![]() |
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) |
Trong báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, những tháng đầu năm 2019, Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,71%, thấp nhất trong 3 năm qua. Mặt bằng lãi suất ổn định, giảm 0,5% cho các lĩnh vực ưu tiên; nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, tính thanh khoản và an toàn hệ thống được bảo đảm; đấu tranh quyết liệt với hoạt động tín dụng đen. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt kỷ lục.
Đánh giá về kết quả này, ông Ngân cho rằng, điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đang hỗ trợ tốt cho tăng trưởng kinh tế.
Ông Ngân nói, dư nợ tín dụng của năm 2018 chỉ tăng 14%, thấp hơn năm 2017 (tăng 18%). Dư nợ tín dụng tăng thấp nhưng kinh tế lại tăng trưởng cao hơn. Điều này có nghĩa chất lượng trong vấn đề sử dụng vốn ngày càng được nâng cao và hiệu quả.
Ngoài ra, đã cơ cấu khá thành công thị trường tài chính. Tức là đã nâng cao thêm một phần vai trò của thị trường vốn, việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán ngày càng tăng lên.
Hiện, vốn hóa của thị trường chứng khoán đã trên 70% GDP. Do đó sẽ chia sẻ bớt một phần cung ứng vốn trung, dài hạn từ ngân hàng thương mại đến nền kinh tế.
Đặc biệt, sau khi có Nghị quyết 42 của Quốc hội, quá trình xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng cũng đạt được kết quả nhất định. Từ đó, nợ xấu trong nội bảng của hệ thống ngân hàng đã giảm xuống khoảng 2%, nợ xấu ngoại bảng cũng giảm so với trước đây. Từ đó giúp cho tính an toàn trong hệ thống ngân hàng ngày càng tốt hơn, chi phí hoạt động ngân hàng theo hướng giảm, tạo điều kiện kiểm soát được lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, dù đã đạt được những kết quả khả quan, song vẫn còn những thách thức lớn cho nền kinh tế. Đó là, kết cấu hạ tầng giao thông cũng như triển khai các dự án còn chậm so với kế hoạch. Nợ xấu ngân hàng theo hướng giảm nhưng vẫn có tỷ lệ cao. Diễn biến giá xăng dầu hiện nay rất khó lường sẽ tác động đến lạm phát trong nước.
"Do đó đòi hỏi chúng ta phải theo dõi và kiểm soát chặt chẽ", đại biểu Trần Hoàng Ngân khẳng định.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh đến diễn biến liên quan đến phá giá tiền tệ của các quốc gia. "Hiện nay, các quốc gia hiện nay đang đi theo hướng kéo giảm mặt bằng lãi suất và theo hướng làm cho đồng tiền của mình yếu đi, tức theo hướng phá giá tiền tệ. Như vậy, việc phá giá đó sẽ tác động đến đồng tiền Việt Nam, do đó chúng ta phải kiểm soát một cách năng động để tránh tác động từ bên ngoài và tỷ giá đối với lạm phát trong nước", ông Ngân nói.
Huyền Anh