VN-Index ngày 18/3 chứng kiến phiên giảm mạnh thứ 2 kể từ đầu tháng 3/2024 đến nay về mức 1.243 điểm (giảm 20,22 điểm, tương ứng 1,60%), thanh khoản cũng đạt kỷ lục trên 40.000 tỷ đồng.
“Nín thở” chờ... Fed
Trước đó, VN-Index ghi nhận tuần giao dịch giằng co (11-15/3) dù tăng điểm so với tuần trước. Tuy khối ngoại tiếp đà bán ròng, chủ yếu trên HoSE với giá trị 2.609 tỷ đồng nhưng điểm sáng là dòng tiền nội vẫn đổ mạnh vào các cổ phiếu, lấn át thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hút tiền, giúp thanh khoản cải thiện với giá trị giao dịch trung bình trên 3 sàn đạt 30.135 tỷ đồng/phiên, tăng 15,7% so với tuần trước đó.
TTCK đang ghi nhận nhiều hơn các yếu tố tiêu cực. |
Nhận định về thị trường chứng khoán (TTCK) trong tuần này, hầu hết các chuyên gia duy trì quan điểm tương đối thận trọng. Đà tăng trong ngắn hạn vẫn chưa hoàn toàn bị phá vỡ, tuy nhiên áp lực điều chỉnh đang mạnh dần lên.
Theo giới phân tích, TTCK dần ghi nhận nhiều hơn các yếu tố tiêu cực. Hiện, thị trường thế giới đang ở vùng nhạy cảm khi đà tăng của các TTCK đang chững lại khi vào tín hiệu quá mua và chờ đợi kỳ họp của Fed về chính sách tiền tệ diễn ra tới đây. Sư kiện này được đánh giá sẽ mang tính định hướng rất lớn cho các thị trường tài sản.
“Nếu kịch bản của Fed đưa ra không quá “diều hâu” so với kỳ vọng trước đó của thị trường (bắt đầu cắt giảm lãi suất từ quý II/2024 và có ít nhất 3 đợt cắt giảm trong năm 2024) thì chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự phản ứng tích cực của các thị trường tài chính trên toàn cầu”, ông Đinh Quang Hinh, chuyên gia của Chứng khoán VNDirect nhận định.
Trong nước, các yếu tố mang tính tích cực nền tảng như môi trường lãi suất thấp hay quá trình phục hồi kinh tế vẫn là điểm sáng, cùng câu chuyện nâng hạng thị trường, tuy nhiên cũng dần xuất hiện các yếu tố tiêu cực đáng lưu ý. Đó là vấn đề tỷ giá và việc lợi suất trái phiếu đã có xu hướng tăng trở lại.
Mặt khác, tâm lý nhà đầu tư trong nước cũng trở nên trung tính hơn. Một bên là sự hưng phấn vẫn được duy trì, nhưng một bên là tâm lý chốt lời và phòng thủ với những rủi ro dần xuất hiện.
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM Chứng khoán DSC cho rằng diễn biến thị trường tuần này sẽ phụ thuộc nhiều vào 2 yếu tố, trước hết là việc thị trường Mỹ tích lũy lành mạnh, tiếp tục đi lên hay phân phối và kết thúc sóng tăng ngắn hạn ở đây. Bên cạnh đó, đà hút ròng của NHNN tiếp tục quyết liệt hay hạ nhiệt.
“Còn quá sớm để khẳng định TTCK đã cân bằng trong giai đoạn vừa rồi để tiếp tục đi lên hay chỉ số sẽ tạo 2 đỉnh và kết thúc nhịp tăng ngắn hạn ở đây”, ông Võ Văn Huy, chuyên gia phân tích từ Học viện New World Education chia sẻ.
Tương tự, nhóm phân tích của Chứng khoán KB (KBSV) nêu nhận định, mặc dù xu hướng tăng điểm vẫn được bảo lưu, nhưng cơ hội hồi phục vẫn đang được để ngỏ, sự suy yếu của lực cầu và thiếu đi nhóm dẫn dắt sẽ khiến cho xác suất vượt đỉnh của VN-Index ngày càng giảm và rủi ro đảo chiều gia tăng.
