Nếu như năm 2021 là năm vốn nội trỗi dậy mạnh mẽ bất chấp khối ngoại bán ròng mạnh gần 70.000 tỷ đồng thì ngay từ đầu năm nay, dòng tiền nội đang có xu hướng rời bỏ thị trường.
Nhà đầu tư có xu hướng rút tiền
Anh Nguyễn Văn Nghĩa, Hà Nội cho biết vừa rút 2 tỷ đồng về để chuẩn bị mở cửa nhà hàng của mình trở lại. Là chủ một cửa hàng ăn khá nổi tiếng trên phố cổ Lương Ngọc Quyến, năm vừa qua, dịch Covid-19 đã làm cho toàn khu phố gần như “đóng băng” hoàn toàn, anh đã phải tạm dừng kinh doanh và chuyển vốn lưu động vào đầu tư chứng khoán.
Tuy nhiên, đợt Tết Nguyên đán vừa qua, lượng khách đã bắt đầu rục rịch trở lại, cùng với việc mở cửa sân bay, đón khách quốc tế, anh Nghĩa đã quyết định rút toàn bộ tiền để sửa sang lại cửa hàng, lên kế hoạch kinh doanh mới, chuẩn bị cho đợt cao điểm vào mùa hè này.
Tương tự, nhiều nhà đầu tư thời gian qua cũng chia sẻ đã kiếm đủ từ thị trường chứng khoán, khi thấy chứng khoán không còn “dễ ăn” đã rút tiền của mình để đầu tư vào đất.
Biểu đồ tiền gửi của các nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán theo quý. (Nguồn: Int) |
Mặc dù con số này không thể đại diện toàn bộ cho xu hướng rút ròng của dòng vốn nội trên thị trường và vẫn cần thời gian để chứng minh, nhưng nguy cơ này hoàn toàn có thể xảy ra trên diện rộng hơn khi động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán hiện tại không còn nhiều.
Bên cạnh đó, với gói hỗ trợ phục hồi kinh tế gần 350.000 tỷ đồng Chính phủ vừa công bố thì các kênh đầu cơ khác như đất, vàng, tiền ảo... cũng hấp dẫn không kém.
Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế cùng chung dự báo, nền kinh tế sẽ sớm hồi phục, hoạt động sản xuất kinh doanh dần được khôi phục bởi tỷ lệ bao phủ vacxin cao và việc mở cửa hoàn toàn hàng không.
Thực tế cho thấy, dòng tiền vào thị trường đã có tín hiệu giảm. Cụ thể, tháng 11/2021, thanh khoản toàn thị trường trung bình 40.000 tỷ đồng/phiên, tháng 12/2021 giảm mạnh 17% còn khoảng 33.000 tỷ đồng/phiên. Sang tháng 1/2022, thanh khoản chỉ còn 19.400 tỷ đồng/phiên. Tính chung 10 phiên giao dịch gần nhất, thanh khoản trung bình chỉ còn 15.000 tỷ đồng, giảm một nửa so với thời điểm cuối năm 2021. Đáng chú ý, trong những phiên giao dịch đầu năm sau kỳ nghỉ Tết, thị trường tăng điểm 4 phiên liên tiếp nhưng lượng thanh khoản lại... “èo uột”.
Thống kê tiền gửi của nhà đầu tư cá nhân tại các công ty chứng khoán cho thấy, tiền gửi của nhà đầu tư về giao dịch chứng khoán theo phương thức công ty chứng khoán quản lý tính đến cuối quý IV/2021 là hơn 72.545 tỷ đồng, giảm 3,3% so với quý III/2021 và khi lãi suất ngân hàng “nhen nhóm” tăng, sản xuất kinh doanh chính thức phục hồi, dự báo số tiền gửi này có thể sẽ tiếp tục giảm trong quý I/2022.
