Năm 2018, Hòa Bình đặt kế hoạch tổng doanh thu 20.680 tỷ đồng, tăng 28,9% so với năm 2017; lợi nhuận sau thuế 1.068 tỷ đồng, tăng 24,3% so với kết quả năm 2017; tỷ lệ cổ tức dự kiến 15%. Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/4, cổ phiếu HBC đang giao dịch tại vùng giá 48.000 đồng/cp, tăng 8,2% so với đầu năm.
Cổ tức “to” thế nào?
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2018 mà Hòa Bình công bố mới đây, tập đoàn dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2017 với tỷ lệ 55%, trong đó, bằng tiền mặt là 5%, bằng cổ phiếu là 50%.
Kết thúc năm 2017, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ Hòa Bình đạt 859,2 tỷ đồng, vượt 3,8% so với kế hoạch. Theo đó, HBC sẽ chi 65 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông và 649 tỷ đồng để phát hành cổ phiếu trả cổ tức. Bên cạnh đó, năm 2018, Hòa Bình dự kiến sẽ là năm phát hành cổ phiếu và quyền mua cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên (cổ phiếu ESOP) và cổ đông chiến lược.
Cụ thể, HBC sẽ phát hành 1,3 triệu cổ phiếu ESOP với mệnh giá 10.000 đồng/cp theo Nghị quyết ĐHCĐ 4/2015.
Ngoài ra, HBC cũng trình đại hội thông qua phát hành 3,25 triệu quyền mua cổ phiếu cho CBNV đang làm việc, 1 quyền mua được mua 1 cổ phiếu với giá bằng mệnh giá, quyền mua có hiệu lực sau 3 năm kể từ 01/01/2018 với điều kiện CBCNV làm việc cho công ty liên tục trong 3 năm và không bị kỷ luật từ cấp 2 trở lên.
Đồng thời, HĐQT công ty cũng lên kế hoạch phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư chiến lược với số lượng phát hành dự kiến tối đa là 25% vốn điều lệ tại thời điểm phát hành, giá phát hành không thấp hơn 3 lần giá trị sổ sách tại thời điểm phát hành, nhằm tăng vốn điều lệ và bổ sung vốn hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về bản chất, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu là nghiệp vụ chia tách cổ phiếu, không phát sinh bất cứ dòng tiền mới nào, lượng vốn chủ sở hữu không hề thay đổi. Hay nói cách khác, khi cổ phiếu bị pha loãng, lợi ích thực cổ đông nhận được từ “cổ tức” bằng cổ phiếu này là khá rủi ro.
Trường hợp các doanh nghiệp cần vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu là tốt nếu các dự án có hiệu quả. Nhưng cũng nhiều trường hợp doanh nghiệp cố “vẽ” lợi nhuận kinh doanh và trả cổ tức bằng cổ phiếu do không có tiền. Đồng thời, khi lượng lớn cổ phiếu cổ tức được “bơm” ra thị trường, giá trị cổ phiếu thường giảm do dư bán sẽ tăng.
Cổ tức 55%, cổ đông HBC vẫn “đói” tiền mặt |
Nội tại doanh nghiệp có tốt?
Quay trở lại với trường hợp của HBC, tập đoàn trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông là 5%, tương đương với 500 đồng/cổ phiếu theo mệnh giá, chỉ bằng 7,5% EPS của công ty (6.650 đồng).
Trong khi đó, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 28,9% doanh thu của năm 2018, Hòa Bình chia cổ tức 50% bằng cổ phiếu và phát hành thêm rất nhiều cổ phiếu ESOP và cho nhà đầu tư chiến lược. Thông thường, doanh nghiệp làm ăn tốt chỉ cần giữ lại 50% lợi nhuận để đầu tư. Do đó, trường hợp của HBC rất có thể là doanh nghiệp làm ăn có lãi nhưng không có tiền, hay nói cách khác, lãi của doanh nghiệp nằm hết trong phần các khoản phải thu.
Nhìn lại BCTC của Hòa Bình có thể thấy, các khoản phải thu của công ty tăng trưởng mạnh qua các năm. Cụ thể, năm 2015, các khoản phải thu ngắn hạn của HBC đạt 4.212 tỷ đồng, sang đến năm 2016 con số này đã ghi nhận 6.774, tăng 2562 tỷ đồng, tương đương 60,8%.
Theo BCTC kiểm toán năm 2017 của HBC, khoản mục này tiếp tục tăng vọt thêm 2.416 tỷ đồng, lên 9.190 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu của khách hàng ghi nhận 3.225 tỷ đồng, tăng 43,3% so với đầu năm; các khoản phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng đạt 4.673 tỷ đồng, tăng 60,9% so với đầu năm; các khoản phải thu khác đạt 557,4 tỷ đồng, tăng 43,6% so với đầu năm.
Đáng chú ý, dự phòng phải thu ngắn hạn phải thu khó đòi của HBC đều ghi nhận những con số âm. Cụ thể, năm 2015 âm 163,9 tỷ đồng, năm 2016 âm 279,9 tỷ đồng, năm 2017 là âm 325,4 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hoạt động lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2017 âm 1.095 tỷ đồng,trong khi năm 2016 đạt 329,2 tỷ đồng; mục tăng các khoản phải thu từ hoạt động lưu chuyển tiền cũng ghi nhận những con số âm lần lượt là 947 tỷ đồng, 2.538 tỷ đồng, 2541 tỷ đồng cho các năm 2015, 2016, 2017.
Cũng theo BCTC kiểm toán năm 2017 của HBC, tính đến ngày 31/12/2017, nợ phải trả của HBC đạt 11.531 tỷ đồng, tăng gần 20% so với đầu năm, chiếm 82,3% tổng nguồn vốn.
Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đạt 4.279 tỷ đồng, con số này của năm 2016 là 2.719 tỷ đồng. Vay nợ và cho thuê tài chính dài hạn là 333,8 tỷ đồng.
Nhìn tổng quan có thể thấy, hầu hết hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư của HBC đều được sử dụng từ lượng nợ vay càng ngày càng lớn, trong khi dòng tiền của hoạt động kinh doanh thì liên tiếp âm.
Như vậy, hoạt động kinh doanh của HBC có thật sự hiệu quả và thị giá cổ phiếu của HBC liệu có thực chất?
Thùy Linh