Mới đây, CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) công bố thông tin đăng ký mua vào hơn 3 triệu cổ phiếu TSB để nâng sở hữu tại Tibaco từ 0% lên 45,9% vốn điều lệ khi thị giá cổ phiếu tăng gấp hơn 2 lần sau chưa đầy 3 tháng, bất chấp kết quả kinh doanh kém sáng và có thể nói là đi lùi.
Nhộn nhịp mua - bán
Cũng liên quan đến Hóa chất Đức Giang, nhóm quỹ ngoại Dragon Capital vừa thông báo mua vào 400.000 cổ phiếu DGC để nâng sở hữu tại doanh nghiệp đầu ngành hóa chất này từ 5,96% lên 6,07% vốn điều lệ. Trong khi đó, tình hình kinh doanh của Hóa chất Đức Giang cũng đang có dấu hiệu suy giảm và đặt kế hoạch lợi nhuận giảm một nửa trong năm 2023.
Từ động thái đăng ký giao dịch cổ phiếu doanh nghiệp của các cổ đông lớn, nhà đầu tư có thể thấy được phần nào “chỉ báo” để đưa ra quyết định đầu tư. |
Bên cạnh đó, sau khi bán ra, nhóm Dragon Capital cũng nhanh chóng mua lại 1,5 triệu cổ phiếu GEX của CTCP Tập đoàn Gelex để nâng sở hữu từ 4,9965% lên 5,17% vốn điều lệ và chính thức trở thành cổ đông lớn.
Kết quả kinh doanh cho thấy, lợi nhuận trước thuế của Gelex cả năm 2022 đạt 2.093 tỷ đồng, chỉ tăng 2% so với năm 2021 và đạt 80% kế hoạch năm 2022.
Tương tự, cổ đông lớn đến từ Nhật Bản của CTCP Chứng khoán FPT (FPTS, mã: FTS) là Công ty TNHH Dịch vụ Tài chính SBI cũng cho thấy động thái “miệt mài” mua cổ phiếu FTS nhằm nâng số lượng nắm giữ lên hơn 48,56 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu tăng lên mức 24,9%, mặc dù doanh thu của FPTS năm 2022 giảm 39% xuống 850 tỷ đồng, lãi sau thuế giảm 62% xuống 319 tỷ đồng và chỉ thực hiện được 65% mục tiêu lợi nhuận đề ra.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hùng Cường, Phó chủ tịch HĐQT của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã: DIG), đồng thời cũng là con trai Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn vừa đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu DIG để nâng sở hữu từ 8,85% lên 9,66% vốn điều lệ.
Chiều ngược lại, Dragon Capital liên tục bán ra cổ phiếu DXG của CTCP Tập đoàn Đất Xanh trong bối cảnh giá cổ phiếu DXG lao dốc, giảm 76% so với đỉnh cách đây gần một năm.
Hay như bà Vũ Thị Kim Thanh, chị gái ông Vũ Ngọc Hoàng, Chủ tịch HĐQT Đầu tư tài chính Koji (KPF) vừa bán ra toàn bộ 42.500 cổ phiếu còn lại để giảm sở hữu từ 0,07% về còn 0% vốn điều lệ.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý IV/2022, Đầu tư tài chính Koji ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 3,58 tỷ đồng, giảm 82,9% so với cùng kỳ năm trước.
Bà Nguyễn Thuý Ngư, chị gái ông Nguyễn Mạnh Tuấn (thầy A7), thành viên HĐQT CTCP Licogi 14 (L14) cũng liên tục đăng ký bán cổ phiếu L14 khi thị giá trượt dốc 90% so với đỉnh. Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế năm 2022 giảm 62% so với năm 2021.
Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) thông báo bán ra thành công 1,245 triệu cổ phiếu PDR đã đăng ký, hạ sở hữu xuống còn 1,42 triệu cổ phần, tương đương 0,21% vốn điều lệ công ty, khi cổ phiếu có đợt hồi phục tích cực.
