![]() |
Khi hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Sở GDCK Việt Nam sẽ năng động hơn. |
Sự cố nghẽn lệnh giao dịch trên sàn HoSE nhiều tháng qua tính đến thời điểm hiện tại vẫn đang chờ các biện pháp kỹ thuật được triển khai từ phía FPT nhằm khắc phục, trong khi thanh khoản thị trường ngày một tăng cao.
Nhiều ý kiến cho rằng, để xảy ra tình trạng “tắc đường” giao dịch đang thể hiện năng lực quản trị điều hành của HoSE khi đã 20 năm vận hành hệ thống nhưng vẫn chưa làm chủ được công nghệ. Dự án hệ thống giao dịch mới đã triển khai từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn chưa xong, thậm chí chưa rõ khi nào mới hoàn thành.
Theo đó, trong thời gian chờ hệ thống mới, để giải quyết không chỉ trình trạng nghẽn lệnh mà còn để giải quyết gốc rễ vấn đề trong quản trị, một trong những giải pháp được đưa ra đó là nhanh chóng cổ phần hóa Sở GDCK Việt Nam, hoạt động theo mô hình công ty cổ phần (CTCP) là cần thiết để cơ quan này có thể vận hành thị trường trơn tru, hiệu quả hơn.
TS Cấn Văn Lực cho rằng, Sở GDCK đang hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước, nếu được chuyển sang mô hình của CTCP thì hoạt động sẽ thông thoáng hơn và năng động hơn.
"Tôi nghĩ đây là chuyện hết sức bình thường, các nước cũng cũng làm như vậy. Theo mô hình CTCP, các cổ đông ở đây chính là các công ty chứng khoán, các sàn chứng khoán và một số trung gian khác", ông Lực nói.
Theo ông Lực, CTCP đã hình thành và phát triển ở Việt Nam rất nhiều và không có lý do gì để sàn chứng khoán Việt Nam khó trở thành một trong số đó. Việc trở thành CTCP sẽ giúp cho hoạt động của Sở GDCK công khai, minh bạch hơn.
Sở GDCK cũng sẽ tổ chức niêm yết trên sàn chứng khoán và có khả năng huy động một số nguồn vốn để phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển, trong đó có đầu tư phát triển về công nghệ, con người...
CTCP này sẽ thực sự tách rời và chịu sự quản lý giám sát đặc biệt từ Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường trong giai đoạn tới.
L.L