Giúp doanh nghiệp (DN) hiểu rõ về Thông tư quy định thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA, quy tắc cụ thể về mặt hàng theo EVFTA; một số vấn đề lưu ý khi triển khai quy tắc xuất xứ giúp DN khai thác hiệu quả Hiệp định EVFTA… là nội dung chính của Chương trình tập huấn chuyên sâu về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức ngày 15/6/2020 nhằm giúp DN trên địa bàn Thủ đô cập nhật thông tin, khai thác hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh xuất khẩu.
DN cần đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ của EVFTA để được hưởng ưu đãi thuế quan (Ảnh: Internet) |
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, với trên 85% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ, cam kết về ưu đãi thuế quan của Hiệp định EVFTA sẽ giúp hàng hóa Việt Nam tăng sức cạnh tranh so với hàng hóa từ các nước không có FTA với EU khi cùng xuất khẩu vào thị trường tiềm năng với 450 triệu dân này.
Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi thuế quan, DN Việt Nam cần đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ của Hiệp định EVFTA.
Cục Xuất nhập khẩu đánh giá, so với các FTA mà Việt Nam đang tham gia, quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA có nhiều điểm mới và phức tạp hơn, cả về cách diễn đạt tiêu chí và các quy định kèm theo. Do đó, trước khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và đi vào thực thi, không chỉ các DN, các cán bộ cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cán bộ tại các cơ quan, tổ chức cấp giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc hàng hóa (C/O) ưu đãi, cần phải trang bị kiến thức về pháp luật và những hiểu biết đúng đắn về các quy định, cam kết tại Hiệp định EVFTA để hỗ trợ DN một cách tốt nhất.
Bộ Công Thương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để chuẩn bị trong giai đoạn trước và sau khi Hiệp định có hiệu lực, như: công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn các quy định tại Hiệp định, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho DN trong quá trình cấp C/O, tuyên truyền, phổ biến về EVFTA…
Đáng chú ý, theo Cục Xuất nhập khẩu, các hoạt động nghiên cứu về thị hiếu, dư địa, các cam kết của EU, khả năng sản xuất trong nước… chi tiết đến từng mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh và được ưu đãi nhiều về thuế quan sẽ được thực hiện ngay trong quý II; từ đó phân tích, đánh giá cơ hội, khả năng tăng trưởng xuất khẩu và xây dựng phương án thực hiện ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Đồng thời, căn cứ kế hoạch cũng như nhu cầu của địa phương, hiệp hội, DN, Cục Xuất nhập khẩu sẽ tổ chức các khóa tập huấn chuyên sâu về quy tắc xuất xứ trong EVFTA cho các cơ quan, tổ chức cấp C/O để các DN, hiệp hội nắm bắt được cơ hội cũng như quy trình, thủ tục để có thể sớm tận dụng ngay các cam kết ưu đãi.
Mặt khác, Cục Xuất nhập khẩu sẽ hỗ trợ DN cách xử lý, thực hiện và rà soát về mặt kỹ thuật khi có yêu cầu về kiểm tra, xác minh xuất xứ từ phía EU trong trường hợp cần thiết để bảo vệ lợi ích chính đáng của DN Việt Nam.
Ngoài ra, nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ, ngoài việc thực hiện các chương trình nâng cao năng lực của cơ quan, tổ chức cấp C/O, Cục sẽ thành lập các đoàn trực tiếp kiểm tra, xác minh xuất xứ tại cơ sở sản xuất của DN để đảm bảo việc thực hiện quy tắc xuất xứ của EVFTA.
Đ.N