VN-Index tiếp tục diễn biến ảm đạm trong phiên 22/12, mặc dù chỉ số chính tăng nhẹ nhưng thanh khoản khớp lệnh vẫn ở mức thấp, chỉ đạt 10.625 tỷ đồng.
Thanh khoản “phá đáy”
Trong phiên giao dịch 21/12, khối lượng khớp lệnh trên HoSE cũng chỉ đạt gần 455 triệu cổ phiếu, giảm mạnh so với mức trung bình trước đó, cũng là mức thấp nhất trong vòng 2 tháng qua, kể từ phiên 24/10/2023. Giá trị khớp lệnh trên HoSE đạt mức xấp xỉ 9.700 tỷ đồng, đánh dấu phiên thứ hai liên tiếp thanh khoản “nhúng” dưới 10.000 tỷ đồng.
Thanh khoản khớp lệnh liên tục duy trì ở mức thấp. |
Nhìn chung, xu hướng thanh khoản “cài số lùi” đã diễn ra trong suốt thời gian qua khi mà chuỗi ngày giao dịch sôi động trên 20.000 tỷ đồng đã qua khá lâu. Mức thanh khoản bình quân hiện đã tụt dốc về quanh ngưỡng 13.000 tỷ đồng, trong khi trước đó, giá trị giao dịch trung bình trong tháng 11 là 16.562 tỷ đồng, tháng 10 là 14.285 tỷ đồng, tháng 9 là 22.124 tỷ đồng,…
Không chỉ nhà đầu tư trong nước “chê” chứng khoán, khối ngoại cũng tỏ rõ động thái dần rút vốn trong suốt thời gian dài.
Phiên 22/12 cũng là phiên thứ 18 liên tiếp, khối này "xả hàng" trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Luỹ kế từ đầu năm 2023, giá trị bán ròng trên sàn HoSE của khối ngoại vượt 24.200 tỷ đồng. Xu hướng bán ròng của khối ngoại gần như đã xoá tan thành quả mua ròng trong năm 2022 và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Chiều ngược lại, trên thị trường vàng, giá vàng miếng SJC không ngừng “thăng hoa” và liên tục leo lên mức giá kỷ lục, dự báo sẽ còn đi lên. Trước bối cảnh như vậy, không ít nhà đầu tư cho rằng tiền đang chuyển từ chứng khoán sang vàng. Tuy nhiên, một chuyên gia tài chính đánh giá thị trường vàng có quy mô rất khiêm tốn so với chứng khoán (xét về giá trị giao dịch). Hiện tại, có hiện tượng một số người “ưu tiên” vào vàng hơn chứng khoán nhưng không có nghĩa dòng tiền từ chứng khoán đang được chuyển sang vàng.
Theo giới phân tích, diễn biến sụt giảm của thanh khoản diễn ra sau khi thị trường liên tục ghi nhận diễn biến giằng co trong biên độ hẹp. Việc chỉ số vẫn chật vật quanh mốc điểm quen thuộc 1.100 điểm mà chưa thể vượt cản một cách dứt khoát phần nào khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên chán chường.
Thêm vào đó, việc thị trường vận động theo trạng thái "cưa chân bàn" khi hồi phục đôi chút sau đó giảm sâu hơn khiến không ít nhà đầu tư thua lỗ khi tài khoản bị bào mòn từng ngày. Những nhịp “bull trap” diễn ra thường xuyên càng khiến dòng tiền không còn mặn mà mua đuổi.
Ngoài ra, giao dịch ảm đạm là khó tránh khỏi khi giai đoạn hiện tại rơi vào vùng trống thông tin trên thị trường. Các thông tin hỗ trợ đã phản ánh vào giá trong khi luồng thông tin mới chưa có nhiều.
Bao giờ tiền quay lại?
