Đơn cử như thị trường Iran với số dân gần 86 triệu người, là thị trường có dung lượng tiêu thụ lớn trong số các quốc gia ở Tây Á và khu vực Trung Đông. Tuy vậy, trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại Việt Nam – Iran chỉ dừng ở mức trên 100 triệu USD.
“Mỏ vàng” còn bỏ ngỏ
Rõ ràng, đây là con số hết sức khiêm tốn so với tiềm năng tiêu thụ của thị trường Iran đối với nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam. Trong cơ cấu hàng hóa, Việt Nam xuất khẩu (XK) sang Iran chủ yếu các loại nông thủy sản như: Hạt tiêu, hạt điều, chè, cà phê, hải sản, ngoài ra là một số mặt hàng cao su tự nhiên, rau củ quả, thủy hải sản, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm gỗ...
Có nhiều DN Việt thụ động chờ các nhà nhập khẩu từ Tây Á sang Việt Nam tìm nguồn hàng, chứ chưa chủ động tìm kiếm cơ hội. |
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), để tăng cường XK sang Iran, các doanh nghiệp (DN) Việt cần tìm hiểu kỹ thị trường còn nhiều tiềm năng bỏ ngỏ này.
Chính vì vậy, phiên tư vấn XK sang thị trường Iran do Cục Xúc tiến thương mại và Thương vụ Việt Nam tại Iran tổ chức ở Hà Nội vào ngày 1/4/2022 sẽ là cơ hội để các DN Việt có được những thông tin hữu ích liên quan đến việc XK hàng hóa với thị trường Iran.
Hoặc như với thị trường Thổ Nhĩ Kỳ có số dân tới gần 84 triệu người, nhưng tỷ trọng hàng XK của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của nước này chỉ chiếm khoảng 0,5%.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí chiến lược trên con đường giao thương giữa ba châu lục Á – Âu – Phi. Quốc gia này được đánh giá là thị trường tiềm năng, cửa ngõ quan trọng vào khu vực Trung Đông, là nơi trung chuyển vào thị trường EU đối với nhiều mặt hàng XK của Việt Nam như gạo, sữa và sản phẩm sữa, hạt tiêu, đồ gỗ, cao su, chè, sợi, vải, hàng may mặc, giày dép, hàng điện tử, hàng thủ công mỹ nghệ, thiết bị phụ tùng…
Thổ Nhĩ Kỳ hiện là thị trường XK lớn thứ 2 của Việt Nam tại khu vực Tây Á, chỉ đứng sau Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE). Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch XK của Việt Nam sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ dù tăng 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng cũng chỉ đạt 189 triệu USD.
Để tiếp tục tăng kim ngạch XK vào thị trường được ví như “mỏ vàng” này, theo ông Lê Phú Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, các DN Việt Nam cần tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, tham gia giao dịch, quảng bá và giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện hội chợ, triển lãm quy mô lớn tại Thổ Nhĩ Kỳ để tăng cường các cơ hội hợp tác kinh doanh với các DN phân phối, chế biến của nước này.
Thị trường Thổ Nhĩ Kỳ có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nguồn nhập khẩu do vị trí địa lý nằm giữa 3 châu lục và nằm sát châu Âu. Trong khi đó, các DN sở tại cũng khá năng động, luôn tìm kiếm nguồn cung cấp với chi phí cạnh tranh để giảm giá thành sản xuất.
Điểm yếu xúc tiến thương mại
Vì vậy, các DN Việt phải có sức cạnh tranh về chi phí, giá thành, đảm bảo chất lượng, phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của Thổ Nhĩ Kỳ, thì mới thâm nhập vào thị trường này dễ dàng hơn.
Ngoài ra, mặt hạn chế hiện nay là các DN Việt còn thiếu thông tin về thị trường này, các hoạt động xúc tiến thương mại còn ít. Và dù cho Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường lớn nhập khẩu 200 tỷ USD/năm nhưng các nhà XK Việt vẫn chưa quan tâm đúng mức.
Điều đáng nói là rất ít DN XK của Việt Nam có hoạt động xúc tiến thương mại ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đa phần DN Việt thụ động chờ các nhà nhập khẩu từ nước này sang Việt Nam tìm nguồn hàng, chứ không chủ động tìm kiếm cơ hội.
Trong khi đó, những năm gần đây, các nhà nhập khẩu Thổ Nhĩ Kỳ đang có xu hướng chuyển hướng khỏi Trung Quốc và tìm kiếm những nguồn hàng cạnh tranh hơn. Nhiều nhà nhập khẩu của nước này đã quan tâm và chủ động sang Việt Nam tìm kiếm các nhà sản xuất, XK. Cho nên, đây là lúc các DN Việt cần tận dụng cơ hội, không thể bỏ ngỏ thị trường này như trước kia.
Không chỉ ở hai thị trường lớn nêu trên mà với thị trường Tây Á nói chung (trong đó có khu vực Trung Đông) vẫn còn nhiều dư địa cho các DN Việt.
Điều quan trọng, theo giới chuyên gia, các DN Việt Nam muốn thâm nhập thị trường Tây Á phải cạnh tranh hàng hóa cùng loại của các nước khác và chú trọng tiếp thị, tạo thói quen tiêu dùng của người địa phương. Trong khi đó, khâu yếu nhất hiện nay vẫn là hoạt động xúc tiến thương mại, cả ở góc độ DN và cơ quan quản lý.
Như với thị trường khu vực Trung Đông, theo ông Nguyễn Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp.HCM (ITPC), các DN Việt Nam nói chung và Tp.HCM nói riêng còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường này như thiếu thông tin, những rào cản về logistics và thanh toán quốc tế. Vì vậy, DN rất cần nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan xúc tiến thương mại.
Trong khi đó, khu vực Trung Đông (bao gồm 16 quốc gia) được đánh giá đang đang nổi lên như khối thị trường XK tiềm năng, là “cơ hội vàng” cho các DN Việt nhắm đến đẩy mạnh XK sau đại dịch Covid-19.
Với dân số đông (khoảng 400 triệu dân) và mức sống cao, theo ông Tuấn, các quốc gia này có nhu cầu nhập khẩu rất lớn (dao động từ 2 tỷ USD đến 8 tỷ USD) đối với các mặt hàng như đồ gỗ, sản phẩm nhựa, ngũ cốc, dệt may, giày dép, cao su và sản phẩm cao su, thịt, sữa và sản phẩm sữa, rau quả các loại…
Đây là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Tuy vậy, tỷ trọng các mặt hàng này của Việt Nam trong cơ cấu hàng nhập khẩu của các nước Trung Đông vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng.
Thế Vinh