TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) đưa ra nhận định như vậy tại Diễn đàn Chính sách Tài khóa và Phát triển Việt Nam 2022 chủ đề "Thách thức chính sách kinh tế vĩ mô hậu Covid", tổ chức ngày 24/11.
Đưa ra những khuyến nghị cho chính sách tiền tệ, chuyên gia này cho rằng phải ưu tiên mục tiêu kiểm soát lạm phát thông qua kiểm soát tăng trưởng cung tiền. “Cần phải kiểm soát được tỷ lệ cung tiền/ GDP, không được để vọt lên cao quá như thời kỳ trước”, ông Thế Anh nhấn mạnh.
TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam |
Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ phải tuân thủ theo quy tắc minh bạch, có giải trình rõ ràng, không gây bất ngờ cho nền kinh tế, từ đó tạo ra cú sốc rất tiêu cực. Ông Thế Anh đánh giá đây là nhược điểm lớn của chính sách tiền tệ ở Việt Nam
Làm rõ thêm, ông Thế Anh nêu dẫn chứng: "Chúng ta nhìn sang kinh tế Mỹ, ngay khi chưa điều chỉnh chính sách, thị trường hay các doanh nghiệp đã dự đoán được. Tức là họ biết xu hướng lãi suất tăng và tăng bao nhiêu căn cứ vào những thông tin về nền kinh tế, về lạm phát, về diễn biến của thị trường tài chính, tỷ giá, tỷ lệ thất nghiệp. Do đó, các điều chỉnh của quốc gia này không gây bất ngờ, không có cú sốc tiêu cực.
Tuy nhiên, chính sách tiền tệ của Việt Nam gần như không giải trình. Chúng ta có thể thấy, cả thời gian dài không tăng lãi suất nhưng đùng một cái tăng 1 điểm %, vài tuần sau lại tăng 1 điểm %, gây cú sốc bất ngờ cho thị trường", TS Phạm Thế Anh dẫn chứng và nhấn mạnh, những chính sách bất ngờ như vậy khiến cho môi trường kinh tế rất rủi ro và người dân, doanh nghiệp không thể lập được kế hoạch kinh doanh dài hạn một cách ổn định.
Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ cần phải tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, nghĩa là chính sách giám sát sự an toàn của hệ thống như giám sát tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, huy động/cho vay trung dài hạn, nợ xấu,…
Theo chuyên gia này, các can thiệp chính sách tiền tệ vẫn còn mang nặng tính hành chính như áp trần lãi suất, trần tăng trưởng tín dụng và nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào tín dụng.
Chia sẻ thêm về lý do của việc áp dụng trần tăng trưởng tín dụng, ông Thế Anh cho rằng, áp dụng trần tăng trưởng tín dụng có thể kiểm soát trực tiếp tới từng ngân hàng, đồng thời dễ dàng điều tiết nguồn lực tới các ngành nghề mục tiêu.
Tuy nhiên, việc áp dụng trần tín dụng sẽ khiến cho ngành ngân hàng trở nên kém cạnh tranh. "Các ngân hàng tốt hay xấu đều được chia hạn mức, không ngân hàng nào thị phần giảm sút, hay nói cách khác thị phần của ngân hàng không gắn với khả năng cạnh tranh khi vướng trần cho vay", TS Phạm Thế Anh nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc áp dụng trần tín dụng còn gây hậu quả là dòng vốn có thể "trá hình" sang các dạng khác. Do đó, Kinh tế trưởng VESS khuyến nghị, Việt Nam nên sớm chấm dứt việc sử dụng trần tín dụng cũng như các can thiệp hành chính trực tiếp khác trên thị trường vốn/tiền tệ. Thay vào đó, kiểm soát tiền cơ sở và cung tiền và điều tiết gián tiếp qua lãi suất mục tiêu. Giám sát chặt chẽ các ngân hàng thương mại gồm: Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR); Tỷ lệ cho vay trên huy động (LTD); Tỷ lệ nợ xấu; Tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.
Huyền Anh