Theo công văn của Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường, đơn vị này đã nhận được công thư số 65/2024/SDA/MAPA ngày 14/2/2024 của Cơ quan Kiểm dịch động thực vật, Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil (MAPA), về việc dừng nhập khẩu cá rô phi (Tilapia) từ Việt Nam kể từ ngày 14/2/2024 cho đến khi có kết luận rà soát rủi ro bệnh do virus TiLV theo Quyết định số 270 ngày 9/2/2024 của MAPA.
Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về nguồn cung cá rô phi. |
Vì vậy, Cục đề nghị các cơ sở chế biến thủy sản trong Danh sách xuất khẩu sang Brazil dừng xuất khẩu cá rô phi (Tilapia) sang thị trường Brazil theo yêu cầu của Cơ quan kiểm dịch động thực vật, Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil (MAPA) kể từ ngày 14/2/2024.
Đồng thời, các cơ sở chế biến thủy sản trong Danh sách xuất khẩu sang Brazil cần chủ động cập nhật, nghiên cứu và tổ chức thực hiện đúng quy định trong quá trình sản xuất, chế biến thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất khẩu thị trường Brazil.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá rô phi Việt Nam năm 2023 đã thu về hơn 6 triệu USD, giảm 42% so với năm 2022. Năm 2023, EU tiếp tục là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá rô phi từ Việt Nam với 2 triệu USD, giảm 34% so với năm 2022.
Ngoài thị trường EU, Mỹ tiêu thụ gần 1 triệu USD trong năm 2023, giảm 71% so với năm 2022. Tuy nhiên, trong tháng cuối năm 2023, Mỹ bất ngờ tăng nhập khẩu cá rô phi. Kim ngạch xuất khẩu cá rô phi sang Mỹ tháng 12/2023 đạt hơn 200.000 USD, tăng 78% so với cùng kỳ trong khi tháng trước đó quốc gia này gần như không nhập khẩu.
Hiện nay, thế giới đang tiêu thụ một lượng lớn cá rô phi, với tỷ lệ tăng trưởng từ năm 2010 đến 2021 đạt 5,4%. Dự báo sản lượng rô phi năm 2024 có thể đạt 7 triệu tấn, tăng 5,0% so với năm 2023 và tăng 13% so với 5 năm trước. Mặc dù tốc độ tăng trưởng không còn mạnh mẽ, chỉ tăng khoảng 2,4%, nhưng Trung Quốc vẫn là nguồn cung rô phi lớn nhất thế giới. Việt Nam đứng thứ hai. Trong khi Indonesia có tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng, 10,4% từ 2010 đến 2021.
Thy Lê