Cú đảo chiều đột ngột của VN-Index trong phiên giao dịch cuối tuần đã lấy đi gần hết nỗ lực phục hồi của tuần vừa qua. Nhiều cổ phiếu tăng mạnh trước đó cũng thu hẹp đà tăng đáng kể theo biến động chung của thị trường. Tuy nhiên, vẫn có những mã có thông tin hỗ trợ riêng ngược dòng bứt phá.
Những cổ phiếu ngược dòng
Điển hình, cổ phiếu EVF của Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance) tăng mạnh nhất sàn HoSE với 4 phiên tăng liên tiếp, trong đó có 2 phiên tăng trần. Dù gặp áp lực điều chỉnh vào phiên giao dịch cuối tuần, song thị giá EVF vẫn đạt 15.150 đồng/cp, tương đương tăng 18% chỉ sau một tuần giao dịch. Đi kèm với đà tăng của thị giá, thanh khoản cũng tăng đột biến "bằng lần" so với mức bình quân, có phiên khớp lệnh gần 14 triệu cổ phiếu.
Đáng chú ý, đà tăng của cổ phiếu EVF lại xuất hiện sau khi EVN Finance vừa kết thúc đợt chào bán 351,06 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 11.000 đồng vào ngày 31/10 nhưng "ế" đến 226,68 triệu cổ phiếu (chiếm 64,6% tổng cổ phiếu chào bán).
Thị trường chung nhiều biến động nhưng vẫn có những mã có thông tin hỗ trợ riêng ngược dòng bứt phá. |
Hay như cổ phiếu DLG của Đức Long Gia Lai cũng "chiếm sóng" trên HoSE với 2 phiên tăng kịch trần liên tiếp để bứt phá 13% sau một tuần. Đà tăng của cổ phiếu này đến sau thông tin Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã ban hành quyết định hủy quyết định của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai về việc mở thủ tục phá sản đối với Đức Long Gia Lai.
Tương tự, cổ phiếu BMC của Khoáng sản Bình Định cũng có tuần giao dịch khởi sắc với mức tăng 10% sau tin thoái vốn Nhà nước. Cụ thể, UBND tỉnh Bình Định có văn bản thông báo chủ trương thoái toàn bộ 25% (tương ứng hơn 3 triệu cổ phiếu) vốn Nhà nước tại Khoáng sản Bình Định.
Ngoài ra, một số cổ phiếu cũng ghi nhận mức tăng khá ổn định trong thời gian gần đây như VEA của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM), CAV của CTCP Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi)… khi đây là những doanh nghiệp có tỷ lệ chi trả cổ tức cao và ổn định.
Chẳng hạn, VEAM chuẩn bị chi trả gần 5.600 tỷ đồng cổ tức (tỷ lệ gần 42%, tương đương 1 cổ phiếu nhận được gần 4.200 đồng). Trong khi đó, Cadivi cũng liên tục chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức với tỷ lệ cao. Vừa qua, Cadivi chốt quyền tạm ứng cổ tức đợt 2/2023, tỷ lệ 20%, tương đương chi gần 115 tỷ đồng, và trước đó đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 với tỷ lệ 40%.
Vẫn cần đầu tư mang tính chọn lọc
Có thể thấy, trong giai đoạn thị trường hiện nay, đa số các chuyên gia có góc nhìn tương đối thận trọng với xu hướng của VN-Index khi mà tâm lý thị trường chưa thực sự ổn định và nhiều nhà đầu tư vẫn đang "tìm cớ" để bán.
Cùng với đó, các chỉ báo kỹ thuật cũng cho thấy, thị trường chứng khoán không mấy mặn mà với việc giải ngân trong thời điểm hiện tại. Chỉ số chung đang bước sang giai đoạn tích lũy tìm kiếm điểm cân bằng cung - cầu mới.