Giới phân tích nhìn nhận dòng tiền thu hẹp là điều không bất ngờ ở giai đoạn cuối năm trước hiệu ứng tâm lý nghỉ ngơi đang lan rộng. Bởi giai đoạn cuối năm thường chứng kiến tâm lý chốt lời trên diện rộng của nhà đầu tư ngắn hạn nhằm hiện thực hóa khoản lợi nhuận để "yên tâm ăn Tết".
Mặt khác, biến động giá cổ phiếu không mạnh cũng thể hiện áp lực bán yếu. Hiệu ứng thanh khoản thấp chỉ đáng ngại nếu giá cổ phiếu giảm với biên độ rộng, phản ánh sự thiếu hụt rõ nét của bên mua.
“Hiện, nhà đầu tư vẫn đang chủ động chặn mua giá thấp để chờ sự thiếu kiên nhẫn hạ giá xuống của bên bán. Nếu nhà đầu tư vẫn không muốn bán rẻ, cung cầu không thể gặp nhau và thanh khoản nhỏ là bình thường”, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến nhận định, dòng tiền đang tạm thời “nằm im chờ thời”. Theo thông lệ, thị trường chứng khoán thường ảm đạm cuối năm và hưng phấn vào đầu năm. Vì vậy, muộn nhất là sau Tết Nguyên đán, chứng khoán lại được chứng kiến dòng tiền dồi dào.
Về yếu tố có thể kích hoạt dòng tiền nhà đầu tư quay trở lại thị trường, ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc Phân tích FIDT cho rằng nhà đầu tư đang chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn về kỳ vọng kinh tế phục hồi và áp lực bán của khối ngoại giảm dần trước khi có quyết định hành động.
Do đó, chuyên gia FIDT nhìn nhận, thời gian sắp tới, nếu lực bán từ khối ngoại giảm nhiệt và những câu chuyện xoay quanh kết quả kinh doanh quý IV của các doanh nghiệp dần được lộ diện, nhiều khả năng các dòng tiền sẽ mạnh dạn hơn trong việc giao dịch.
“Việc khối ngoại bán ròng vẫn cần tiếp tục theo dõi. Áp lực từ khối ngoại sẽ khiến chỉ số khó đi lên trong ngắn hạn, nhưng với việc thị trường đang ở vùng định giá rẻ, cơ hội sẽ xuất hiện trong năm 2024 khi dòng vốn ngoại đảo chiều”, ông Phương phân tích.
Trước mắt, trong giai đoạn cuối năm 2023, câu chuyện đang được chờ đợi nhất là việc hệ thống mới KRX liệu có kịp đi vào vận hành theo đúng kế hoạch hay không. Hệ thống mới được cho là sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp thị trường hoàn thiện các tiêu chí để nâng hạng từ cận biên lên mới nổi. Đây cũng được kỳ vọng là yếu tố then chốt góp phần thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai.
Mới đây, Chứng khoán MB (MBS) đưa ra 2 kịch bản cho thị trường trong năm 2024. Trong kịch bản cơ sở, MBS dự báo VN-Index sẽ hướng tới mốc 1.240 – 1.250 điểm, vùng này tương đương với kháng cự là kênh giá giảm nối giữa đỉnh tháng 7/2021 và đỉnh tháng 9/2023. Ở kịch bản lạc quan, khi các yếu tố vĩ mô trở nên tích cực hơn, thanh khoản thị trường đạt trên 25.000 tỷ đồng/phiên thì VN-Index sẽ hướng tới mốc 1.290 – 1.310 điểm.
Theo đó, ông Hoàng Anh Tuấn, chuyên viên tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân cao cấp của MBS khuyến nghị nhà đầu tư nên mua vào khi thị trường giảm mạnh và bán ra ở những phiên tăng mạnh.
“Ở thời điểm buồn chán nhất, giao dịch thanh khoản cạn kiệt lại thường là đáy của thị trường. Nhà đầu tư có thể bắt đầu giải ngân dần để chờ January Effett (Hiệu ứng tháng Giêng)”, chuyên gia MBS lưu ý.
Hải Giang