Trái ngược với xu hướng của dòng tiền nội, nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đã bắt đầu mua ròng trở lại trong những tuần đầu tiên của năm 2022. Mặc dù vẫn bán ròng trên HoSE với giá trị gần 3 nghìn tỷ đồng trong tháng 1, song chủ yếu chỉ bị chi phối bởi giá trị bán ròng 5,2 nghìn tỷ đồng cổ phiếu MSN qua kênh thỏa thuận. Qua kênh khớp lệnh, khối ngoại đã mua ròng trở lại khoảng 2 nghìn tỷ đồng trên sàn này. Trong đó, VHM là mã được mua ròng nhiều nhất với giá trị gần 1,3 nghìn tỷ đồng. Các mã ngân hàng cũng thu hút dòng tiền khối ngoại bao gồm STB, CTG, LPB.
Kỳ vọng sự trở lại
Trước đó, năm 2021, thị trường chứng kiến khối ngoại bán ròng kỷ lục 62.358 tỷ đồng. Song, ở thời điểm hiện tại, có nhiều lý do để người ta có thể tin tưởng dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại mạnh mẽ trong năm 2022.
Nhiều điểm sáng của thị trường sẽ thuyết phục nhà đầu tư nước ngoài sớm tiếp tục rót vốn vào thị trường. (Ảnh: Int) |
Hiện tại, mặc dù chưa có nhiều chuyển biến trong quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài (FOL), song vẫn còn nhiều lựa chọn tốt cho NĐTNN trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong số 30 cổ phiếu của rổ VN30, chỉ có 5 cổ phiếu đã hết room cho NĐTNN, 13 cổ phiếu có vốn hóa trên 5 tỷ USD và 12 cổ phiếu có mức giao dịch bình quân ngày hơn 10 triệu USD.
Đối với các mã đã hết room cho NĐTNN, các quỹ hoán đổi danh mục (Exchange Traded Fund - ETF) là một lựa chọn tốt với hiệu suất đầu tư tương đối cao. Bên cạnh đó, các sản phẩm mới như Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (Non-voting Depositary Receipt - NVDR) và chứng quyền có bảo đảm với tài sản cơ sở là các chỉ số cũng mang lại cơ hội kiếm lời cho NĐTNN từ các cổ phiếu đã hết room.
Dự kiến năm 2022, một hệ thống công nghệ đồng bộ cho thị trường được cung cấp bởi nhà thầu KRX sẽ được triển khai, xua tan nỗi lo ngại về hiện tượng tắc, nghẽn lệnh mỗi khi nhu cầu giao dịch tăng đột biến.
Đồng thời, rất nhiều sản phẩm mới cũng sẽ được đưa vào khi triển khai hệ thống công nghệ mới của KRX cho thị trường như chứng quyền có bảo đảm với tài sản cơ sở là các chỉ số, giao dịch trong ngày, bán chứng khoán chờ về, bán khống có bảo đảm, vay và cho vay chứng khoán… kỳ vọng thu hút được nhiều hơn các khoản đầu tư nước ngoài mới vào thị trường.
Ngoài ra, việc nâng hạng thị trường đã được đưa vào kế hoạch phát triển thị trường chứng khoán của Chính phủ được Thủ tướng phê duyệt cho thấy quyết tâm lớn của Chính phủ trong việc đạt được mục tiêu này, dự kiến vào năm 2025.
Theo đó, một loạt cải cách thị trường đã được ban hành trong năm 2021 và sẽ được thực hiện trong 2022 trở đi, tập trung giải quyết hai vấn đề then chốt cho việc nâng hạng. Đó là yêu cầu ký quỹ đủ tiền và chứng khoán trước giao dịch được thay thế bằng cơ chế thanh toán- bù trừ CCP và giải pháp cho vấn đề giới hạn tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc triển khai sản phẩm NVDR.
“Bên cạnh các yếu tố vĩ mô là điểm tựa vững chắc hỗ trợ thị trường chứng khoán, còn nhiều điểm sáng của thị trường sẽ thuyết phục nhà đầu tư nước ngoài sớm tiếp tục rót vốn vào thị trường”, một vị chuyên gia nhận định.
Hải Giang