GS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ đã chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh với những trăn trở làm thế nào để khu vực HTX của Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị nông nghiệp.
Thưa ông, khu vực HTX đang cho thấy những vai trò gì trong việc xây dựng chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế sâu rộng?
Có thể thấy chưa bao giờ ngành nông nghiệp Việt Nam có một thị trường rộng lớn như bây giờ, hay nói cách khác là nông sản Việt Nam đang có điều kiện để chinh phục người dùng ở bất kỳ đâu trên thế giới. Tất nhiên, để tận dụng được cơ hội trên, ngành nông nghiệp cần phải tiếp tục thay đổi cách thức sản xuất.
Cụ thể, người nông dân cần được đổi mới bằng cách tham gia vào HTX nông nghiệp kiểu mới, nơi thuận lợi nhất cho họ được học, được thấm nhuần quy trình sản xuất theo kỹ thuật công nghệ cao.
Do vậy, đây là lúc chúng ta cần phải quan tâm thật nhiều tới HTX nông nghiệp. HTX là đơn vị chủ chốt, nơi tập hợp nông dân của mình để sản xuất ra nguyên liệu đúng tiêu chuẩn quốc tế trên diện tích lớn với giá thành thấp, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA. Nếu sản xuất ra nông sản vẫn theo tư duy cũ là lạm dụng phân bón hóa học vô cơ kéo theo thuốc BVTV, thì không bao giờ Việt Nam đạt được trình độ sản xuất nông nghiệp tiên tiến.
Quan sát về quá trình phát triển của các HTX nông nghiệp trong thời gian qua, ông có đánh giá như thế nào?
Tôi thấy rằng thời gian vừa qua, Việt Nam đã có nhiều HTX rất thành công, là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị nông nghiệp.
GS. Võ Tòng Xuân siết tay anh Nguyễn Tình (trái) và Tô Văn Tùng (phải), 2 trong số 43 nông dân trồng mía ở thôn An Lợi, Phổ Nhơn, Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, sung sướng với kết quả năng suất mía cao hơn mà giá thành thấp hơn nhờ dồn điển đổi thửa. |
Ví dụ, có HTX Long Bình ở huyện An Phú (An Giang) trồng 600ha xoài keo với quy mô lớn. Nông dân xúm nhau trồng xoài sạch, không sử dụng hóa chất. Thành quả là trái xoài ngon, đạt được yêu cầu của khách hàng nước ngoài khó tính nhất.
Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói còn rất nhiều HTX hoạt động vẫn khó khăn, chưa đáp ứng được mong mỏi mà chúng ta kỳ vọng, thậm chí vẫn phát triển chạy theo số lượng. Đây là điểm mà chúng ta cần phải nhìn nhận để đưa khu vực này phát triển trong thời gian tới.
Tuy nhiên, khu vực HTX nông nghiệp muốn phát triển thì không thể thiếu thành tố quan trọng là nông dân. Ở đó, người nông dân hay còn gọi là thành viên HTX cũng cần phải đổi mới, chứ vẫn sản xuất theo kiểu cũ thì chịu thua. Nông dân đổi mới phải là những người sẵn sàng để dồn điền, đổi thửa, thay đổi thói quen sản xuất theo cá thể, chuyển sang làm theo tiêu chuẩn khắt khe...
Chúng ta có HTX nông nghiệp kiểu mới, thì cũng cần phải có người nông dân kiểu mới. Điều này sẽ đảm bảo DN liên kết có nguyên liệu nông sản đạt tiêu chuẩn quốc tế. DN thu được lợi nhuận cao, nông dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình.
Là người đã nghiên cứu, trực tiếp đi tham quan các mô hình HTX của nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Ông ấn tượng với quốc gia nào nhất, Việt Nam có thể học hỏi gì từ chính sách phát triển HTX của nước đó?
Tôi thích nhất mô hình phát triển HTX của Nhật Bản. Nhật Bản có nền công nghiệp và dịch vụ phát triển nhưng họ vẫn chú trọng vào phát triển nông nghiệp, phần lớn người nông dân Nhật Bản đều tham gia HTX nông nghiệp. Luật HTX Nhật Bản đầu tiên ra đời vào 1900 nhằm quy định cho 5 loại hình HTX hoạt động là HTX tín dụng, tiếp thị, mua bán, sản xuất và tiêu dùng.
