Tính chung trong tháng 2, VN-Index tăng 7,59%, qua đó ghi nhận tháng thứ 4 liên tiếp tăng điểm. Con số 7,59% cũng là mức tăng cao nhất trong một tháng mà chỉ số này đạt được kể từ tháng 7/2023. Trong đó, sự bứt phá của nhiều cổ phiếu trụ cột là yếu tố chính giúp chỉ số chính thăng hoa.
Bứt phá lên đỉnh
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng giá đầy hưng phấn, dẫn dắt đà tăng của thị trường trong những phiên gần đây. Riêng trong phiên 27/2 vừa qua, cổ phiếu VCB của Vietcombank tăng 1,79% lên mức 91.100 đồng/cp, đồng hành cùng cổ phiếu HPG (Hòa Phát) đưa chỉ số VN-Index vượt mốc 1.240 điểm.
VN-Index liên tục đi lên dưới sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu trụ mà gần như không có sự điều chỉnh nào rõ rệt. |
Một cổ phiếu ngân hàng khác cũng tăng tốc về gần mức đỉnh lịch sử giữa năm 2021 với mức tăng 33% kể từ đầu năm tới nay, đó là cổ phiếu CTG của VietinBank. CTG bắt đầu theo xu hướng leo dốc trong 2 tháng đầu năm 2024, hiện đang giao dịch ở vùng giá 35.500 đồng/cp.
Tương tự, cổ phiếu BID của BIDV tăng ngoạn mục nhiều phiên liên tiếp trong tháng 2, và hiện đang ở vùng giá cao nhất trong lịch sử (tính theo giá đã điều chỉnh sau khi chia cổ tức) của cổ phiếu này từ khi lên sàn. Đây cũng là một trong số các cổ phiếu tác động tích cực nhất đến VN-Index.
Tại nhóm công nghệ, cổ phiếu FPT của tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam - CTCP Tập đoàn FPT, cũng vừa lập đỉnh mới. Giá trị vốn hóa thị trường của FPT kết phiên 29/2 lập kỷ lục 137.800 tỷ đồng (~5,6 tỷ USD), tăng 15.700 tỷ từ đầu năm 2024, giúp FPT củng cố vị trí số 1 về vốn hóa trong nhóm công ty công nghệ, đồng thời đưa tập đoàn tiến gần đến top 10 doanh nghiệp niêm yết giá trị nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Thậm chí, cổ phiếu của công ty con là FRT (FPT Retail) cũng liên tục tăng nhiều phiên liên tiếp công phá mức đỉnh. Đây cũng là một trong những “đại gia” ngành bán lẻ. Kết phiên 29/2, cổ phiếu FRT tăng 6,38%, tương đương 8.700 đồng/cp lên mức giá 145.000 đồng/cp. Với mức tăng này, vốn hóa của FRT đã tăng lên gần 20 nghìn tỷ. Chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây, cổ phiếu FRT đã tăng gần 34%.
Tháng 2 cũng là tháng ghi nhận đà tăng bứt phá của nhóm cổ phiếu “họ Vin”. Ba cái tên VIC (Vingroup), VRE (Vincom Retail) và VHM (Vinhomes) liên tục hỗ trợ thị trường đi lên. Trong đó, cổ phiếu VIC còn tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng qua.
Với ngành hóa chất, cổ phiếu DGC của “ông lớn” CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang cũng đang duy trì xu hướng tăng giá tương đối mạnh và gần như không chịu tác động quá nhiều bởi thị trường chung. Hiện, giá cổ phiếu đã lên vùng 112.000 đồng/cp, tương ứng với đỉnh lịch sử tháng 6/2022 khi giá phốt pho vàng toàn cầu đạt đỉnh 5,37 USD/kg (hiện tại giá phốt pho vàng toàn cầu đang giao dịch ở mức 4,22 USD/kg). Với đà tăng này, giới phân tích nhận định cổ phiếu DGC hoàn toàn sáng cửa khi có thể vượt mốc 126.000 đồng/cp, qua đó xác lập đỉnh mới.
Tại nhóm thép, “cổ phiếu quốc dân” HPG cũng "nổi sóng" liên tiếp trong những phiên gần đây, leo lên mức giá cao nhất trong gần 2 năm qua cùng thanh khoản cao kỷ lục.
