thưởng cổ phiếu cho nhân viên, đến chào bán cho cổ đông hiện hữu. Qua đó, công ty đã tăng vốn điều lệ từ 6.694 tỷ đồng lên 14.585 tỷ đồng, trở thành một trong những CTCK có vốn điều lệ lớn nhất thị trường.
“Ông lớn” SSI (SSI) cũng không đứng ngoài cuộc đua khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận phát hành hơn 453 triệu cổ phiếu thông qua thưởng cổ phiếu và chào bán cho cổ đông hiện hữu. Thời gian đăng ký mua sẽ diễn ra từ 7/10 - 4/11. Nếu hoàn tất đợt phát hành, vốn điều lệ của CTCK này sẽ tăng từ hơn 15.111 tỷ đồng lên gần 19.645 tỷ đồng.
Trước đó, vào tháng 7/2024, CTCP Chứng khoán VNDirect (VND) đã chào bán thành công gần 244 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 5%, tương ứng phát hành thêm gần 61 triệu cổ phiếu. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của VNDirect đã tăng từ 12.178 tỷ đồng lên gần 15.223 tỷ đồng.
Đa số các CTCK đều được ĐHĐCĐ thông qua các phương án tăng vốn (nếu có) cho giai đoạn 2024 – 2025. Ngoài các CTCK nêu trên, từ đầu năm đến giữa tháng 9, nhiều đơn vị đã thực hiện một phần hoặc cả phương án. Có thể kể đến như ACBS tăng vốn lên 7.000 tỷ đồng, HSC (HCM) tăng vốn lên trên 7.550 tỷ đồng, TPS (ORS) tăng vốn lên 3.360 tỷ đồng…
Chuẩn bị cho thị trường được nâng hạng
Nhìn chung, huy động vốn được đánh giá là yếu tố quyết định việc tăng biên lợi nhuận mảng cho vay ký quỹ - động lực tăng trưởng quan trọng của các CTCK. Theo đó, những công ty có thị phần môi giới lớn và có khả năng huy động được lượng vốn lớn sẽ có nhiều dư địa phát triển hoạt động cho vay ký quỹ trong tương lai. Cùng với đó, tăng vốn cũng là một trong những yếu tố chính quyết định tăng trưởng của hoạt động tự doanh - mảng quan trọng thứ hai trong mô hình kinh doanh của các CTCK.
Bên cạnh việc bổ sung nguồn vốn để mở rộng kinh doanh, các chuyên gia của VIS Rating cho rằng tỷ lệ đòn bẩy của các CTCK có dấu hiệu tăng lên trong năm 2023 là một yếu tố buộc các đơn vị này phải tăng vốn.
Hiện, nguồn vốn cho vay từ các CTCK thường được huy động từ các ngân hàng thương mại. Khi các CTCK mở rộng đầu tư và cho vay ký quỹ (margin), tỷ lệ đòn bẩy và sự phụ thuộc vào vay ngắn hạn từ ngân hàng sẽ tăng dần. Do đó, để giảm thiểu rủi ro, các CTCK đã huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu.
Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản với nội dung cấm các CTCK huy động tiền từ khách hàng. Do đó, một số CTCK sẽ cần tìm kiếm nguồn vốn thị trường để hỗ trợ hoạt động kinh doanh, đặc biệt là các công ty không có mối liên kết chặt chẽ với ngân hàng.
Một trong những nguyên nhân khác thúc đẩy cuộc đua tăng vốn giữa các CTCK, theo giới phân tích, là nhằm đón đầu “sóng” nâng hạng thị trường.
Thực tế, việc cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đặt lệnh chứng khoán mà không cần đủ tiền kể từ ngày 2/11 tới đây được kỳ vọng sẽ gia tăng dòng vốn nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Theo đó, ngành chứng khoán được đánh giá sẽ được hưởng lợi trực tiếp nhờ tiềm năng gia tăng phục vụ nhiều nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, giúp gia tăng thu nhập từ mảng môi giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn có rủi ro tiềm ẩn như rủi ro thanh toán do các quỹ tổ chức nước ngoài thanh toán trễ sau T+2 sau khi mua. Việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài không thanh toán đúng hạn có thể buộc các CTCK phải bán tháo cổ phiếu thế chấp, tạo ra áp lực bán đáng kể làm tăng biến động giá cổ phiếu và tác động tiêu cực đến sự ổn định của thị trường.
Để thu hút các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, các CTCK sẽ cạnh tranh dựa trên những yếu tố: phí giao dịch, tỷ lệ cấp vốn trước (vốn tự có/tổng giá trị mua), tổng giá trị vốn được ứng trước, và chất lượng dịch vụ (thông tin và báo cáo).
Trong đó, yếu tố tổng giá trị vốn được ứng trước sẽ làm tăng áp lực buộc các CTCK phải tăng vốn chủ sở hữu, do quy định giới hạn tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là không quá 5 lần. Vì vậy, việc tăng vốn của các CTCK thời điểm này được cho là rất cấp bách.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, khi hệ thống giao dịch mới KRX đi vào vận hành đưa ra thêm nhiều sản phẩm cho thị trường như giao dịch trong ngày, bán chứng khoán chờ về…
Hay như việc nới quy định ký quỹ với nhà đầu tư nước ngoài, các CTCK sẽ trở thành yếu tố quan trọng đảm bảo giảm thiểu rủi ro. “CTCK muốn cung cấp các dịch vụ mới sẽ phải đảm bảo vốn điều lệ tối thiểu theo yêu cầu. Như vậy, không chỉ cần đáp ứng quy mô nguồn vốn, các CTCK cũng cần nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ để đảm bảo việc cung ứng các dịch vụ cho khách hàng”, chuyên gia Yuanta nhấn mạnh.
Hải Giang