Ngày 15/11, thông tin tới báo chí, Tổng cục Hải quan cho biết, số lượng hàng tạm nhập tái xuất và gửi kho ngoại quan đã tồn đọng ở khu vực cảng Hải Phòng và nhiều khu vực biên giới đường bộ các tỉnh phía Bắc rất lớn do chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu của phía Trung Quốc thay đổi theo hướng thắt chặt đối với loại hình tiểu ngạch.
![]() |
Số lượng hàng tạm nhập tái xuất và gửi kho ngoại quan đã tồn đọng ở khu vực cảng Hải Phòng và nhiều khu vực biên giới đường bộ các tỉnh phía Bắc rất lớn. |
Nguyên nhân, kể từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát, Trung Quốc thực hiện siết chặt giao thương hàng hoá tại các cửa khẩu, đặc biệt là đường tiểu ngạch. Do đó, hàng hoá tạm nhập tái xuất phụ thuộc vào việc đóng mở cửa làm thủ tục của lực lượng chức năng cửa khẩu phía Trung Quốc. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn thụ động trước những thay đổi về chính sách từ bên kia biên giới khiến hàng hóa bế tắc.
Tuy nhiên, bên cạnh các mặt hàng tồn đọng do yếu tố khách quan, còn có yếu tố chủ quan là nhằm mục đích buôn lậu tại thị trường trong nước.
Theo Tổng cục Hải quan, quá trình thực hiện kế hoạch kiểm soát hàng kinh doanh, tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan có rủi ro cao, cơ quan hải quan đã phát hiện một số vụ việc vi phạm với thủ đoạn tái xuất không đúng tuyến đường, không đúng cửa khẩu ghi trong giấy phép và tờ khai, khai báo không đúng tên hàng, số lượng, trọng lượng chủng loại hàng hóa. Một số lô hàng là hàng cấm nhập khẩu, hàng đã qua sử dụng, rác thải công nghiệp, hàng thực phẩm đông lạnh… có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường bị thẩm lậu vào nội địa, gây mất an toàn cộng đồng.
Tính đến hết tháng 10/2021, ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, xử lý 11.961 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép qua biên giới với tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2.071 tỷ đồng, thu ngân sách đạt 170,277 tỷ đồng.
Cụ thể, qua tiến hành kiểm tra 73 container của 4 doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu theo loại hình tạm nhập tái xuất và gửi kho ngoại quan, sau đó tái xuất qua các cửa khẩu biên giới đã phát hiện 71/73 container là container rỗng (không chứa hàng hóa) và chỉ 1 container là còn đầy đủ, 1 container hàng chỉ còn 2 tấn hàng.
Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu chỉ tham gia vào quá trình tạm nhập tái xuất bằng khâu dịch vụ trung gian như thủ tục đại diện nhận hàng tại cảng, vận chuyển container bằng đường bộ ra biên giới... nên trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp không thể kiểm soát được hàng hóa thực sự mà mình làm thủ tục. Trong trường hợp các đối tượng buôn lậu sử dụng công ty ma (ở nước ngoài), chứng từ giả để làm thủ tục, rồi lợi dụng kẽ hở trong chính sách, cách quản lý của cơ quan hải quan để buôn lậu, thì nếu có bị phát hiện cũng sẽ khó tìm được chủ hàng thực sự.
Điển hình tháng 9/2021, lô hàng chứa trong 2 container, được vận chuyển từ cảng ở Campuchia về cảng Đình Vũ đã bị Cục Hải quan Hải Phòng và các lực lượng liên quan phát hiện, xử lý. Qua kiểm tra, số hàng trên đều là thuốc lá điếu giả mạo nhãn hiệu thuốc lá 555, Esse. Theo các lực lượng chức năng của Hải Phòng, các đối tượng sử dụng các thủ đoạn tinh vi, lợi dụng chính sách của Nhà nước đối với hàng hóa quá cảnh, gửi kho ngoại quan, tạm nhập tái xuất… để thực hiện hành vi vận chuyển hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam sang nước thứ 3, thông qua hệ thống cảng biển tại khu vực Hải Phòng.
Theo các chuyên gia, hoạt động gửi hàng hóa kho ngoại quan và tạm nhập tái xuất là hoạt động thương mại phổ biến trong hoạt động giao thương quốc tế. Ở Việt Nam, các hoạt động kinh doanh này đang phát triển để tận dụng những lợi thế về điều kiện tự nhiên của nước ta, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các tỉnh biên giới phía Bắc.
Tuy nhiên, hoạt động này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm, đòi hỏi có thêm những chính sách quản lý chặt chẽ, thống nhất, tránh việc núp bóng hoạt động thương mại phổ biến này để thực hiện hành vi bất chính.
Để ngăn chặn tình trạng thẩm lậu thuốc lá vào thị trường trong nước, tháng 11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 27/2020 quy định danh mục hàng hóa không được gửi kho ngoại quan bao gồm mặt hàng thuốc lá điếu, lá thuốc lá hoặc các nguyên liệu thay thế thuốc lá.
Theo đánh giá của cơ quan hải quan, việc thực hiện siết chặt quản lý các loại hàng hóa gửi kho ngoại quan theo Quyết định số 27 của Chính phủ đã làm giảm mạnh tình trạng gian lận thương mại hàng hóa, nhất là mặt hàng thuốc lá, rượu mạnh qua kho ngoại quan. Chẳng hạn, tại địa bàn tỉnh Đồng Nai các doanh nghiệp chủ yếu là nhập sợi thuốc lá nguyên liệu để sản xuất nên tình trạng nhập lậu thuốc lá không có hoặc rất hiếm.
Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, những tháng cuối năm tình trạng buôn lậu sẽ gia tăng, vì vậy, Tổng cục Hải quan tiếp tục có chỉ đạo tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan ở khu vực biên giới phía Bắc.
Ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, Tổng cục Hải quan sẽ tăng cường giám sát với hàng hóa gửi kho ngoại quan, hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan trong thời gian hàng hóa lưu giữ, lưu kho, thay đổi phương thức vận chuyển, phương tiện vận tải… nhằm tránh xảy ra hành vi gian lận. Đặc biệt trong thời gian hàng hóa lưu giữ tại kho, bãi của doanh nghiệp và kho ngoại quan tại cửa khẩu xuất, cửa khẩu nhập và trong thời gian chia nhỏ container để vận chuyển sang nước nhập khẩu, đảm bảo không để xảy ra tình trạng lợi dụng để đánh tráo hàng hóa, thay đổi nhãn, mác, xuất xứ hàng hóa.
Thanh Hoa