Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 843/QĐ-BCT giữ nguyên việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với thép hợp kim hoặc không hợp kim được cán phẳng, được sơn có xuất xứ từ Hàn Quốc và Trung Quốc.
Các công ty của Trung Quốc tiếp tục bị áp mức thuế chống bán phá giá từ 2,53% - 34,27%, các công ty của Hàn Quốc bị áp mức thuế từ 4,71% - 19,25% (Ảnh minh họa: Int) |
Liên quan đến biện pháp chống bán phá giá áp dụng đối với sản phẩm thép hợp kim hoặc không hợp kim được cán phẳng, được sơn, do không có bên liên quan nào đề nghị rà soát định kỳ, nên Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 843/QĐ-BCT về giữ nguyên việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép hợp kim hoặc không hợp kim được cán phẳng, được sơn có xuất xứ từ Hàn Quốc và Trung Quốc.
Quyết định số 843/QĐ-BCT nêu rõ: trong thời hạn 60 ngày trước khi kết thúc một năm kể từ ngày có quyết định này, các bên liên quan theo quy định tại Điều 59 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại, có thể nộp hồ sơ yêu cầu rà soát.
Trước đó, ngày 24/10/2019, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3198/QĐ-BCT áp dụng thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép hợp kim hoặc không hợp kim được cán phẳng, được sơn nhập khẩu vào Việt Nam và được phân loại theo mã HS 7210.70.11, 7210.70.19, 7210.70.91, 7210.70.99, 7212.40.11, 7212.40.12, 7212.40.19, 7212.40.91, 7212.40.92, 7212.40.99, 7225.99.90, 7226.99.19, 7226.99.99 có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc (mã vụ việc AD04).
Theo đó, các công ty của Trung Quốc bị áp mức thuế chống bán phá giá từ 2,53% - 34,27%, các công ty của Hàn Quốc bị áp mức thuế chống bán phá giá từ 4,71% - 19,25%. Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức là 5 năm kể từ ngày Quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức có hiệu lực (trừ trường hợp được thay đổi theo Quyết định khác của Bộ Công Thương căn cứ trên kết quả rà soát việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại).
Phương Linh