Ngày 2/6, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) công bố tình hình hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm.
Theo đó, trong tháng 5 vừa qua, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 53,5 tỷ USD (giảm 1,5% so với tháng trước). Trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 26 tỷ USD (giảm 2,1%), giá trị nhập khẩu 27,5 tỷ USD (giảm 1%).
Đà giảm giá trị xuất nhập khẩu của tháng 5 là tiếp nối từ tháng 4, khi tháng 4 vẫn xuất siêu nhưng đã giảm 0,5 tỷ USD so với tháng 4.
Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam vẫn đạt trên 261 tỷ USD (tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước), trong đó xuất khẩu tăng hơn 30%, nhập khẩu tăng hơn 35%.
Nhờ 4 tháng đầu năm xuất khẩu tốt, nên dù tháng 5, Việt Nam nhập siêu 1,5 tỷ USD, nhưng tính chung 5 tháng vẫn xuất siêu 131 triệu USD.
Như vậy, con số đáng lưu ý là tăng trưởng về giá trị xuất khẩu cao hơn nhập khẩu dù chưa phải là lớn, song cũng để lại không ít quan ngại. Bên cạnh con số nhập siêu còn có lý do từ việc các doanh nghiệp trong nước hoạt động chưa hiệu quả.
Cụ thể, 5 tháng qua, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn dẫn đầu về giá trị xuất nhập khẩu, khi chiếm tới 69,8% tổng giá trị và tăng mạnh so với cung kỳ năm trước.
Các mặt hàng mang lại giá trị xuất khẩu cao nhất trong 5 tháng qua gồm: Điện thoại và linh kiện (21,9 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ); Máy tính, điện tử và linh kiện (19,5 tỷ USD, tăng 26%); Dệt may (12,2 tỷ USD, tăng 15%); Giày dép (8,5 tỷ USD, tăng 26,4%); Đồ gỗ (6,6 tỷ USD, tăng 61,3%); Thủy sản (3,2 tỷ USD, tăng 12%)...
Điều này có nghĩa xuất siêu đang phụ thuộc hoàn toàn vào khu vực FDI và chỉ cần khu vực này chững lại, nền kinh tế sẽ quay lại tình trạng nhập siêu.
Minh chứng rõ nét nhất là khi làn sóng thứ tư của dịch Covid-19 bùng phát trở lại hồi đầu tháng 4/2021 khiến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp FDI trong các khu công nghiệp, nhất là tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất và xuất khẩu.
Theo báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê, trong tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 19,04 tỷ USD, giảm 2,4% so với tháng trước.
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, hoạt động nhập siêu trong 5 tháng đầu năm gia tăng, song các doanh nghiệp chủ yếu nhập khẩu các thiết bị phục vụ cho sản xuất sẽ tạo tiền đề thúc đẩy xuất khẩu mạnh hơn trong các chu kỳ sau.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm: Máy tính, điện tử và linh kiện (27,4 tỷ USD, tăng 24,7%); Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng (18,6 tỷ USD, tăng 35,9%); Điện thoại và linh kiện (7,4 tỷ USD, tăng 51,3%); Vải các loại (6 tỷ USD, tăng 33%); Chất dẻo nguyên liệu (4,9 tỷ USD, tăng 50,6%); Sắt thép (4,6 tỷ USD, tăng 37,9%).
Cũng trong 5 tháng vừa qua, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu vào ngân sách nhà nước đạt 158.690 tỷ đồng (bằng 50,3% dự toán, tăng tới 27,6% so với cùng kỳ năm trước).
Thanh Hoa