Chứng khoán VnDirect vừa phát hành Báo cáo Chiến lược thị trường - Đánh giá tác động của xung đột địa chính trị đối với các ngành kinh tế, trong đó nhận định về tác động của các biện pháp trừng phạt lên Nga và giá hàng hóa tăng cao đối với các ngành kinh tế Việt Nam.
Cụ thể, các ngành có khả năng được hưởng lợi từ việc giá hàng hóa tăng bao gồm dầu khí, thép và phân bón.
Đối với ngành dầu khí, giá dầu Brent được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao do tác động tổng hợp đến từ tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu hiện nay và tình hình căng thẳng địa chính trị tại Ukraine.
![]() |
Doanh nghiệp sản xuất tôn mạ của Việt Nam đứng trước cơ hội tăng sản lượng xuất khẩu sang thị trường EU. |
Theo các chuyên gia, với mặt bằng giá dầu được dự báo neo cao trong thời gian tới, nhóm cổ phiếu dầu khí sẽ không chỉ được hưởng lợi trong ngắn hạn, mà triển vọng dài hạn cũng sẽ được củng cố hơn khi giá dầu cao sẽ thúc đẩy các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí, giúp cải thiện nền tảng cơ bản của ngành.
Đối với ngành Thép, số liệu từ Hiệp hội Thép Thế giới (WSA) cho thấy, Nga và Ukraine đã sản xuất 97,4 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 57 triệu tấn thép vào năm 2021. Đặc biệt tại EU, Nga-Ukraine lần lượt là các nhà xuất khẩu thép lớn thứ 2-4 sang khu vực này trong 11 tháng đầu năm 2021, với khoảng 21% tổng lượng nhập khẩu, theo Eurofer.
Trong khi đó, EU cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam vào năm 2021, chủ yếu với mặt hàng tôn mạ. Do đó, VnDirect cho rằng các nhà xuất khẩu tôn mạ hàng đầu của Việt Nam (bao gồm HSG, NKG) có cơ hội tăng sản lượng tiêu thụ tại EU trong thời gian tới.
Ngành phân bón cũng là một trong số những ngành được nhận định sẽ được hưởng lợi từ xung đột địa chính trị. Bởi Nga chiếm 13% tổng kim ngạch thương mại phân bón chính trên toàn cầu và gần 16% thương mại toàn cầu đối với các loại phân bón thành phẩm quan trọng. Do đó, các biện pháp trừng phạt do châu Âu và Mỹ áp đặt lên Nga sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, dẫn đến tăng giá phân bón.
Tại Việt Nam, giá phân bón bị ảnh hưởng bởi giá phân bón thế giới. Do đó, giá phân bón có khả năng tăng và giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp trong bối cảnh giá khí đầu vào tăng cao.
Cũng theo các chuyên gia, ngành cá tra Việt Nam có thể gián tiếp hưởng lợi từ căng thẳng Nga-Ukraine. Các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga có thể gây khó khăn cho xuất khẩu hàng hóa của Nga nói chung, trong đó có việc xuất khẩu cá minh thái, một trong những mặt hàng thay thế chính cho cá tra Việt Nam ở thị trường EU.
Số liệu thống kê, mỗi năm thị trường EU nhập khẩu 160.000 tấn cá minh thái từ Nga, chiếm 19% tổng nhập khẩu cá minh thái của EU. Trong khi đó, thị trường EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của ngành cá tra Việt Nam vào năm 2021. Do đó, VnDirect kỳ vọng ngành cá tra Việt Nam có thể tận dụng tình hình này để mở rộng thị phần và tăng kim ngạch xuất khẩu sang EU.
Ngược lại, cá các chuyên gia cũng nhìn nhận, xung đột chính trị cũng dẫn đến những tác động tiêu cực nhẹ đến một số ngành của Việt Nam như: dầu ăn, sản xuất thức ăn chăn nuôi và du lịch hàng không.
Đối với dầu ăn, giá dầu cọ và dầu đậu nành có xu hướng tăng do nhu cầu chuyển từ dầu hướng dương sang dầu cọ và dầu đậu nành để phục vụ nhu cầu sản xuất ngắn hạn khi Ukraine là quốc gia xuất khẩu dầu hướng dương lớn nhất thế giới.
"Nếu xung đột diễn ra trong ngắn hạn và Ukraine sớm khôi phục xuất khẩu dầu hướng dương, các công ty dầu ăn sẽ ít bị ảnh hưởng hơn nhờ các hợp đồng trước đó và lượng hàng tồn kho cao kể từ cuối năm 2021. Tuy nhiên, nếu cuộc khủng hoảng kéo dài, biên lợi nhuận gộp của các công ty dầu ăn sẽ giảm mạnh vào năm 2022", báo cáo của VnDirect nêu.
Về thức ăn chăn nuôi, Nga và Ukraine là các nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ nhất và thứ 3 thế giới, chiếm gần một phần ba tổng kim ngạch thương mại lúa mì thế giới. Căng thẳng giữa Nga-Ukraine đã khiến giá lúa mì tăng 17,8% so với mức giá trước xung đột. Ngoài ra, Ukraine còn là nước xuất khẩu ngô lớn thứ 4, chiếm 22% kim ngạch thương mại thế giới, khiến giá thành phẩm từ ngô tăng 8,4% so với trước khi xảy ra xung đột. Lúa mì và ngô là một trong những nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Cũng được cho là ảnh hưởng tiêu cực từ xung đột chính trị, song các chuyên gia cho rằng nhưng tác động đối với vận tải hàng không chỉ mang yếu tố ngắn hạn.
Bên cạnh đó, các nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu nguồn cung khi khó chuyển đổi nhà cung cấp trong ngắn hạn. Tuy nhiên, các chuyên gia kỳ vọng việc này sẽ có tác động ít do Việt Nam chỉ tiêu thụ khoảng 12% lượng than xuất khẩu hàng năm.
T.H