Cổ phiếu bluechip là cổ phiếu của các công ty có nền tảng thành lập lâu đời, có tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh tốt, không có nợ vượt mức cho phép.
Các cổ phiếu bluechip thường gây ấn tượng với các nhà đầu tư từ kết quả kinh doanh cho đến diễn biến giá. Đồng thời, đây cũng là nhóm dẫn dắt chiều lên xuống của các chỉ số thị trường.
Đẳng cấp ông lớn
Thời gian gần đây, nhà đầu tư ngày càng thấy rõ hơn vai trò của những SAB (Sabeco), VNM (Vinamilk), VIC (Vingroup), VHM (Vinhomes), MSN (Masan), VCB (Vietcombank)… khi mà toàn thị trường chìm trong sắc đỏ thì những mã cổ phiếu này sẽ là “máy kéo” giúp thị trường duy trì đà tăng cho chỉ số chung, gây nên hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng”.
Điển hình cho một phiên giao dịch “xanh vỏ đỏ lòng” gần đây là phiên 29/7 với mức tăng 3,2% lên 81.000 đồng/cp của VCB đã kéo Vn-Index từ sắc đỏ trong phiên sáng lên trên mốc tham chiếu trong phiên chiều.
Bên cạnh đó, GAS (PV Gas) cũng bất ngờ tăng 2,8% lên 111.000 đồng/cp, VIC tăng 1,9% lên 124.400 đồng/cp… giúp Vn-Index kết phiên tăng 4,59 điểm (0,46%), lên 997,94 điểm. Dù chỉ số chính đóng cửa trong sắc xanh nhưng sắc đỏ vẫn chiếm áp đảo tại phiên giao dịch này.
Qua đây có thể thấy “đẳng cấp’ của các ông lớn này trên thị trường là không thể phủ nhận, phần nào lý giải cho việc trong thời kỳ suy thoái kinh tế, người ta luôn lựa chọn các mã bluechip là nơi trú ẩn bởi bản chất an toàn của những doanh nghiệp này.
Thậm chí có ý kiến cho rằng nếu thị trường chứng khoán đang trải qua một thị trường gấu (thị trường giảm) các nhà đầu tư cũng không cần phải quá lo lắng về khoản đầu tư vào các bluechip bởi nó sẽ hồi phục.
Ngay cả khi các cổ phiếu bluechip không có sự chuyển biến về giá thì khoản cổ tức mà các doanh nghiệp chi trả hàng năm cũng là một khoản đền bù xứng đáng. Thông thường, các doanh nghiệp bluechip luôn thực hiện thanh toán cổ tức đều đặn và tăng trưởng theo thời gian.
Hiện nay, ngày càng nhiều các tập đoàn lớn xuất đầu lộ diện trên thị trường chứng khoán, mang lại cơ hội tốt cho các nhà đầu tư sở hữu được tài sản có giá trị cao.
Ngoài những cái tên kể trên có thể điểm mặt các doanh nghiệp có thương hiệu được săn đón nhiều hiện nay như VJC (Vietjet Air), MWG (Thế giới Di động), FPT (Tập đoàn FPT), PNJ (Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận)…
Đặc điểm chung của các bluechip là không ồn ào hoa mỹ, thị giá cổ phiếu không tăng sốc giảm sâu, nhảy múa thất thường, ngược lại còn lầm lũi tăng điểm, bước từng bước vững chắc cùng với đà tăng của thị trường.
Theo ý kiến của một môi giới chứng khoán, nắm giữ những cổ phiếu này, nhà đầu tư có thể yên tâm kê cao gối ngủ ngon và chờ nguồn lợi đến trong dài hạn. Tuy nhiên, thực tế có “ngon” như “lời đồn” hay không thì cần phải xem xét kỹ lưỡng.
Bluechip chưa chắc sẽ là một khoản đầu tư tốt |
Buechip không xanh
Một mã cổ phiếu từng gây đau thương cho các nhà đầu tư chính là VPB của VPBank. Sau khi đạt đỉnh chạm ngưỡng 70.000 đồng/cp hồi đầu tháng 4/2018 (mức giá điều chỉnh là 42.830 đồng/cp), cổ phiếu này đã ngay lập tức lao dốc.
Đến nay, sau hơn một năm đạt được mức đỉnh, thị giá của VPB chỉ còn 18.750 đồng/ cp, so với mức giá đỉnh đã điều chỉnh thì VPB đã mất 56,2% giá trị. Chỉ tính riêng trong nửa đầu năm 2019, VPB cũng đã giảm hơn 6% từ vùng giá 20.000 đồng/cp. Bên cạnh những đợt phát hành trả cổ tức thì không rõ nguyên nhân khiến VPB “tuột áp” là gì.
Hay như SAB, một cổ phiếu đã từng được xem là ngôi sao trên thị trường chứng khoán, từng đạt mức đỉnh hơn 320.000 đồng/cp nhưng sau thương vụ thâu tóm của nhà đầu tư Thái, SAB giảm nhiệt nhanh chóng xuống vùng giá 242.000 đồng/cp.
Hiện, SAB đã có sự phục hồi mạnh về quanh mức 280.000 đồng/cp nhưng những nhà đầu tư “bám theo” sự kiện M&A của Sabeco với nhà đầu tư Thái mà không kịp “nhảy tàu” chắc chắn vẫn đang khóc ròng.
Dù Sabeco có “đền bù” cho cổ đông bằng mức cổ tức 50% bằng tiền mặt nhưng nên nhớ dù là cổ tức tiền mặt thì khoản cổ tức này cũng sẽ được trừ vào giá cổ phiếu trong ngày giao dịch không hưởng quyền. Nếu trót “đu đỉnh” thì các nhà đầu tư vẫn cần phải nắm giữ SAB thêm một thời gian khá dài mới đạt được điểm hòa vốn.
Ngoài ra, không thể không nhắc đến một nhược điểm của các bluechip là luôn phải chịu sức ép từ những biến động của nền kinh tế cả trong và ngoài nước như cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, giá dầu thế giới…
Còn nhớ, hầu hết các cổ phiếu bluechip từng nổi đình nổi đám đều đã đi qua một năm 2018 không còn tỏa sáng với mức giảm bình quân hơn 10% tại nhóm VN30 (nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất), kéo thị trường chung đi xuống, đánh dấu một năm đầy đau thương của các nhà đầu tư.
Sang đến nửa đầu năm 2019, tình hình cũng không khả quan hơn là bao, thể hiện qua kết quả đầu tư của các quỹ mở trên thị trường với danh mục đầu tư cổ phiếu chiếm tới hơn 90%, tập trung chủ yếu tại các mã bluechip.
Tính đến ngày 12/6/2019, tỷ suất sinh lời tài sản ròng trên chứng chỉ quỹ (NAV/CCQ) của quỹ VCBF-BCF chỉ đạt 2,37%. Các cổ phiếu chiếm tỷ trọng phân bổ tài sản đáng kể của quỹ VCBF-BCF có thể kể đến như FPT, MBB, VNM, MWG, QNS…
Kết quả đầu tư Quỹ đầu tư VF4 cũng bị ảnh hưởng đáng kể khi nhiều cổ phiếu lớn trong danh mục như VNM, BID, MBB, MWH… đều trong xu hướng giảm giá hoặc đi ngang từ đầu năm 2019.
Theo đó, tỷ trọng sinh lợi NAV/CCQ của VF4 cũng chỉ đạt 2,04%; thậm chí Quỹ đầu tư cổ phiếu Techcom (TCEF) còn ghi nhận tăng trưởng âm.
Linh Đan