Gần 10 tháng qua, thị trường chứng khoán (TTCK) chịu ảnh hưởng bởi nhiều biến động về vĩ mô trong nước và thế giới. Bối cảnh xung đột địa chính trị căng thẳng và lạm phát dâng cao khiến nhiều nền kinh tế trên thế giới phải thắt chặt tiền tệ, đồng USD tăng giá gây áp lực lên điều hành tỷ giá của hầu hết quốc gia…
Về đáy 1 năm
Tuy nhiên, việc nhà điều hành đưa ra những công cụ về chính sách tài khóa như: cắt giảm thuế, gia hạn thuế hoặc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công hay như hàng loạt chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản… đã đem lại sự "hưng phấn" trên TTCK, nhất là những nhóm cổ phiếu liên quan được hưởng lợi, nhờ đó tác động tích cực đến thị trường chung.
2 phiên đầu tiên của tháng 11 với màu xanh ngập tràn bảng điện đang mang lại niềm tin cùng không khí sôi nổi cho các “chứng sĩ”. |
Niềm vui cứ ngỡ kéo dài khi giới phân tích đánh giá TTCK sẽ còn lên những nấc thang mới trong giai đoạn cuối năm. Nhưng chỉ trong tháng 10, VN-Index trải qua mức giảm mạnh nhất trong hơn 1 năm, đẩy chỉ số sụt giảm nhanh tới chóng mặt khiến toàn bộ thành quả tăng giá kể từ đầu năm gần như bay biến trong sự ngỡ ngàng của toàn thị trường.
Đáng lo, bất chấp thị trường giảm sâu, dòng tiền kiên quyết không nhập cuộc khi thanh khoản khớp lệnh tiếp tục “mất hút” về đáy thấp nhất trong nhiều tháng. Trong tháng 10, tổng giá trị giao dịch bình quân chỉ đạt 16.905 tỷ đồng/phiên, giảm 37%, trong đó giá trị khớp lệnh bình quân giảm 36,7% xuống mức 15.472 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bước sang tháng 11, VN-Index ghi nhận 2 phiên hồi phục trở lại, cùng với đó là những tín hiệu tích cực.
Thông tin cập nhật từ Fubon FTSE Vietnam ETF, quỹ ngoại này đã phát hành thêm 36,5 triệu chứng chỉ quỹ trong phiên 1/11, con số kỷ lục từ đầu năm 2023, tương ứng giá trị hút ròng gần 310 tỷ đồng. Trước đó 2 phiên, Fubon FTSE Vietnam ETF cũng đã phát hành hàng chục triệu chứng chỉ quỹ và toàn bộ số tiền này được giải ngân mua cổ phiếu Việt Nam. Đây là giai đoạn hút ròng mạnh nhất từ đầu năm của ETF này.
Cùng chiều, tự doanh công ty chứng khoán cũng mua ròng hàng trăm tỷ đồng trên cả 3 sàn trong phiên thị trường hồi phục.
Có thể nói, việc Fubon FTSE Vietnam ETF hút vốn khá mạnh những ngày gần đây cũng như động thái của tự doanh là tín hiệu tích cực, góp phần hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư khi thị trường giảm sâu. Theo đó, niềm tin của các nhà đầu tư đang nhen nhóm trở lại với kỳ vọng có một tháng 11 “xanh ngát”.
Trong quá khứ, tháng 11 giai đoạn 2008-2016 từng là "cơn ác mộng" đối với các "chứng sĩ" khi VN-Index liên tục mất điểm vào tháng này. Tuy nhiên, những năm gần đây, TTCK đã biến động "dễ thở" hơn nhiều trong tháng 11. VN-Index đã tăng 5/6 năm gần nhất, đặc biệt là cú lội ngược dòng ngoạn mục trong tháng 11 năm ngoái.
Tính chung trong 23 năm hoạt động của TTCK Việt Nam, VN-Index biến động khá cân bằng với 12 lần tăng điểm và 11 lần giảm điểm. Dù vậy, mức độ biến động trong tháng 11 thường tương đối mạnh với mức tăng/giảm nhiều năm trên 10% và số liệu quá khứ chỉ mang tính chất tham khảo bởi bối cảnh thị trường tại các thời điểm là khác nhau.
