Người lao động làm việc trong Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ |
Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ đã buộc phải ngừng sản xuất từ cuối năm 2015 chủ yếu do biến động bất lợi của thị trường xơ sợi trong nước và quốc tế khi giá xơ sợi đột ngột xuống thấp.
Nguyên nhân chính dẫn tới sự biến động này là do giá dầu thế giới lao dốc, biến động không ngừng dẫn đến giá nguyên liệu đầu vào của xơ sợi cũng biến động theo.
Việc trượt giá của VNĐ so với USD cũng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất của PVTEX khi sản phẩm PVTEX bán trong nước bằng tiền đồng nhưng nguyên liệu lại phải nhập khẩu và mua bằng USD.
Việc Trung Quốc thả nổi tỷ giá NDT đã thúc đẩy các nhà máy xơ sợi Trung Quốc, Đài Loan kéo theo các nhà máy của Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ đồng loạt phá giá xơ sợi để tiến vào cuộc chiến chiếm đoạt thị trường.
Theo Ban Chỉ đạo xử lý các dự án thua lỗ, quan điểm nhất quán là: "Kiên quyết xử lý các dự án, DN thua lỗ, kém hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; Nhà nước kiên quyết không cấp thêm vốn vào các dự án…". Sau thời gian dài tạm ngừng sản xuất, nguồn lực về vốn của PVTEX đã cạn kiệt.
Nắm trong tay lợi thế, cơ hội về thị trường nhưng không có vốn, các cổ đông của Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ là các DNNN cũng không được bỏ thêm vốn vào. Việc tìm kiếm hợp tác với một đối tác bên ngoài có đủ năng lực về tài chính, công nghệ, thị trường… vì thế là hướng đi duy nhất để PVTEX vận hành lại toàn bộ nhà máy trong năm 2019.
Liên danh An Phát Holdings gồm An Phát Holdings và hai đối tác nước ngoài là Reliance Industry Ltd. (Ấn Độ), Fortrec Chemicals & Petroleum Pte. Ltd. (Singapore) (gọi tắt là Tổ hợp APH). Trong đó, An Phát Holdings là DN hàng đầu trong lĩnh vực nhựa tại Việt Nam và đang có 6 lĩnh vực kinh doanh chính là nhựa sinh học, nhựa bao bì, nhựa gia dụng, nhựa kỹ thuật, hóa dầu và xơ sợi với 12 nhà máy cùng trên 2.500 lao động.
Reliance Industry Ltd. là một trong những tập đoàn lớn, đứng đầu thế giới về lĩnh vực lọc hoá dầu và xơ sợi. Còn Fortrec Chemicals & Petroleum Pte. Ltd. là tập đoàn chuyên cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm xơ sợi.
Tổ hợp APH đã hội đủ các yếu tố bảo đảm cho việc vận hành ổn định trở lại Nhà máy khi An Phát Holdings với năng lực tài chính của mình sẽ bảo đảm dòng tiền cho nhà máy; Reliance Industry Ltd. sẽ bảo đảm quá trình vận hành các dây chuyền, thiết bị của nhà máy được trơn tru, thông suốt; còn Fortrec Chemicals & Petroleum Pte. Ltd. sẽ bảo đảm đầu ra cho toàn bộ sản phẩm của Nhà máy.
Tổ hợp APH sẽ bỏ ra toàn bộ chi phí để sửa chữa và bảo dưỡng tổng thể Nhà máy, đào tạo lao động, thuê chuyên gia kỹ thuật nước ngoài hỗ trợ trong giai đoạn đầu vận hành, ứng vốn lưu động và cung cấp nguyên liệu đầu vào với chi phí ước tính lên tới vài trăm tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An trong buổi làm việc mới đây tại PVTEX đã cho rằng các bên hợp tác rất tốt, đem lại hiệu quả rõ rệt, công suất đã tăng lên gấp đôi. Tính đến hết tháng 10, PVTEX đã xuất bán cho các khách hàng trên 1.200 tấn sợi các loại. Chất lượng sản phẩm loại A đạt hơn 95,4%.
Nhà máy đã ký kết được hơn 60 hợp đồng tiêu thụ cho các khách hàng trong và ngoài nước, lợi nhuận trước thuế sau khi khấu trừ chi phí biến đổi cao hơn nhiều so với kế hoạch đã đề ra.
Từ 1/11/2018, nhà máy đã chính thức nâng công suất phân xưởng sợi DTY lên gấp đôi giai đoạn 1 với 6 dây chuyền sản xuất, dự kiến sẽ sản xuất khoảng 400 tấn sợi DTY/tháng.
Mục tiêu đến cuối quý IV/2018, PVTEX sẽ tiếp tục nâng công suất sản xuất sợi DTY lên 10 dây chuyền và quý I/2019, sẽ vận hành toàn bộ 29 dây chuyền sản xuất sợi.
Hồng Quân