Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong quý I/2022, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 1,5 triệu tấn gạo, với kim ngạch đạt hơn 730,7 triệu USD, tăng 26,3% về lượng và tăng 12,9% về giá trị so với cùng kỳ.
Trong quý I/2022, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 1,5 triệu tấn gạo, với kim ngạch đạt hơn 730,7 triệu USD (Ảnh: Int) |
Riêng trong tháng 3/2022, xuất khẩu gạo đạt 531.000 tấn, kim ngạch đạt gần 263 triệu USD, tương ứng tăng 13,3% và 17,7% so với tháng 2/2022.
Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thời gian gần đây luôn duy trì trên mức 400 USD/tấn. Cụ thể, trong 2 tuần cuối tháng 3 và đầu tháng 4, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã được điều chỉnh tăng 3 đợt, lên mức 415 USD/tấn, cao hơn gần 10 USD/tấn so với gạo Thái Lan (406 USD/tấn). Giá gạo 25% tấm của gạo Việt Nam tuy vẫn thấp hơn gạo Thái Lan (404 USD/tấn) nhưng cũng đã tăng lên mức 395 USD/tấn; gạo 100% tấm của Việt Nam tăng lên mức 360 USD/tấn, trong khi gạo cùng loại của Thái Lan đạt 404 USD/tấn.
Các chuyên gia dự báo thị trường tiêu thụ gạo thế giới thời gian tới tiếp tục ổn định và có xu hướng tăng ở một số thị trường, Trong đó, Trung Quốc có khả năng duy trì mức độ nhập khẩu nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Dự báo một số thị trường mới nổi sẽ tăng cường nhập khẩu gạo trong năm nay như Bangladesh, Iran, Sri Lanka… Đặc biệt, thị trường châu Âu cũng dự báo sôi động hơn trong thời gian tới nhờ các hiệp định thương mại tự do, trong khi thị trường châu Phi vẫn ổn định…
Về nguồn cung, Thái Lan và Ấn Độ là hai nguồn cung chính ảnh hưởng đến thị trường thương mại gạo thế giới năm 2022. Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng dự báo, xuất khẩu gạo của Thái Lan năm 2022 tăng mạnh nhờ giá chào cạnh tranh; có thể đạt khoảng 7 - 7,5 triệu tấn (năm 2021 là 6,3 - 6,5 triệu tấn). Trong khi đó, xuất khẩu gạo Ấn Độ dự báo tiếp tục tăng trong năm 2022, sau khi đã đạt tới 18 triệu tấn vào năm 2021.
Phương Linh