![]() |
FiinRatings chỉ ra có 5 yếu tố rủi ro chính cho ngành chứng khoán |
Đầu tiên là rủi ro thanh khoản. Thanh khoản bình quân ngày hiện tại trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chỉ ở mức khoảng 60% so với bình quân năm 2021. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng thu nhập từ môi giới chứng khoán cũng như rủi ro tín dụng danh mục cho vay ký quý. Không chỉ vậy, còn có thể tác động lớn hơn đối với các công ty chứng khoán (CTCK) cho vay ký quỹ tập trung vào các cổ phiếu nhỏ hoặc có tính đầu cơ.
Tiếp đến là rủi ro từ danh mục tự doanh, nhất là các đơn vị có tỷ lệ động góp thu nhập từ tự doanh chiếm hơn 50% tổng nguồn thu của CTCK, do sự suy giảm của VN-Index so với giai đoạn đầu năm 2022. Chưa kể còn một số CTCK gia tăng sở hữu trái phiếu doanh nghiệp, nhất là các trái phiếu của doanh nghiệp chưa niêm yết và có chất lượng tín dụng chưa cao.
Bên cạnh đó là rủi ro từ việc kiểm soát rủi ro tín dụng. Điều này được thực hiện bởi NHNN và các tổ chức tín dụng hiện cung cấp hạn mức tín dụng cho các CTCK. Lý do là hiện phần lớn cơ cấu vốn nợ của các CTCK là vốn ngắn hạn và rất ngắn hạn. Nợ dài hạn bao gồm trái phiếu chỉ chiếm khoảng 3% trong tổng cơ cấu nguồn vốn (bao gồm vốn vay và vốn chủ) của các CTCK. Trước các biện pháp hạn chế dòng tiền vào kênh tài sản tài chính như hiện nay, điều này sẽ tạo áp lực không nhỏ lên thanh khoản của một số CTCK yếu.
Ngoài ra là rủi ro lãi suất và tỷ giá. Lãi suất đầu vào đang gia tăng, trong khi các CTCK có hạn mức tín dụng từ các ngân hàng thường có tính chất thả nổi, từ đó góp phần làm giảm lợi nhuận từ hoạt động cho vay ký quỹ nói riêng và lợi nhuận cả năm 2022 của các CTCK.
Và cuối cùng là rủi ro chính sách. Ví dụ Nghị định 65 vừa mới đi vào hiệu lực sẽ làm cho một số CTCK vốn có nguồn thu đáng kể từ tư vấn phát hành trái phiếu, phân phối trái phiếu và kinh doanh kỳ hạn trái phiếu sẽ cần thời gian để tăng trưởng hoạt động này trở lại trong khi danh mục đầu tư trái phiếu lại có rủi ro cao hơn. Điều này một phần từ tiêu chuẩn phân phối trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư chuyên nghiệp giờ chặt chẽ hơn.
C.Giang