Ngày 26/4, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đến Bắc Giang để kiểm tra tình hình sản xuất quả vải, công tác chuẩn bị cho xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Xây dựng 3 kịch bản cho tiêu thụ quả vải
Theo dự báo của Sở NN&PTNT Bắc Giang, năm 2020, tỉnh Bắc Giang có trên 28.000 ha trồng vải, sản lượng dự báo sẽ ước đạt trên 160.000 ha, tăng 10.000 tấn so với năm 2019. Trong đó, vải sớm có 6.000 ha, sản lượng 45.000 tấn; vải thiều chính vụ trên 22.100 ha, sản lượng 115.000 tấn. Dự kiến, vải sớm được thu hoạch vào khoảng 10/5 tới; vải thiều chính vụ sẽ thu hoạch từ ngày 10/6.
Nông dân Lục Ngạn chăm sóc cây vải |
Vải chín sớm trồng tập trung tại các huyện: Tân Yên, Yên Thế, Lục Ngạn, Lục Nam. Năm nay, thời tiết thuận lợi, vải ra hoa, đậu quả tỷ lệ cao, nhất là người dân quản lý được sâu đục cuống quả nên cây cho sản lượng cao, chất lượng tốt hơn so với mọi năm. Sở NN&PTNT, Sở Công Thương đang phối hợp chủ động kế hoạch xúc tiến vải thiều, trong đó có vải sớm. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc xuất khẩu có thể gặp trở ngại nên cơ quan chuyên môn tập trung tối đa vào việc khai thác thị trường trong nước.
Diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh Bắc Giang năm nay có 15.000 ha, chiếm 53% tổng diện tích toàn tỉnh, sản lượng ước đạt 110.000 tấn, chiếm gần 69% tổng sản lượng. Vải có chứng nhận GlobalGAP với 80 ha, sản lượng ước đạt 500 tấn phục vụ các thị trường cao cấp, trong đó 19 mã số vùng trồng vải thiều được cấp để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, với diện tích 103 ha thuộc các xã: Hồng Giang, Nam Dương, Tân Sơn, Quý Sơn, Giáp Sơn, Hộ Đáp của huyện Lục Ngạn và xã Phúc Hòa của huyện Tân Yên.
Ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, vụ vải thiều năm 2019 của Bắc Giang thắng lợi với tổng sản lượng tiêu thụ toàn tỉnh đạt trên 147.000 tấn, tổng giá trị đạt được mức kỷ lục trên 6.300 tỷ đồng, tăng hơn 500 tỷ đồng so với năm 2018. Trước đây, vải thiều Bắc Giang chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng những năm vừa qua đã xuất khẩu đến những thị trường khó tính với giá bán cao, như Mỹ, Úc…
“Đặc biệt, năm 2020, lần đầu tiên Nhật Bản chấp thuận nhập khẩu vải thiều của Việt Nam. Đây là một cơ hội rất lớn cho vải thiều Việt Nam nói chung và Bắc Giang nói riêng. Công tác chuẩn bị xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản đã được hoàn thành”, ông Thái nói.
Đề cập về công tác chuẩn bị tiêu thụ vải thiều năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, phương châm của địa phương là tập trung đẩy mạnh mở rộng thị trường tiêu thụ, trước hết là đối với những thị trường truyền thống, trong đó đặc biệt quan tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thương nhân và doanh nghiệp đến kết nối thu mua vải thiều.
“Trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, Bắc Giang đã chủ động xây dựng 3 kịch bản cụ thể đối với tiêu thụ vải thiều cho 3 tình huống xảy ra: vẫn thuận lợi như mọi năm; khó khăn nhưng vẫn có thể xuất khẩu được; và kịch bản thứ ba là không xuất khẩu được. Trước diễn biến phức tạp dịch bệnh Covid -19 đó là đặc biệt coi trọng thị trường nội địa trong nước, tỉnh sẵn sàng khởi động cả 3 kịch bản này trong mọi tình huống chủ động tốt nhất để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân sản xuất, tiêu thụ được sản phẩm”, ông Thái cho hay.
Giám sát nghiêm ngặt vườn trồng
Ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn phấn khởi cho biết, mới đây, Cơ quan kiểm dịch thực vật Nhật Bản cấp thêm mã số vùng trồng cho 27 ha vải thiều của huyện Lục Ngạn để xuất khẩu sang thị trường nước này. Như vậy, đến thời điểm này, huyện Lục Ngạn đã có 77 ha vải thiều được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Nhật Bản. Vườn vải đủ tiêu chuẩn cấp phải đáp ứng các điều kiện về, vườn độc canh vải, sạch sẽ, liền khoảnh. Trước đó, tại Lục Ngạn cũng có 218 ha vải thiều được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và đoàn công tác đến vùng vải Bắc Giang |
“Cùng với diện tích đươc Nhật Bản cấp mã số, huyện Lục Ngạn đã rà soát 18 mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Mỹ và 40 ha vải đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP năm 2019 để xuất khẩu sang Mỹ và Nhật Bản. Các vườn vải tham gia mô hình vải thiều hữu cơ được lắp camera giám sát, nhật ký chăm sóc là nhật ký điện tử, bảo đảm quá trình trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn an toàn, chúng tôi rất tự tin quả vải thiều Lục Ngạn có thể chinh phục được người tiêu dùng Nhật Bản”, ông Hoàn nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, hiện đã có 2 doanh nghiệp xuất khẩu là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, tỉnh Bến Tre và Công ty cổ phần AMEII Việt Nam đã trực tiếp lên các nhà vườn tại Lục Ngạn khảo sát, xúc tiến việc thu mua vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Đại diện phía Công ty AMEII Việt Nam (có trụ sở tại số 1, ngõ 43, đường Kim Đồng, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) cho hay, dự kiến năm nay, công ty sẽ thu mua và xuất sang Nhật Bản khoảng 50 tấn vải thiều của Lục Ngạn.
Dẫn đầu đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đi thị sát trồng vải thiều và chuẩn bị xuất khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, vụ vải năm nay sẽ còn chịu tác động bởi 2 yếu tố, đó là diễn biến thời tiết bất thuận có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, giảm giá trị; dịch Covid-19 sẽ gây gián đoạn thị trường, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu.
Bộ trưởng đánh giá cao về cơ cấu mùa vụ vải của Bắc Giang với 30% diện tích vải vụ sớm cùng với 3 kịch bản cho sản xuất, xuất khẩu, tuy nhiên tỉnh cần tiếp tục rà soát kỹ hơn các kịch bản.
“Bắc Giang cần chú ý kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ thực vật để đảm bảo năm nay tiếp tục có vụ vải được mùa, được giá. Những tháng đầu năm, nền nhiệt độ ấm hơn, diễn biến thời tiết bất thuận, liên tục có những trận mưa, khoảng 3 tuần nữa là thời điểm thu hoạch vải thiều cần đặc biệt quan tâm đến chăm sóc tốt cho vải để đảm bảo chất lượng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, năm nay tác động bao trùm là dịch Covid-19, do đó sẽ bị gián đoạn thị trường, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu, vì vậy nếu chuẩn bị không tốt sẽ bị gián đoạn nguồn cung. Bộ NN&PTNT đã chủ động làm việc với các tỉnh, thành phố về tiêu thụ nông sản, đặc biệt tỉnh Bắc Giang – địa phương chiếm đến 50% tổng sản lượng vải cả nước để xây dựng những nhóm giải pháp tích cực, chủ động nhất phấn đấu năm nay tiếp tục là một năm “vải được mùa, được giá”.
Chu Khôi