Sau nhiều vụ án liên quan đến lãnh đạo một số tập đoàn lớn trong thời gian qua, tâm lý nhà đầu tư đã dần ổn định. Dù vậy, những thông tin đồn thổi xuất hiện vô hình trung vẫn khiến không ít nhà đầu tư lo ngại, thậm chí hoang mang và tác động mạnh đến các quyết định đầu tư của họ.
Chứng khoán và tin đồn
Đóng cửa phiên 14/2, VN-Index tiếp tục để mất hơn 5 điểm trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư lo ngại một số doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt nhóm còn nợ trái phiếu nhiều và tổng nợ lớn so với quy mô doanh nghiệp.
Những thông tin đồn thổi gây hoang mang và tác động mạnh đến các quyết định đầu tư. |
Trước đó, trong phiên đầu tuần (13/2), VN-Index đã ghi nhận phiên giảm mạnh. Chỉ số có thời điểm lùi xuống dưới mốc 1.030 khi để rơi hơn 20 điểm trước khi hồi phục vào cuối phiên nhờ lực đỡ bởi một số bluechip.
Bên cạnh tác động tiêu cực của nhóm cổ phiếu bất động sản, các chuyên gia nhận định, thị trường còn bị ảnh hưởng bởi những thông tin chưa được kiểm chứng xoay quanh giao dịch cổ phiếu của một công ty quản lý quỹ lớn tại Việt Nam vào cuối tuần qua.
Có thể thấy, từ đầu năm 2022 đến nay, chưa bao giờ thị trường chứng khoán (TTCK) phải đối diện với nhiều tin đồn "ác ý" như vậy. Trong bối cảnh thị trường đang chịu nhiều áp lực tăng trưởng, các tin đồn tiêu cực liên tục xuất hiện đã gieo hoài nghi, thậm chí gây hoang mang với các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Theo bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc tự doanh Công ty Chứng khoán DNSE, TTCK có đặc tính ảnh hưởng lớn bởi kỳ vọng đến từ đánh giá triển vọng tương lai của doanh nghiệp và môi trường kinh doanh. Điều này được thể hiện qua tính ảnh hưởng của các tin đồn trên thị trường, nhất là trong các giai đoạn mang tính nhạy cảm và vùng trống tin tức, tác động lớn đến cảm xúc và tâm lý nhà đầu tư.
Các tin đồn này thường có tác động trong ngắn hạn, gia tăng tâm lý lo lắng ảnh hưởng đến cung cầu và quyết định của nhà đầu tư. Mặc dù tính xác thực thấp nhưng tính lan tỏa của thông tin nhanh trên các mạng xã hội và truyền miệng tạo nên hiệu ứng cộng hưởng và làm méo mó thị trường, đặc biệt trong giai đoạn thanh khoản thị trường thấp đi kèm biến động rộng như hiện tại.
Còn nhớ vụ việc liên quan đến SCB xảy ra trong thời gian vừa qua, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã trấn an nhưng không ít người dân gửi tiền ở ngân hàng này vẫn rút tiền, tạo ra những khó khăn nhất định trong việc điều hành quản lý thị trường ngân hàng.
Có những trường hợp lợi dụng tạo tin giả để trục lợi, và điều này dễ xảy ra trong TTCK, nhất là vào những giai đoạn thị trường tăng trưởng.
Chẳng hạn, khi nhà đầu tư tin tưởng ở tin đồn thì có những trường hợp "bơm" tin tích cực để thổi giá chứng khoán, khiến cho nhiều nhà đầu tư xuất hiện tâm lý FOMO (cảm xúc chi phối hoàn toàn hành động), và cuối cùng là nhận đủ hậu quả. Việc tung tin còn ở nhiều mức độ tinh vi như tung tin từ nhiều nguồn khác nhau, cùng một thời điểm để nhà đầu tư không nghi ngờ, tin rằng đây là thông tin đúng.
Để tin đồn không còn là “bóng ma”
Lâu nay, tin đồn luôn tồn tại trên TTCK, bất kể ở thị trường sơ khai hay đang phát triển. Cho nên có thể nói đây là một rào cản lớn để thu hút các nhà đầu tư trong nước cũng như quốc tế, từ đó ảnh hưởng đáng kể đến thị trường vốn cũng như sự phát triển của một nền kinh tế. Và khi tin đồn còn tạo “giông bão” thì chắc chắn niềm tin vào thị trường và các cơ quan quản lý nhà nước ngày càng giảm sút.
Dù rằng sau những tin đồn ác ý, động thái từ các doanh nghiệp sẽ phần nào giúp ổn định tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên, điều mà nhà đầu tư mong đợi hơn là thông tin chính thống từ phía các cơ quan chức năng. Thông tin càng minh bạch rõ ràng, thị trường càng nhiều cơ hội để phát triển.
Vậy, về phía các nhà đầu tư nên làm gì?
Trong đầu tư chứng khoán, tin tức đóng vai trò là chìa khóa, mang tới những thông tin giúp nhà đầu tư ra quyết định. Mặc dù cập nhập tin tức là không thể thiếu, nhưng nhà đầu tư vẫn rất dễ sai trong bước xử lý những thông tin truyền tới.
Về hình thức, giá cổ phiếu lên xuống liên tục do sự biến động của cung cầu. Về bản chất, quan hệ cung - cầu lại rất nhạy cảm với các tin tức từng thời điểm. Tuy nhiên, theo đuổi tin tức không phải là một chiến lược chọn cổ phiếu tốt cho các nhà đầu tư cá nhân. Trong hầu hết các trường hợp, các nhà giao dịch chuyên nghiệp phản ứng trước một sự kiện, chứ không phải khi sự kiện được loan ra công chúng.
“Việc bắt đáy hoặc giao dịch dựa trên tin đồn, đặc biệt là các tin đồn khó xác nhận và khó đánh giá, không phải là phương pháp đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư trong dài hạn”, ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích Công ty chứng khoán DSC đánh giá.
Các chuyên gia cho rằng, tin đồn trên TTCK được ví như con dao hai lưỡi, lợi hại song hành… Nhà đầu tư nên bình tĩnh đánh giá tác động của sự kiện liên quan, bởi lẽ không phải cổ phiếu nào cũng bị tác động tiêu cực trước thông tin đó. Mặt khác, thị trường chung biến động cũng là cơ hội để mua được những cổ phiếu tốt với mức giá rẻ.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, lưu ý khi thấy tin đồn, nhà đầu tư cần phải thật sự bình tĩnh. Bởi tin đồn có thể đúng hoặc sai, nếu chúng ta đưa ra quyết định trong lúc hoảng loạn, sau đó phát hiện tin thất thiệt thì đã bị thiệt hại. Kể cả khi tin đồn trở thành sự thật, nếu chúng ta bình tĩnh thì thiệt hại có thể không quá lớn.
"Nếu mãi giao dịch theo tin đồn thì sớm muộn gì cũng bị loại ra khỏi TTCK", ông Thịnh nhấn mạnh.
Hải Giang