Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đề xuất thủ tục nhập cảnh cần thực hiện nhanh chóng, thuận tiện cho du khách. (Ảnh: Int) |
Tại cuộc gặp gỡ kiều bào Việt Nam tại Nhật trong chuyến công du Nhật Bản từ ngày 22-25/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đã giao các bộ, ngành liên quan xem xét mở lại đường bay quốc tế một cách bình thường, trong đó có đường bay đến Nhật.
Việc mở lại đường bay quốc tế hiện nay đang được người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư mong đợi bởi đây là điều cần thiết trong lúc này để khôi phục kinh tế hậu Covid-19. Tuy nhiên, cần có các quy định về kiểm soát y tế, đặc biệt là việc sử dụng hộ chiếu vaccine giúp các thủ tục nhập cảnh được thực hiện an toàn, nhanh chóng.
Gần đây, những chuyến bay đón khách du lịch quốc tế đầu tiên thí điểm “hộ chiếu vắc xin” hạ cánh xuống các địa phương du lịch lớn như Phú Quốc, Khánh Hòa, Quảng Nam... đang được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy thời gian mở đường bay quốc tế chính thức sớm khôi phục kinh tế.
Đảm bảo an toàn khi mở lại đường bay quốc tế
Sau gần 2 năm các chuyến bay thương mại quốc tế bị tạm dừng bởi dịch bệnh, mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã đề xuất điều kiện để mở lại bay quốc tế như hành khách nhập cảnh Việt Nam phải có xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2 trong 72 giờ, hành khách phải cài đặt và khai báo y tế điện tử, sàng lọc y tế tại cảng hàng không nơi đến...
Ngay sau đó, Văn phòng Chính phủ cũng ban hành công văn 8044/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đồng ý chủ trương về lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Trước chủ trương này, đại diện Vietnam Airlines (VNA) cho biết, hãng đã tích cực phối hợp với các đối tác lớn như: Sungroup, Vingroup, Thiên Minh Group, Sài Gòn Tourist… và các địa phương liên quan nhằm chuẩn bị, tổ chức các chuyến bay đưa khách quốc tế từ những thị trường ở khu vực châu Âu, Đông Bắc Á (Pháp, Đức, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc …).
Dự kiến từ tháng 11/2021 đến tháng 1/2022, VNA sẽ khai thác 15 chuyến bay thí điểm đưa khách quốc tế các điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Quảng Nam. Khách đến đã hoàn thành tiêm chủng, được cấp hộ chiếu vaccine và sẽ tham gia tour du lịch trọn gói 7 ngày tại 5 điểm đến ở Việt Nam.
Tiếp theo đó, VNA sẽ xây dựng lịch bay và chuẩn bị đầy đủ nguồn lực (máy bay, phi công, tiếp viên, thợ kỹ thuật …) trong năm 2022, bám sát vào lộ trình mở cửa trở lại do CHK đề xuất. Theo đó, từ tháng 1/2022, VNA dự kiến triển khai lại các đường bay thường lệ tới Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc…
Ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh), đơn vị trong gần hai năm qua đã đón hàng trăm chuyến bay đưa công dân VN về nước và là nơi tiếp nhận thí điểm khách nhập cảnh cách ly bảy ngày, cho rằng mở cửa các chuyến bay quốc tế để thông thương đi lại và giải cứu ngành hàng không là hết sức khẩn thiết.
"Tuy nhiên, cần giám sát chặt để kiểm soát dịch bệnh bởi nếu lơ là, mở cửa thiếu kiểm soát sẽ trả giá bởi các chi phí liên quan đến dịch bệnh còn cao hơn doanh thu từ kinh tế", ông Sáu nói.
Không nên chần chừ
Theo ông Philip Goh, Phó chủ tịch IATA khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các thông tin và dữ liệu sẵn có giúp định hướng những hành động tiếp theo cho các Chính phủ. Lộ trình nối lại bay quốc tế của Cục Hàng không Việt Nam là bước đi đúng hướng.
"Việc Việt Nam yêu cầu cách ly khách quốc tế đến sẽ trì hoãn quá trình phục hồi cũng như là trở ngại lớn cho những lĩnh vực kinh doanh phụ thuộc vào hàng không và khách quốc tế. Hàng không sẽ tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng tài chính, còn du lịch, khách sạn vẫn sẽ đầy khó khăn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế trên quy mô rộng lớn hơn", ông Philip Goh nói.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam ông Jean-Michel Caldagues khuyến nghị Chính phủ Việt Nam có chính sách nhập cảnh hợp lý, đặc biệt là có chính sách nhanh chóng, thuận tiện hơn cho các công dân từ châu Âu mà đã tiêm đủ liều vaccine và có xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước chuyến bay.