Tích lũy chờ xu hướng tiếp theo
Theo giới phân tích, TTCK đã giảm so với đỉnh hồi tháng 8, phản ánh tương đối đúng những nỗi lo mới hiện nay: áp lực tỷ giá, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp tương đối chậm, tiêu dùng nội địa chưa cải thiện nhanh chóng, thế giới bất ổn địa chính trị… Tất cả không thể giải quyết trong một sớm một chiều mà cần nhiều thời gian.
Do đó, giai đoạn này, VN-Index sẽ lình xình một thời gian cho đến lúc mọi thứ tốt hơn, những yếu tố xấu sẽ bớt đi hoặc khi thị trường đã phản ánh vào giá.
“Tất cả yếu tố hỗ trợ thị trường từ tháng 4 đến tháng 8 có thể đã qua rồi. TTCK đang dần bình ổn trở lại để chờ đợi một xu hướng tiếp theo. VN-Index có thể đi vào giai đoạn tích lũy, có thể tăng hoặc giảm”, ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc khối dịch vụ chứng khoán khách hàng tổ chức, Chứng khoán SSI nhận định.
Tương tự, ông Phạm Hoàng Quang Kiệt, Phó Phòng Nghiên cứu & Phân tích FIDT thông tin, theo số liệu thống kê, những lần thị trường giảm mạnh do phản ánh những thông tin tiêu cực thì khả năng cao sẽ hồi phục đáng kể sau đó, nhất là đối với những giai đoạn thị trường đang trong môi trường lãi suất thấp.
“Đà giảm mạnh của thị trường sẽ nhanh chóng chấm dứt đầu tháng 11 và dần ổn định lại. Sau đó, thị trường thường phục hồi nhẹ hoặc tích lũy lại trước khi phản ánh các kỳ vọng mới của năm 2024”, chuyên gia FIDT đưa ra dự báo.
Thực tế, VN-Index đã chiết khấu về vùng mà định giá của TTCK và nhiều nhóm cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn. Hiện nay, P/E của VN-Index đã giảm xuống còn 13 lần, thấp hơn 1 lần độ lệch chuẩn của P/E bình quân 10 năm qua của thị trường. P/B thị trường tương ứng ở mức 1,58 - là vùng định giá rẻ trong lịch sử. Và khi thị trường chiết khấu đủ sâu và định giá ở mức đủ hấp dẫn, dòng tiền lớn có thể quay trở lại TTCK.
“Điểm rất rõ trên TTCK, khi VN-Index rơi xuống một mức nào đó, định giá tương đối rẻ thì sẽ bắt đầu thu hút được dòng tiền. Tháng 11, 12 năm ngoái khi định giá thị trường rơi vào mức thấp thì nhà đầu tư thấy hấp dẫn và quay trở lại đầu tư”, ông Đinh Đức Minh, Giám đốc Đầu tư CTCP Quản lý Quỹ VinaCapital nhìn nhận.
Ngược thời gian, tháng 11/2022 đến tháng 1/2023, khối ngoại mua ròng khoảng 30.000 tỷ đồng (1,3 tỷ USD) khi P/E VN-Index dao động trong vùng giá thấp quanh P/E 12 - 15 lần (theo Bloomberg). Đặc biệt, khối ngoại giải ngân rất mạnh ở vùng P/E dưới 13 lần.
Đối chiếu với những gì đang diễn ra trên TTCK, lịch sử dường như lặp lại khi P/E VN-Index đang rớt xuống dưới 15 lần và lực cầu của khối ngoại lại một lần nữa xuất hiện mạnh hỗ trợ thị trường như đã nêu ở trên. Kỳ vọng đà mua ròng của khối ngoại sẽ tiếp tục khi tình hình tỷ giá, lãi suất thế giới đang dần ổn định trở lại trên thế giới bất chấp chiến tranh Israel - Hamas vẫn đang diễn ra.
Hải Giang