Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm 2023, tổng xuất nhập khẩu ước đạt 557,95 tỷ USD, giảm 9,6%, tương ứng giảm 59,49 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022. Dù vậy, cán cân thương mại vẫn giữ vững vị thế xuất siêu 24,6 tỷ USD.
Nhận định về thị trường xuất nhập khẩu 10 tháng qua, ông Lưu Mạnh Tưởng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết các nhóm mặt hàng nhập khẩu giảm mạnh nhất là điện thoại các loại và linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; chất dẻo nguyên liệu, sắt thép, vải, sản phẩm điện tử và linh kiện.
Trong 10 tháng qua Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta với kim ngạch ước đạt 49,5 tỷ USD, tăng 5%. |
Cũng theo Tổng cục Hải quan, tính đến 30/9 có 10 nhóm mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch giảm hơn 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, nhóm điện thoại các loại và linh kiện nhập khẩu giảm tới 9,7 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm hơn 4 tỷ USD; chất dẻo nguyên liệu giảm 2,64 tỷ USD; sắt thép giảm 2 tỷ USD; nhập khẩu vải, các loại kim loại thường, hóa chất giảm hơn 1,5 tỷ USD.
Đáng chú ý, trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều giảm thì xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc lại tăng mạnh. Cụ thể, trong 10 tháng qua Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta với kim ngạch ước đạt 49,5 tỷ USD, tăng 5%.
Đặc biệt, sau khi hai nước nhất trí làm sâu sắc thêm mối quan hệ và việc Trung Quốc mở cửa thêm nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam, xuất khẩu nông sản sang thị trường này đã tăng đột biến. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng rau quả lớn nhất trong 3 quý của năm 2023, đạt giá trị 2,75 tỷ USD, tăng 160% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 65% trong tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả của cả nước. Ước 10 tháng đã vượt 3,2 tỷ USD.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, xuất khẩu rau quả tăng trưởng mạnh nhờ tín hiệu tích cực về mở cửa thị trường của Trung Quốc, cùng với những nghị định thư được ký kết từ cuối năm 2022 với sầu riêng, chanh leo… là động lực thúc đẩy ngành hàng này tăng trưởng mạnh.
Ở chiều ngược lại, mặc dù nhập siêu từ thị trường Trung Quốc cũng giảm mạnh trên 10% so với năm ngoái. Song Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 89,7 tỷ USD.
Như vậy, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt Nam - Trung Quốc ước đạt hơn 139 tỷ USD sau 10 tháng năm nay.
Có thể thấy, hoạt động xuất nhập khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh kể từ khi Việt Nam và Trung Quốc thúc đẩy cơ chế hợp tác song phương để tận dụng cơ hội mở rộng hợp tác thương mại, giải quyết các vấn đề phát sinh trong thương mại song phương; tăng cường khai thác mở rộng cơ hội hợp tác với các thị trường Trung Quốc theo chiến lược “tiếp cận vùng”.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1199/QĐ-TTg ngày 14/10/2023 phê duyệt quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc bao gồm các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên.
Theo Quy hoạch, đến năm 2030, tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc có 26 cửa khẩu, trong đó có 14 cửa khẩu quốc tế, 12 cửa khẩu song phương (bao gồm 20 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương) và 1 lối mở/cửa khẩu đặc biệt.
Việc mở, nâng cấp các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương, lối thông quan... nhằm góp phần nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, hiện Trung Quốc tăng cường hoạt động thương mại với Việt Nam qua các cửa khẩu. Cùng với nhu cầu tiêu dùng của thị trường này tiếp tục gia tăng trong mùa cuối năm, những yếu tố này sẽ có tác động tích cực trong hoạt động xuất khẩu.
Thanh Hoa