Ở Nhật Bản, Nhà nước tài trợ nông dân qua HTX, từ xây dựng cấu trúc hạ tầng, giống cây con, thu mua sản phẩm đầu ra đến vốn. Khi nông dân bắt đầu có tích lũy tài chính thì Nhà nước rút dần tài trợ.
Chính phủ Nhật xem Luật HTX nông nghiệp là công cụ để Nhà nước giúp người nông dân thoát nghèo nhanh chóng. Trong Luật không đòi hỏi nông dân vào HTX phải đóng tiền, chỉ góp sức lực của họ để phát triển sản xuất nông nghiệp theo định hướng của Chính phủ. Hàn Quốc cũng có chính sách tương tự như thế nên nông dân họ trở nên khá giả nhanh chóng.
Đây là những chính sách mà đến giờ Việt Nam vẫn có thể tham khảo để định hướng phát triển giúp khu vực HTX lớn mạnh hơn. Thẳng thắn nhìn nhận, Luật HTX của Việt Nam hiện nay đã sửa đổi, song vẫn chưa có sức “quyến rũ” nông dân nhiệt tình tham gia. Nhà nước đừng coi HTX như công ty cổ phần, để rồi thiếu mất những ưu đãi đặc biệt, giúp người nông dân tha thiết tham gia.
Nông dân giàu, HTX giàu thì sẽ đóng thuế được nhiều cho Nhà nước, tổng sản phẩm của địa phương đi lên. Nếu đất nước có nhiều HTX như vậy, tôi khẳng định Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có nền nông nghiệp phát triển như cách mà Nhật Bản hay Hàn Quốc đã làm được.
Vậy, thời gian tới, Nhà nước cần những chính sách tạo cú hích như thế nào để khu vực HTX phát huy được đúng vai trò của mình, đúng với tiềm năng mà chúng ta mong đợi, thưa ông?
Thời gian qua, Luật HTX đã được sửa đổi 3 lần. Mới nhất là Luật HTX năm 2012 có thêm nhiều chính sách ưu đãi hơn. Tuy vậy, từ chính sách tới thực tiễn thì vẫn là chuyện cần phải bàn thêm.
Bước đầu, Nhà nước cần phải có chính sách khuyến khích để nông dân không mạnh ai nấy làm mà phải tham gia vào HTX. Trong đó, khuyến khích đầu tiên là xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp theo định hướng của Nhà nước, đây là việc mà Nhà nước có thể làm giúp nông dân. Ví dụ, Nhà nước có định hướng chuyển đổi từ đất trồng lúa thành trồng xoài thì thì cần "đào mương, lên liếp" để nông dân sản xuất. Nhà nước không cho không thì có thể cho HTX vay không lấy lãi để trong giai đoạn đầu nông dân an tâm trồng xoài, HTX có thu nhập thì mới trả tiền vay cho Nhà nước.
Hơn nữa, về chính sách phát triển HTX, tôi thấy vẫn còn bao nhiêu nghị định dưới Luật, dưới nghị định lại có nhiều quyết định, thông tư với khoảng hơn 500 văn bản. Với lượng văn bản "khổng lồ này", thử hỏi người nông dân Việt Nam có thể tìm hiểu được hết hay không?".
Luật HTX cần được sửa đổi tiếp thế nào để tạo được những ưu đãi vượt trội, đừng xếp nông dân nghèo ngang hàng với người có tiền lập công ty, để rồi khi gia nhập HTX thì phải có tiền hùn vốn, rồi lại phải đóng thuế. Qua tiếp xúc với nông dân, tôi thấy họ phàn nàn rằng: "Vào HTX mà bắt đóng thuế thì tôi không yên tâm sản xuất, nếu có vào cũng không thể làm hết tâm, nhiệt tình của mình".
Rõ ràng, người nông dân có tha thiết với HTX hay không phụ thuộc rất lớn vào chính sách khuyến khích, ưu đãi trong Luật HTX. Từ đó để người nông dân thấy rằng “Với những ưu đãi đó thì tôi không vào HTX không được”.
Xin cám ơn ông!
Lê Thúy (thực hiện)