Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), trước đó, ngày 24/5/2022, DOC đã khởi xướng điều tra xem xét tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam và Malaysia vào Hoa Kỳ sử dụng các bộ phận nhập khẩu từ Trung Quốc có thuộc phạm vi áp dụng của biện pháp phòng vệ thương mại mà Hoa Kỳ đang áp dụng với sản phẩm tương tự của Trung Quốc hay không.
Hoa Kỳ chính thức điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam |
Như vậy, DOC đã khởi xướng điều tra cả 02 nội dung trong đơn đề nghị của Nguyên đơn về xem xét phạm vi sản phẩm (scope ruling) và lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại (anti-circumvention) với sản phẩm tủ gỗ.
Theo quy định pháp luật của Hoa Kỳ, trong vòng 300 ngày kể từ khi khởi xướng, DOC phải ra kết luận cuối cùng của vụ việc, có thể gia hạn, nhưng tổng thời gian không quá 365 ngày.
Để đảm bảo lợi ích chính đáng của mình, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tủ gỗ tìm hiểu, nắm rõ các quy định, trình tự thủ tục điều tra lẩn tránh thuế của Hoa Kỳ; thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan điều tra Hoa Kỳ, phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại trong suốt quá trình của vụ việc.
Theo ước tính từ Bộ Công Thương, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 5/2022 đạt 1,55 tỷ USD, tăng 7,9% so với tháng 5/2021. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Hoa Kỳ trong 3 tháng đầu năm 2022, đạt 2,22 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 34,2% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Hoa Kỳ, giảm 6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021.
Nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ tại Hoa Kỳ vẫn tăng mạnh, tuy nhiên ngành gỗ của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường này. Cùng với đó, chi phí logistics tăng cao khiến nguy cơ dịch chuyển đơn hàng của Hoa Kỳ sang các quốc gia Nam Mỹ và một số nước Đông Âu.
Theo đánh giá từ Bộ Công Thương, các khu vực đó có nguyên liệu rừng, mặc dù giá nhân công và chi phí sản xuất cao hơn, nhưng bù lại có lợi thế về vị trí địa lý nên chi phí logistics sẽ thấp hơn và giá cả sẽ cạnh tranh hơn với các sản phẩm từ Việt Nam.
Do đó, để giữ vững vị trí cung cấp số một cho Hoa Kỳ, các doanh nghiệp xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam cần phải theo dõi sát diễn biến thị trường, đảm bảo yêu cầu truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp, lưu trữ, tổng hợp và phân tích thông tin về chứng từ, hóa đơn với nguồn gốc hàng hóa để kịp thời phối hợp và cung cấp thông tin khi có yêu cầu điều tra xác minh của cơ quan hữu quan Hoa Kỳ.
Trong 3 tháng đầu năm 2022, Hoa Kỳ tăng mạnh nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ các thị trường như: Trung Quốc đạt 1,4 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2021; tiếp theo là Mexico đạt 539,7 triệu USD, tăng 52,1%; Canada đạt 393,6 triệu USD, tăng 19,4%...
Thy Lê