![]() |
TS. Nguyễn Trí Hiếu trình bày tại Tọa đàm “Bình thường mới - Tìm kênh đầu tư hiệu quả”, được tổ chức ngày 12/11. (Ảnh: ĐT) |
Theo TS. Hiếu, hiện nay nhu cầu vốn lưu động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất lớn. Các doanh nghiệp cần vốn lưu động để duy trì tính thanh khoản bao gồm khả năng tiếp tục trả lương cho người lao động, tiền thuê mặt bằng, thuê đất, thuê văn phòng, thanh toán cho nhà cung cấp, trả nợ cho ngân hàng…
Tuy nhiên, việc vay vốn của các doanh nghiệp rất khó khăn do ngân hàng rất cẩn trọng trong hoạt động cho vay, nhất là đối với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn tài chính qua hai lần dịch bệnh bùng phát trong năm nay. Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến cáo các ngân hàng không thể cho vay dưới chuẩn.
Chính vì vậy, TS. Hiếu cho rằng trong bối cảnh doanh nghiệp đã thế chấp hết tài sản để cầm cự do ảnh hưởng đại dịch, giờ muốn cứu họ khỏi phá sản cần cho vay tín chấp thông qua tổ hợp tín dụng.
Ông khuyến nghị: “Chính phủ cần đưa ra một kế hoạch chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước thành lập một Tổ hợp Tín dụng (Loan Syndication). Tất cả các ngân hàng đều phải tham dự vào tổ hợp này, với tỷ lệ tham gia tương đương 3-3,5%/tổng dư nợ của mỗi ngân hàng. Mục tiêu chính của Tổ hợp không phải là lợi nhuận, mà là hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì tác động của đại dịch Covid-19”.
Theo tính toán của chuyên gia này, hiện tổng dư nợ của nền kinh tế là 8,7 triệu tỷ đồng, nếu tham gia với tỷ lệ 3-3,5% hệ thống ngân hàng sẽ có một tổ hợp tín dụng khoảng 300.000 tỷ đồng, cũng tương tự gói 300.000 tỷ đồng các ngân hàng đã triển khai trước đó.
Theo vị chuyên gia này, hiện Chính phủ đã có Quyết định 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng trong đó chỉ mới đề cập đến quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương.
Do đó, cần phải có quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia và có vốn điều lệ lớn đủ để bảo lãnh cho tất cả các ngân hàng tham gia tổ hợp tín dụng.
Một tổ hợp tín dụng cộng với một Quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia có thể là một giải pháp tài chính hữu hiệu để giải quyết bài toán vốn cho các doanh nghiệp (vốn lưu động và vốn đầu tư cho công tác chuyển đổi số), đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang và sẽ bị tác động bởi dịch bệnh khắp hoàn cầu.
Thanh Hoa