3 kịch bản cho thị trường
Dựa theo các yếu tố trên, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với nền tảng cơ bản tốt. Đồng thời hạn chế mua đuổi trong các nhịp hồi phục, có thể thực hiện bán chốt lời từng phần và hạ tỷ trọng các vị thế giao dịch khi chỉ số tiếp cận vùng cản kế tiếp quanh 1.300 (+-10 điểm) nhưng cần kiểm soát dùng margin.
“Nhà đầu tư vẫn tiếp tục nắm giữ các vị thế đã mở trong thời gian qua, hạn chế giải ngân trong các nhịp tăng điểm hưng phấn và sử dụng margin một cách mạnh tay. Việc duy trì một lượng tiền mặt khoảng 30% được đánh giá là phù hợp để chờ các cơ hội giải ngân mới khi xuất hiện các nhịp điều chỉnh do xu hướng tăng điểm trong trung và dài hạn của chỉ số vẫn đang đóng vai trò chủ đạo. Một vài nhóm ngành đáng lưu ý được kỳ vọng sẽ tiếp tục hút tiền trong thời gian tới bao gồm nhóm ngành ngân hàng, thủy sản, dệt may và logistics”, ông Đinh Quang Hinh nhấn mạnh.
Giám đốc DSC lưu ý nhà đầu tư ngắn hạn có thể hạ tỷ trọng vì những tín hiệu suy yếu xuất hiện nhiều hơn. Khả năng bứt phá được đánh giá thấp hơn khả năng thị trường sẽ rơi vào nhịp điều chỉnh. Đối với luân chuyển nhóm cổ phiếu, ông Huy cho rằng ở giai đoạn này, dòng tiền khả năng sẽ lan tỏa đến nhóm cổ phiếu chưa tăng trong thời gian qua và đang yếu hơn thị trường chung, như bất động sản, điện nước xăng dầu khí đốt, dầu khí… Trong khi đó, các nhóm đã tăng mạnh sẽ chịu áp lực bán rõ ràng hơn, đặc biệt cần cẩn trọng hơn với các nhóm đã suy yếu như ngân hàng, tài nguyên cơ bản…
Bên cạnh đó, ông Huy cũng đưa ra 3 kịch bản có thể xuất hiện trong tuần này.
Trong kịch bản thứ nhất, thị trường Mỹ tích lũy lành mạnh, đà hút ròng của NHNN chậm lại và sớm kết thúc. Khi đó, khối ngoại sẽ sớm dừng bán ròng. Với kịch bản này, chỉ số sẽ sớm vượt đỉnh cũ 1.270-1.275 điểm và thiết lập đỉnh ngắn hạn mới. 4 nhóm ngành mà nhà đầu tư nên quan tâm là chứng khoán, bất động sản thương mại, bán lẻ và xuất nhập khẩu.
Với kịch bản thứ hai, cả thị trường Mỹ và Việt Nam đều không xấu hơn nhưng cũng không quá tích cực, VN-Index sẽ tích lũy quanh MA20 ở 1.240-1.250 điểm và dòng tiền phân hóa cao. Chỉ số có thể không tăng nhưng một vài nhóm cổ phiếu sẽ bứt phá trước. Ba nhóm ngành mà nhà đầu tư nên quan tâm là bất động sản thương mại, bán lẻ và xuất nhập khẩu.
Ở kịch bản thứ ba, thị trường Mỹ phân phối và kết thúc sóng tăng ngắn hạn; trong khi NHNN tiếp tục quyết liệt trong công tác phát hành tín phiếu hút tiền về. VN-Index lúc này sẽ cần kiểm định lại vùng MA50 quanh 1.200 điểm, đây cũng là vùng tạo gap down của đợt giảm tháng 9/2023. Nhà đầu tư cần xem xét giảm tỷ trọng danh mục và chỉ xem xét giải ngân trở lại khi thị trường cân bằng. Nhóm ngành cần xem xét là nhóm ngành tạo đáy trước thị trường.
Hải Giang