Do đó, Chứng khoán DSC đã đưa ra khuyến nghị chiến lược giao dịch ưu tiên phòng thủ.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng việc tìm kiếm các cổ phiếu có “câu chuyện riêng” sẽ là bài toán hợp lý trong giai đoạn hiện nay. Bởi, trong môi trường lãi suất cao như hiện nay, sự phân hoá giữa các doanh nghiệp sẽ khó tránh khỏi. Câu chuyện với nhà đầu tư vẫn là làm sao tìm được những doanh nghiệp tăng trưởng ổn định, chất lượng tài sản tốt.
Nhà đầu tư Lan Phương (Hà Nội) chia sẻ với VnBusiness, những lúc thị trường biến động mạnh thì chọn được cổ phiếu trả cổ tức tiền mặt cao sẽ giúp giảm thiểu rủi ro. Tất nhiên, đó phải là cổ phiếu của doanh nghiệp duy trì chính sách cổ tức ổn định, định giá hợp lý, giá trị sổ sách cao và có triển vọng tăng trưởng.
Bên cạnh đó, chị Hương cũng quan tâm tới việc lướt sóng một số cổ phiếu có “câu chuyện riêng” khác mang tính chất ngắn hạn.
Trong báo cáo mới đây của Chứng khoán Mirae Asset, nhóm phân tích đã đưa ra đánh giá dựa trên kết quả kinh doanh quý III/2023. Theo đó, Mirae Asset tiến hành lọc cổ phiếu có kết quả kinh doanh ổn định, duy trì sức tăng trưởng tốt và có câu chuyện riêng. Các tiêu chí dựa trên sự kết hợp giữa phương pháp chọn cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt theo phương pháp SEPA của Mark Minervini và phương pháp đầu tư Canslim của William O’neil.
Trong đó, các cổ phiếu thuộc một số nhóm ngành mang tính ổn định như thực phẩm, hóa chất, dầu khí, điện là những lựa chọn tương đối an toàn. Ngoài ra, nhóm ngành dần hồi phục có câu chuyện như bất động sản, chứng khoán cũng là lựa chọn phù hợp khi rơi về những vùng giá hấp dẫn.
"Chúng tôi đã chọn lọc và đánh giá dựa trên việc so sánh biên lợi nhuận gộp giữa 2 quý gần nhất và năm gần nhất để đưa danh sách cổ phiếu tiềm năng, có sự tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận. Đồng thời phải thỏa mãn tiêu chi về giá trị giao dịch, tức mã cổ phiếu có thanh khoản", Mirae Asset nhấn mạnh. Dù vậy, các chuyên gia cũng đưa ra lưu ý với nhà đầu tư là nên cẩn trọng trước một số nhóm cổ phiếu mang tính chất đầu cơ và có tính ngắn hạn. Bởi, việc cổ phiếu tăng nóng dễ khiến nhà đầu tư “mắc cạn” nếu như không có “cái đầu lạnh" trong việc đầu tư.
Lấy ví dụ về cổ phiếu DLG. Đây là mã cổ phiếu nằm trong diện cảnh báo của HoSE và thường xuyên tạo sóng tăng trần – giàm sàn theo những thông tin xoay quanh, từng khiến nhiều nhà đầu tư lỡ “đu đỉnh” khóc ròng. Trong khi đó, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp không được tốt cho lắm.
Quý II/2022, Đức Long Gia Lai đạt doanh thu 289 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý III và quý IV/2022, doanh nghiệp lỗ; quý I và II/2023 lãi thấp. Tính đến cuối quý III/2023, tổng dư nợ vay và nợ thuê tài chính vẫn giữ ở mức cao 2.902 tỷ đồng, chiếm phần lớn trong khối nợ của doanh nghiệp. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu tiếp tục bị “bào mòn” mất tới 61,4%, chỉ còn lại 1.155 tỷ đồng, chủ yếu là do lỗ lũy kế còn hơn 2.033 tỷ đồng.
Đáng chú ý, doanh nghiệp này còn liên tục nằm trong danh sách bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.
Hải Giang