Ngoài ra, theo ôngJean-Michel Caldagues, cần đơn giản hóa các thủ tục nhập cảnh cho người lao động ngoại quốc có giấy phép hoặc thẻ cư trú ở Việt Nam, cũng như với chuyên gia ngoại quốc tới Việt Nam. Đồng thời, nối lại các chuyến bay phục vụ mục đích du lịch dành cho những du khách nước ngoài đến các điểm đến nhất định của Việt Nam theo mô hình khép kín (bubble)
"Việc nối lại các chuyến bay quốc tế sẽ đóng vai trò trọng yếu trong việc khôi phục kinh tế hậu Covid-19. Động lực kinh tế của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào ngoại thương, hay nói cách khác, việc có được luồng khách đi, đến quốc gia để thúc đẩy quan hệ giao thương là rất quan trọng.", ông Jean-Michel Caldagues đề xuất.
Theo tìm hiểu của phóng viên, với các chuyến bay thường lệ chở khách tới Việt Nam, hiện các hãng bay Việt chỉ có thể khai thác theo hình thức chuyến bay hồi hương hoặc chuyến combo (chở khách chuyên gia) vào Việt Nam, giấy phép bay được cấp theo từng chuyến khi có đầy đủ bộ giấy tờ như yêu cầu. Tất cả hành khách phải cách ly 14 ngày. Do đó, các hãng bay Việt không đủ để khôi phục lại hoạt động chở khách quốc tế thường lệ và không đủ cạnh tranh với chính sách của các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Singapore.
Đáng chú ý, trong khi Việt Nam còn đang thận trọng trong việc mở cửa đường bay quốc tế thì nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới đã có những bước đi nhanh hơn trong việc áp dụng các mô hình hành lang du lịch an toàn trong Covid-19, giữa các quốc gia, khu vực đã kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, với yêu cầu cách ly được gỡ bỏ hoặc nới lỏng cho những hành khách đáp ứng tiêu chuẩn hộ chiếu vắc xin và xét nghiệm âm tính.
Đơn cử như Singapore, Úc, Thái Lan... đã áp dụng các chính sách linh hoạt để đón khách quốc tế, cụ thể, từ 1.11, Thái Lan đã cho phép du khách đã tiêm chủng đầy đủ vắc xin ngừa Covid-19 từ 63 quốc gia (gồm Việt Nam) và vùng lãnh thổ đến nước này mà không cần cách ly. Hay như Singapore đã triển khai việc xây dựng các đường bay an toàn “Vaccinated travel lane” (Hành lang đi lại cho người đã tiêm chủng) với 13 quốc gia (tính đến 15.11).
Rõ ràng, việc mở cửa đường bay quốc tế trong bối cảnh hiện nay là vô cùng cần thiết để khôi phục kinh tế hậu Covid-19. Bởi, nếu “chậm chân”, không chỉ ngành Hàng không suy kiệt mà còn ảnh hưởng tới sự phục hồi của toàn bộ nền kinh tế.
Bộ GTVT tải đề xuất các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam sẽ theo 3 giai đoạn Giai đoạn 1 dự kiến từ quý 1/2022 sẽ nối lại đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Lào, Campuchia, Pháp, Đức, Nga, Anh, Australia. Đây là các quốc gia/vùng lãnh thổ hiện có tỷ lệ người dân được tiêm đủ liều vaccine cao hơn Việt Nam. Hành khách trên chuyến bay từ các thị trường khác phải có văn bản đồng ý cho phép nhập cảnh Việt Nam của các cơ quan chức năng. Khách nhập cảnh tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid phải cách ly 7 ngày tại các cơ sở cách ly có thu phí; khách chưa tiêm vaccine phải cách ly 14 ngày. Giai đoạn 2 triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam không yêu cầu cách ly tập trung đối với hành khách có “hộ chiếu vaccine” từ quý II/2022. Thị trường triển khai thực hiện theo nhu cầu của các hãng hàng không, tần suất 7 chuyến/tuần/chiều cho mỗi hãng hàng không. Hành khách có “hộ chiếu vaccine” và thực hiện tự cách ly tại nơi cư trú từ 3-7 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hành khách chưa có “hộ chiếu vaccine” cách ly tập trung 14 ngày. Giai đoạn 3 khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ theo nhu cầu tuỳ thuộc vào diễn biến dịch và tỉ lệ tiêm vaccine của Việt Nam và thế giới. Thị trường và tần suất khai thác sẽ do các hãng hàng không tự quyết định, triển khai từ quý III/2022. |
Phạm Minh