Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng xi măng và clinker xuất khẩu trong tháng 8 đạt hơn 4,2 triệu tấn, trị giá hơn 148,3 triệu USD, tăng 31,4% về lượng và tăng 24,3% về kim ngạch so với tháng 7.
Nhu cầu tiêu thụ xi măng gần đây đã dần phục hồi, nhất là sản lượng xuất khẩu duy trì tốc độ tăng trưởng nhờ nhu cầu từ thị trường Trung Quốc tăng đáng kể từ quý II (Ảnh Int) |
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2020, lượng xi măng xuất khẩu đạt hơn 23,9 triệu tấn, trị giá gần 882 triệu USD, tăng 15,7% về lượng và tăng 1,2% về kim ngạch so với cùng kỳ. Đây là những con số đáng ghi nhận trong bối cảnh nhiều thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam đang bị tàn phá bởi đại dịch Covid-19 khiến hoạt động xây dựng bị đình trệ.
Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ xi măng lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm. Tính riêng tháng 8, Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung Quốc trên 2,5 triệu tấn xi măng và clinker, trị giá hơn 81 triệu USD. Lũy kế 8 tháng, Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung Quốc gần 12,6 triệu tấn, trị giá hơn 415,5 triệu USD, chiếm gần 53% về lượng và hơn 47% tổng kim ngạch xuất khẩu xi măng và clinker của cả nước.
Philippines là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai với gần 4,5 triệu tấn, trị giá hơn 205 triệu USD, chiếm tỷ trọng 18,8% về lượng và 23,2% tổng kim ngạch xuất khẩu xi măng và clinker. Thị trường Bangladesh đứng thứ ba với hơn 1,7 triệu tấn, trị giá hơn 58 triệu USD. Tiếp đến là thị trường Đài Loan với gần 1 triệu tấn, trị giá hơn 33,6 triệu USD…
Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết, nửa đầu năm 2020 ghi nhận mức tiêu thụ xi măng sụt giảm 12% so với cùng kỳ năm 2019 ở kênh tiêu thụ nội địa do hoạt động xây dựng chững lại. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ xi măng gần đây đã dần phục hồi, nhất là sản lượng xuất khẩu duy trì tốc độ tăng trưởng nhờ nhu cầu từ thị trường Trung Quốc tăng đáng kể từ quý II.
Các chuyên gia cũng dự báo, thị trường tiêu thụ xi măng các tháng tới sẽ phục hồi 3% so với cùng kỳ do đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Trong năm 2021, nhu cầu có thể phục hồi 3 - 5% do sự hồi phục của nền kinh tế vĩ mô và hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng.
M.Đ