Lãnh đạo Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cùng các đơn vị liên quan và nhiều nông dân sản xuất giống lúa ở ĐBSCL tham dự.
Theo đó, Viện Lúa ĐBSCL và Tập đoàn Lộc Trời sẽ cùng phối hợp chuyên môn và nguồn lực, để chọn tạo một giống lúa thuần mới được công nhận chính thức nhằm sản xuất, kinh doanh giống và gạo; tổ chức tập huấn chuyên môn chọn tạo giống, duy trì giống đầu dòng, tiếp tục chuyển giao bản quyền thương mại các giống lúa, ứng dụng dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao như thiết bị bay không người lái để theo dõi, bảo vệ mùa vụ; đưa chế phẩm sinh học giúp hạn chế, khắc phục ảnh hưởng của hạn mặn dự báo diễn biến phức tạp trong vụ đông xuân 2019- 2020.
Viện Lúa ĐBSCL hợp tác phát triển giống lúa bền vững (Ảnh Internet) |
Theo Viện Lúa ĐBSCL, vào tháng 4/2018, Viện chuyển giao độc quyền giống OM 9577 và OM 18 cho Tập đoàn Lộc Trời, trong đó OM 18 rất được nông dân, doanh nghiệp và thị trường đánh giá cao. Phía Tập đoàn Lộc Trời cũng được công nhận 5 giống lúa do tập đoàn nghiên cứu gồm Lộc Trời 1, 2, 3, 4 và 5 được người tiêu dùng ưa chuộng. Ngoài ra, Lộc Trời đang khảo nghiệm để công nhận giống Lộc Trời 28; đây là giống đạt giải nhất gạo thơm tại hội nghị thương mại Gạo Liên lục địa năm 2018 ở Trung Quốc…
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) nhận định: "Lâu nay, chúng ta có nhiều loại gạo ngon, nhưng chưa tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới, bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Nay, Viện Lúa ĐBSCL có rất nhiều giống lúa tốt, cùng hợp tác với một tập đoàn hàng đầu trong sản xuất, liên kết lúa gạo, sẽ là cơ hội để phát triển giống lúa mạnh hơn, giống ngon hơn, đặc sắc hơn… nhằm tiến tới xây dựng thương hiệu gạo Việt vững mạnh trên thị trường quốc tế…".
Vũ Trọng