![]() |
PGs. Ts. Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn quản trị Tài chính quốc tế (Khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính)
Trong kỳ điều hành giá xăng dầu hôm 4/1, khi thị trường chỉ còn xăng E5 RON 92 và RON 95 nhưng thông tin tăng giá xăng RON 95 không được công bố trong văn bản của Bộ Công Thương. Ông có bình luận gì?
Bộ Tài chính và Bộ Công Thương cần làm rõ thông tin này, để xác định nếu đã tăng giá xăng RON 95 phải được công bố công khai, rộng rãi, để người tiêu dùng nắm được xăng tăng lên bao nhiêu và giải thích tại sao giá xăng đó lại tăng. Không thể nào im im như thế được.
Trong trường hợp nếu không tăng, giữ như cũ mà các doanh nghiệp (DN) xăng dầu và cửa hàng xăng dầu tự mình tăng giá xăng là vấn đề lớn đi ngược lại quyết định của Nhà nước. Việc tự tăng giá trên thị trường là không thể chấp nhận, phải xem xét xử lý những đơn vị, DN cố tình nâng giá mặt hàng không đúng quy định.
Trao đổi với báo chí, đại diện Bộ Công Thương cho biết xăng RON 95 vốn là loại không phổ biến, nên kỳ điều hành giá vừa qua, giá cơ sở không được xem xét công bố. Theo ông, lý do này có hợp lý?
Tôi cho rằng lý do không phổ biến là không hợp lý. Khi đã nói quản lý xăng dầu là Nhà nước quản lý, trong đó có bao nhiêu loại hàng phải công khai bấy nhiêu, chứ nói là công khai hết mà xăng RON 95 không công bố thì rất buồn cười.
Để DN tự định giá, xăng RON 95 có nguy cơ bị “làm giá”. Nếu việc này xảy ra, trách nhiệm thuộc về ai?
Trước hết, trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương – cơ quan đứng ra chịu quản lý toàn diện giá xăng dầu, có bao nhiêu mặt hàng phải công khai bấy nhiêu vì đây là những mặt hàng kinh doanh theo Nhà nước bảo trợ giá.
Cơ quan nhà nước quản lý một cách tổng thể, có bao nhiêu mặt hàng phải công khai toàn diện chứ không thể công khai một nửa, còn một nửa không, trong khi đây là những mặt hàng hoàn toàn thay thế nhau.
Trước đây, chúng ta thiếu gạo, bán gạo thì Nhà nước phải khống chế giá bán, theo đó giá bán ngô, khoai cũng phải khống chế mức tương đương, không thể nào chuyện quản lý thống nhất về giá để đảm bảo an ninh lương thực mà mặt hàng thay thế lại không.
Điều này để thấy không thể có giá cơ sở xăng E5 mà không có xăng RON 95.
Một số ý kiến cho rằng việc tăng giá xăng RON 95 sẽ khuyến khích người dân sử dụng xăng E5?
Tôi không đồng thuận với điều này, vì đây là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Bản chất để người tiêu dùng ưa chuộng sử dụng xăng E5 là họ tin tưởng về chất lượng đi kèm mức giá hợp lý.
Để làm được việc này, cơ quan kiểm định chất lượng nên có phản biện, thông báo mang tính chất đầy đủ về việc kiểm tra chất lượng xăng E5, cam kết đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng máy móc cho người dùng an tâm sử dụng.
Hiện nay vẫn có nhiều thông tin cho rằng xăng E5 làm hỏng hóc máy móc khiến người dùng rất bất an.
Trong thời gian gần đây, nhiều cây xăng kém chất lượng bị phát hiện. Phải chăng các biện pháp xử lý chưa đủ sức răn đe?
DN nào, cây xăng nào bán hàng giả, hàng nhái cần phải cấm cửa kinh doanh, nhẹ phải phạt nặng, không thể để tình trạng này tiếp diễn mãi.
Người quản lý mà không làm được việc đó, người dân mất lòng tin, dẫn đến hậu quả khôn lường.
Đặc biệt trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, các mặt hàng xăng dầu của nước ngoài đang dễ dàng vào thị trường Việt Nam theo các cam kết, nếu giữ cách thức kinh doanh như vậy, hàng nội sẽ không có cửa đến với người dân.
Câu chuyện gần đây là việc một DN 100% vốn nước ngoài đến từ Nhật Bản tham gia vào thị trường xăng dầu Việt Nam, họ dám cam đoan về chất lượng, cân đo đong đếm và có chính sách hậu mãi hấp dẫn…
Nếu chúng ta không thay đổi, tự khẳng định mình, xăng dầu của Việt Nam nói riêng và hàng hóa Việt Nam nói chung sẽ thất bại ngay trên chính thị trường của mình. Điều này ảnh hưởng cực kỳ lớn không chỉ tới kinh doanh, mà còn cả nền sản xuất của Việt Nam.
Thy Lê thực hiện