“Nhà đầu tư nên bình tĩnh lựa chọn những nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng trong nửa cuối năm 2024 để phân bổ danh mục. Thị trường đã phân hoá, không phải tất cả cùng "đi lên", do vậy việc lựa chọn cổ phiếu là rất quan trọng, tập trung vào cốt lõi là tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp và nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng thì nhóm nào sẽ thu hút dòng vốn ngoại”, ông Ngô Minh Đức, Founder CTCP Đầu tư tài chính LCTV nhấn mạnh.
Thị trường điều chỉnh "lành mạnh" tạo cơ hội "kiếm lời" ở một số nhóm cổ phiếu nổi bật. |
Dự báo về kết quả kinh doanh trong quý III và quý IV tới, chuyên gia LCTV kỳ vọng nhóm ngân hàng sẽ có kết quả kinh doanh khởi sắc. Việc Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt từ 80% sẽ là động lực và tiềm năng tăng trưởng thêm cho các ngân hàng hoạt động hiệu quả.
Các nhóm được dự báo sẽ duy trì đà tăng trưởng và dự kiến có sự tăng trưởng lợi nhuận vượt trội có thể kể đến như ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bán lẻ.
Tương tự, ông Tô Quốc Bảo, Trưởng nhóm chiến lược thị trường Chứng khoán Dầu khí PSI cho rằng đối với nhóm ngành tài chính nói chung, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng kỳ vọng tín dụng sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm và NIM các ngân hàng cải thiện nhẹ giúp cho tăng thu nhập lãi thuần, qua đó tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng hiện tại.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ có thể xu hướng tích cực nhờ các chính sách kích thích kinh tế trong nước dẫn dắt xu hướng phục hồi của nhu cầu tiêu dùng.
Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành bất động sản, giai đoạn 6 tháng cuối năm thường là thời gian cao điểm bàn giao bất động sản và ghi nhận doanh thu. Do đó, đây cũng sẽ là lúc kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong nhóm này sẽ có sự bứt phá. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ nhằm tháo gỡ các vướng mắc khó khăn cho thị trường bất động sản đang dần có tác động tích cực, tuy nhiên chỉ những doanh nghiệp có sức khoẻ tài chính tốt, cùng quỹ đất có pháp lý đầy đủ là được hưởng lợi.
Một số nhóm ngành liên quan đến xuất nhập khẩu cũng sẽ có tín hiệu khả quan, đến thời điểm hiện tại lại tăng trưởng rất nhanh trở lại và tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam đã tăng 17,2%, đây là một tín hiệu rất tốt cho các doanh nghiệp Việt trong chuỗi giá trị xuất nhập khẩu.
Ông Đoàn Minh Tuấn, Trưởng phòng Nghiên cứu và Đầu tư FIDT cho rằng có 5 nhóm ngành sẽ có tiềm năng lớn.
Thứ nhất, bất động sản có nhiều cơ hội bứt phá do xu hướng bất động sản đã đảo chiều trung hạn, tạo tiềm năng đầu tư các doanh nghiệp có dự án thật, có khả năng bán hàng và hấp thụ tốt trong 6-9 tháng tới. Bên cạnh đó, ngành còn hưởng lợi lớn từ Bộ khung Luật bất động sản hoàn thiện và sự hồi phục từ thị trường bất động sản. Nhà đầu tư nên ưu tiên các doanh nghiệp có kế hoạch phát triển các dự án quan trọng trong nửa đầu năm 2025.
Thứ hai, ngân hàng là ngành tiếp tục hưởng lợi bởi lãi suất tiếp tục rẻ, NIM được đảm bảo và cải thiện. Bên cạnh đó, kinh tế hồi phục nhanh sẽ giúp tăng trưởng tín dụng đảm bảo, rủi ro nợ xấu kiểm soát tốt.
Thứ ba, chăn nuôi cũng sẽ có tiềm năng nhờ giá heo trong nước tiếp tục neo cao, đảo bảo lợi nhuận bền vững trong nửa cuối năm 2024. Đồng thời, việc Vaccine ASF đã chuẩn bị được thương mại hoá, xuất khẩu vaccine sẵn sàng vào nửa cuối quý IV sẽ tạo cơ hội cho ngành chăn nuôi.
Thứ tư, dệt may cũng "sáng cửa" trong thời gian tới nhờ hưởng lợi từ chuyển dịch đơn hàng trong nửa cuối năm, từ Bangladesh và Myanmar. Doanh thu và lợi nhuận dự phóng sẽ đạt đỉnh trong nửa cuối năm 2024.
Thứ năm, thuỷ điện và năng lượng tái tạo cũng sẽ được hưởng lợi nhờ hiện tượng La Nina giúp doanh thu và lợi nhuận cải thiện.
Châu Anh