Bài viết của ông Phạm Hồng Phong, Tổng Giám đốc Điều hành kiêm Giám Đốc dịch vụ Nền tảng Đám mây, Tập đoàn Oracle Việt Nam.
Năm 2018 đã khởi đầu một cách thuận lợi, đặc biệt là khi lĩnh vực công nghệ đang được định hướng để bắt kịp các xu thế của thời đại và ngành công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) được kỳ vọng sẽ chiếm 10% GDP Việt Nam vào năm 2020. Nằm trong top 5 nền công nghiệp ICT phát triển nhanh nhất trên thế giới, chính phủ Việt Nam sẽ triển khai nhiều hơn nữa các chính sách và kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp trong nỗ lực kĩ thuật số hóa, hướng đến phát triển các thành phố thông minh. Trong bối cảnh đó, đám mây sẽ trở thành một nền tảng đồng hành cùng chính phủ cũng như các doanh nghiệp, và các ứng dụng đám mây sẽ được tăng cường sử dụng để nâng cao năng suất và tối ưu hóa tài nguyên.
Do đó, lãnh đạo doanh nghiệp, cụ thể là các Giám đốc Công nghệ Thông tin (CIO), cần phải biết cách tận dụng làn sóng phát triển của nền tảng đám mây vốn đang nổi lên trong năm vừa qua. Bằng cách phân bổ các tính năng của đám mây với các ưu tiên tương ứng của doanh nghiệp, các CIO có thể đảm bảo kết quả kinh doanh tối ưu cho tổ chức của họ.
Đầu tư vào một hệ thống bảo mật đám mây vững chắc hơn
Bảo mật không gian mạng đã trở thành một nhu cầu thiết yếu, đặc biệt khi các cuộc tấn công mạng đang càng trở nên ngày càng phức tạp với mật độ thường xuyên hơn. Lấy ví dụ, chỉ trong vòng hai năm vừa qua đã ghi nhận gần 20 vụ tống tiền bằng phần mềm ở Việt Nam. Trong khi doanh nghiệp nhận ra nhu cầu sử dụng đám mây nhờ tốc độ và khả năng mở rộng của nền tảng này, thì các CIO lại ý thức được các nguy cơ an ninh tiềm ẩn có thể tác động đến doanh nghiệp, dù chỉ là một vi phạm hay mối đe dọa nhỏ nhất. Vì vậy, trong tám tháng còn lại của năm 2018, các CIO cần phải xem xét đẩy mạnh đầu tư vào bảo mật đám mây, nhằm giảm thiểu rủi ro gây ra bởi những vi phạm và sự cố ngưng hoạt động hệ thống vô cùng tốn kém.
Là một bước tiến so với các tính năng bảo mật thông thường, hệ thống bảo mật đám mây sẽ kết hợp sử dụng Trí tuệ Nhân tạo (AI) để phân tích một bộ dữ liệu thống nhất, trải rộng trên toàn bộ phạm vi của hệ thống ghi nhận thông tin từ xa về an ninh và cách doanh nghiệp vận hành, cũng như cung cấp các giải pháp khắc phục tự động. Điều này, do đó, sẽ cho phép thay đổi tình trạng bảo mật và hoạt động của doanh nghiệp một cách nhanh chóng. Cùng với đó, các CIO cũng cần đầu tư vào các giải pháp có bao gồm hệ thống giám sát an toàn mạng (SIEM), phân tích hành vi người dùng và thực thể (UEBA). Được hỗ trợ bởi hệ thống quản lý hoạt động và phát hiện mối đe dọa trên đám mây, các giải pháp này sẽ bảo vệ hoạt động kinh doanh khỏi các mối đe dọa không mong muốn trên mạng.
Tận dụng blockchain để có được thông tin chất lượng cập nhật nhất
Với khoảng 10% GDP toàn cầu được lưu trữ bởi công nghệ blockchain tính tới năm 2027, blockchain sẽ biến đổi cách doanh nghiệp hoạt động bằng cách tạo ra các tương tác hiệu quả, an toàn và minh bạch hơn.
Thông qua việc duy trì sổ cái phân phối (distributed ledger) qua giao thức ngang hàng (peer-to-peer), blockchain cho phép người tham gia giao dịch trực tiếp trong một mạng lưới kinh doanh đáng tin cậy, đồng thời đảm bảo tính hợp lệ và chống thoái thác (non-repudiation) trong các giao dịch.