Dễ gặp áp lực điều chỉnh
Việc thị trường được nâng đỡ bởi nhóm cổ phiếu trụ được đánh giá là khá an toàn cho một xu hướng tăng tích cực. Chưa kể, triển vọng chung cho năm 2024 của VN-Index vẫn đang được các tổ chức lớn đánh giá cao. Do đó, thị trường đang vô cùng kỳ vọng VN-Index bước vào tháng 3 duy trì được tháng tăng giá tiếp theo.
Trong khi đó, dữ liệu quá khứ cũng đang ủng hộ xu hướng thị trường, dù chỉ mang tính chất tham khảo.
Theo thống kê trong 23 năm đã qua, VN-Index có đến 17 lần tăng điểm trong tháng 3, tương ứng xác suất 74%. Con số này đưa tháng 3 trở thành tháng có xác suất tăng điểm cao nhất trong năm. Dù vậy, trong một thập kỷ trở lại đây, thị trường chứng khoán thường không tăng quá mạnh vào khoảng thời gian này (dưới 5%).
Ngược lại, chứng khoán Việt Nam chỉ có 2 lần giảm điểm vào tháng 3 trong 10 năm qua nhưng mức giảm đều lớn. Đặc biệt vào năm 2020, VN-Index thậm chí còn mất đến 24,9% trong tháng 3, qua đó rơi xuống đáy dài hạn.
Với tháng 3 năm nay, trước đó thị trường liên tục đi lên trong một thời gian dài mà gần như không có nhịp điều chỉnh nào thực sự rõ rệt, nên nhiều ý kiến cho rằng áp lực chốt lời là khó tránh khỏi.
Thực tế, áp lực chốt lời đang ngày càng gia tăng khi thị trường đã trải qua chuỗi tăng điểm ấn tượng trong 2 tháng qua với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn là động lực dẫn dắt quan trọng.
Trong những phiên vừa qua, một số cổ phiếu ngân hàng đã vượt qua đỉnh cũ để thiết lập nên các mức giá kỷ lục mới. Tuy nhiên, áp lực chốt lời ở nhóm cổ phiếu ngân hàng đang ngày càng gia tăng, khi dư địa đi lên không còn nhiều. Đặc biệt, tín dụng toàn ngành sau khi tăng đột biến trong tháng cuối năm 2023 đã sụt giảm trở lại 0,6% trong tháng 1 đầu năm nay, dù nhà điều hành đã giao hết hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng ngay từ đầu năm. Đặc biệt, nợ xấu toàn ngành ngân hàng có thể sẽ còn tiếp tục đi lên.
Ông Võ Kim Phụng, Phó phòng phân tích Chứng khoán BETA cho rằng tiềm năng tăng giá của cổ phiếu ngân hàng trong năm 2024 không còn nhiều. Với mặt bằng giá hiện tại, nhà đầu tư nên hạn chế mua vào.
Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cũng nhấn mạnh định giá hiện tại của dòng ngân hàng đã không còn rẻ và nợ xấu tiềm ẩn, nên sẽ không còn hấp dẫn.
Tương tự, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn cũng chứng kiến đà tăng đang suy yếu và đứng trước nguy cơ điều chỉnh bất kỳ lúc nào. Trong phiên ngày 23/2, khi chỉ số VN-Index giảm hơn 15 điểm, chỉ số VN30 thậm chí còn giảm mạnh hơn khi "bốc hơi" gần 17 điểm, tương đương mất gần 1,4% giá trị. Nói cách khác, mức giảm mạnh của VN-Index chính là do nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong chỉ số VN30 gây ra. Rõ ràng khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn điều chỉnh, thị trường chung cũng lao dốc là khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, dòng tiền lại có dấu hiệu "xoay tua" từ cổ phiếu trụ sang cổ phiếu vừa và nhỏ. Do đó, với triển vọng tăng trưởng dài hạn vẫn được duy trì, lịch sử thị trường tháng 3 cũng thường có diễn biến khá tốt nhờ bước vào giai đoạn cao điểm công bố thông tin và mùa họp đại hội đồng cổ đông đến gần, có cơ sở để kỳ vọng cơ hội tìm kiếm lợi nhuận ở nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn đang mở ra.
Hải Giang