Trước đó, Novaland (NVL) cũng thông báo cổ đông lớn giao dịch mua bán nhộn nhịp trong bối cảnh thị giá cổ phiếu và ban lãnh đạo có nhiều biến động từ cuối năm 2021 đến nay.
Xem xét kỹ rồi mới “đua lệnh”
Có thể nói, với bề dày gần 30 năm hoạt động, mọi “đường đi nước bước” của quỹ ngoại hàng đầu như Dragon Capital luôn nhận được sự quan tâm của giới đầu tư trên trị trường. Cùng với đó, những động thái đăng ký mua - bán cổ phiếu của cổ đông lớn, đặc biệt là lãnh đạo doanh nghiệp cũng luôn nhận được sự chú ý không kém.
Bởi lẽ, họ là người hiểu rõ tình hình nội tại của doanh nghiệp, cơ cấu tài chính, định hướng chiến lược và triển vọng phát triển. Và khi lãnh đạo doanh nghiệp đăng ký bán ra lượng lớn cổ phiếu lúc cổ phiếu tăng giá mạnh phần nào thể hiện mức định giá hiện tại có dư địa tăng thêm không nhiều.
Điều này cũng lý giải một phần nguyên nhân tại sao giá cổ phiếu thường có xu hướng giảm trước các động thái thoái vốn của cổ đông lớn, cổ đông nội bộ, dù mục đích bán có thể chỉ nhằm phục vụ nhu cầu tài chính cá nhân.
Giới phân tích cho rằng, giá cổ phiếu có biến động tiêu cực khi lãnh đạo doanh nghiệp hay cổ đông lớn đăng ký bán ra nên được xem xét trên nhiều khía cạnh. Về mặt tâm lý, đây là thông tin không tích cực, nhưng cũng tuỳ từng trường hợp, nhà đầu tư không nên vội vã bán theo. Thay vào đó, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ xem động thái bán ra của các đối tượng này xuất phát từ lý do gì, hoạt động đăng ký bán này có tương quan với giao dịch của các cổ đông lớn khác hay không.
Trên thực tế, không phải lúc nào cổ đông nội bộ đăng ký bán ra thì cổ phiếu sẽ có nguy cơ giảm giá. Hơn nữa, còn có những trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp đăng ký bán, nhưng cuối cùng không thực hiện, hoặc chỉ bán được với số lượng nhỏ.
"Nhiều khi giao dịch của cổ đông lớn rất đơn giản, chỉ là giao dịch chuyển từ tài khoản này sang tài khoản kia chứ không phải bán thẳng ra thị trường và thu tiền về. Do đó, nhà đầu tư cần xử lý thông tin kỹ hơn và cần có căn cứ, tránh việc cứ thấy cổ đông lớn bán ra là mình bán theo hành động này", ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng SSI nhận định.
Ngược lại, không phải lúc nào cổ đông lớn doanh nghiệp ra tay “cứu giá” thì cổ phiếu lại tăng mạnh trở lại. Chưa kể nhiều trường hợp liên tục đăng ký mua nhưng “năm lần bảy lượt” không mua đủ như số lượng đã đăng ký.
Điển hình, gia đình Chủ tịch DIC Corp (DIG) Nguyễn Thiện Tuấn đã có lịch sử đăng ký nhưng không mua vào cổ phiếu hoặc chỉ mua với số lượng rất ít bởi nhiều lý do khác nhau. Và DIG cũng là mã cổ phiếu gây chú ý với thị trường bởi đà tăng giảm “sốc” mỗi khi có tin tức liên quan.
Theo chuyên gia Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, cổ đông nội bộ là người hiểu rõ về doanh nghiệp, nên họ mua cổ phiếu khi giá giảm và bán khi giá tăng nhằm chốt lời là bình thường, đồng thời là chỉ báo đầu tư cho người khác. Tuy nhiên, trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp quá tập trung vào việc mua bán cổ phiếu nhằm kiếm lời hơn là phát triển doanh nghiệp thì nhà đầu tư nên thận trọng, trừ khi muốn “lướt sóng”.
Hải Giang