Theo đó, CIO cần phải ưu tiên các dịch vụ đám mây tích hợp với các giải pháp blockchain. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp đảm bảo sự linh hoạt và cạnh tranh trong khi vẫn giữ vững độ an toàn, bằng cách mở rộng ứng dụng kinh doanh trong khi đẩy nhanh các giao dịch. Thêm vào đó, doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ việc mở rộng các giới hạn doanh nghiệp bằng cách triển khai các mô hình kinh doanh từ các thị trường chưa khai thác với danh tính và dịch vụ được xác minh bởi blockchain.
Tích hợp Trí tuệ Nhân tạo vào các dịch vụ quản lý doanh nghiệp
Khi Trí tuệ Nhân tạo đang nổi lên như một xu hướng không thể thay thế dành cho quy trình trải nghiệm khách hàng và các ngành công nghiệp ở Việt Nam, thì dữ liệu sẽ tiếp tục đẩy mạnh xu hướng này thông qua các ứng dụng dựa trên dữ liệu thô, phục vụ cho việc phân tích dự báo. CIO nên ưu tiên AI để tối đa hóa việc sử dụng đám mây, bằng cách tích hợp các ứng dụng AI vào trong nền tảng đám mây của họ.
Bằng việc sử dụng các thuật toán để xác định các ưu tiên của doanh nghiệp, hệ thống sẽ liên tục cập nhật và trích xuất các thông tin chuyên sâu từ thực tế nhanh chóng và khách quan hơn, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp quản lý tài nguyên và lên kế hoạch tốt hơn cho tương lai.
Điều này cũng bao gồm việc sử dụng các tính năng trả lời tự động (chatbot) dựa trên Trí tuệ Nhân tạo - thứ sẽ tối ưu trải nghiệm của người dùng cuối - như một kênh đàm thoại để thu hút khách hàng, cũng như mang đến các thông tin chuyên sâu về cách khắc phục sự cố và cá nhân hóa trải nghiệm người dùng.
Qua đó, CIO đảm bảo doanh nghiệp của họ có được các thông tin chuyên sâu chuẩn xác và kịp thời, giúp quá trình đưa ra quyết định đơn giản và hiệu quả hơn cho các chức năng kinh doanh khác nhau trong doanh nghiệp.
Chuyển các tải công việc quan trọng qua hệ thống cơ sở dữ liệu tự động
Từ đầu năm 2018, thế giới đã bắt đầu nhận thấy sự gia tăng của các cơ sở dữ liệu tự động. Gần như không đòi hỏi sự can thiệp của con người, và do vậy loại bỏ lỗi do con người, cơ sở dữ liệu tự động giúp giảm thiểu các rủi ro về bảo mật trong khi cho phép các nhà quản lý tập trung vào các nhiệm vụ cấp cao hơn.
Các CIO nên ưu tiên hiện thực hóa chức năng này trong doanh nghiệp của họ, nhằm loại bỏ lỗi do con người và định nghĩa lại vai trò và chức năng của bộ phận IT một cách tích cực.
2018 - Một năm đầy hứa hẹn
Năm 2018 là một năm đầy hứa hẹn đối với tương lai của doanh nghiệp và các CIO. Vẫn đang trong giai đoạn đầu năm, các CIO có thể thiết lập một định hướng kinh doanh có chủ đích cho tám tháng còn lại. Bằng việc theo dõi sát sao những đổi mới về công nghệ và đề ra những ưu tiên dựa trên công nghệ đám mây, CIO có thể đảm bảo rằng doanh nghiệp của họ tích cực tận dụng các thành tựu tiến bộ mới và sở hữu lợi thế cạnh tranh.
Ông Phạm Hồng Phong là Tổng Giám đốc Điều hành kiêm Giám Đốc dịch vụ Nền tảng Đám mây tại Tập đoàn Oracle Việt Nam từ tháng 11 năm 2017. Ông Phong chịu trách nhiệm cho các bộ phận Phát triển Kinh doanh (Business Development); Điều phối các nhóm Giải pháp (Cross-LOB Execution); Tiếp thu các ý kiến phản hồi (Problem Escalation Management) và Tối đa hóa Cơ hội Kinh doanh tại Viêt Nam (Problem Escalation Management and Maximizing Country Opportunity). Trước khi làm việc tại Oracle, ông từng là Tổng Giám đốc Điều hành tại Tập đoàn Công nghệ Hewlett Packard Việt Nam và Giám đốc Nhóm Khách hàng lớn và Đối tác tại Microsoft Vietnam. Ông sở hữu bằng MBA của trường Đại học Hawaii và là cử nhân chuyên ngành Khoa học Máy tính tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. |