Theo các nhà đầu tư, đây là sự cố hy hữu trong hoạt động giao dịch chứng khoán qua mạng trực tuyến của các công ty chứng khoán (CTCK). Nhất là xảy ra ở VNDirect – công ty có thị phần môi giới chứng khoán lớn thứ 2 tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Sự cố này đã làm dấy lên nhiều băn khoăn, lo ngại về tính an toàn và trách nhiệm đối với nhà đầu tư trong các tình huống rủi ro ngừng giao dịch đột ngột như vậy?
Nhà đầu tư bất an
Trước đó, phiên giao dịch ngày 26/8 đã bị xáo trộn khi VNDirect gửi nhiều lệnh giao dịch trùng lặp tới HNX. Qua kiểm tra, HNX phát hiện đã có một số lệnh với khối giao dịch lớn bất thường gửi vào hệ thống của HNX. HNX đã ngắt kết nối trực tuyến của VNDirect và cùng với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam xử lý sự cố này.
Ngay sau sự cố, tối 26/8, VNDirect đã phát đi thông báo ngắn gọn cho biết: "Công ty đã có văn bản khẩn xác nhận sự cố và đề nghị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội hỗ trợ xử lý. Hiện nay, lỗi này đã được xử lý. Đây là lỗi kết nối giữa công ty chứng khoán và HNX, VNDirect xác nhận lỗi này không ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng".
Tuy vậy, từ ngày 26/8 đến nay, sự cố này vẫn chưa được khắc phục. Hai phiên giao dịch liên tiếp của nhà đầu tư, khách hàng của VNDirect đã không thể thực hiện được qua hệ thống, mà phải chuyển sang đặt lệnh theo cách truyền thống (điện thoại, email…)
Việc HNX ngắt kết nối trực tuyến của VNDirect, đồng nghĩa toàn bộ giao dịch đặt lệnh mua – bán qua hệ thống của công ty này bị dừng đột ngột. Hiện, chưa rõ đã có bao nhiêu "lệnh ảo" được gửi vào hệ thống HNX với khối lượng bao nhiêu?
Những thiệt hại của các nhà đầu tư đã và đang có giao dịch tại thời điểm xảy ra sự cố là điều không tránh khỏi. Cho đến khi khắc phục xong, VNDirect sẽ không thể nhận lệnh giao dịch trực tuyến từ nhà đầu tư mua – bán cổ phiếu trên sàn HNX và UPCOM.
![]() |
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh ngày 27/8, anh NH – một nhà đầu tư ở Hà Nội cho biết, đã từng đăng ký giao dịch cổ phiếu qua VNDirect và vài công ty chứng khoán khác, nhưng chưa bao giờ gặp sự cố kỹ thuật như trên.
"Đây là sự cố nghiêm trọng và ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều nhà đầu tư tham gia giao dịch chứng khoán trong ngày hôm đó"- Nhà đầu tư này nói, mong muốn VNDirect và các công ty chứng khoán khác (nếu gặp sự cố tương tự) sẽ có trách nhiệm đối với khách hàng, xoa dịu tâm lý bức xúc.
Còn anh Dũng – một nhà đầu tư lâu năm – cũng chia sẻ, "Sự cố này hiếm, ít khi xảy ra lắm. Rất may là các công ty chứng khoán nơi tôi đang giao dịch chưa bị sự cố như vậy. Theo tôi, những NĐT đã giao dịch mà bị thiệt hại thì công ty chứng khoán phải có trách nhiệm".
Theo anh Dũng, những người đã đặt lệnh mua chứng khoán ở thời điểm sự cố nên làm việc với CTCK, HNX để xác nhận lệnh đặt mua chính xác. Có lẽ, NĐT cũng cảm thông, chia sẻ với
VNDirect.
Ai gánh chịu rủi ro?
Để xảy ra lỗi kỹ thuật nghiêm trọng này, VNDirect đã bị HNX phạt cảnh cáo toàn thị trường và tạm ngừng kết nối giao dịch trực tuyến tới HNX cho đến khi khắc phục xong lỗi, đảm bảo vận hành giao dịch ổn định, an toàn.
Khi được hỏi: "Trong giao dịch với CTCK, quyền lợi của nhà đầu tư và trách nhiệm của CTCK như thế nào trong tình huống rủi ro bị ngừng giao dịch trực tuyến như vậy?", hai nhà đầu tư trên cũng không nắm rõ các điều khoản ràng buộc trách nhiệm, khắc phục thiệt hại giao dịch chứng khoán ra sao.
Được biết, hiện nay, các CTCK đang áp dụng đồng thời nhiều phương thức giao dịch chứng khoán như: giao dịch trực tiếp tại điểm giao dịch, qua điện thoại, qua mạng trực tuyến và phương thức khác… CTCK chấp nhận giao dịch của khách hàng có hiệu lực căn cứ theo chứng từ, hoặc bản ghi âm đặt lệnh.
Đơn cử, như trường hợp của VNDirect, khách hàng đặt lệnh qua hệ thống điện thoại thì sẽ có bản ghi âm cuộc gọi, hoặc bản ghi âm trên hệ thống (đối với giao dịch trực tuyến) do VNDirect lưu giữ. Đây là chứng từ gốc phản ánh nội dung giao dịch (mã cổ phiếu, khối lượng, giá, thời điểm giao dịch…) và có hiệu lực pháp lý.
Theo quy định về mở và sử dụng tài khoản giao dịch chứng khoán của VNDirect, lệnh giao dịch chứng khoán của khách hàng được khớp, số chứng khoán mua được và số tiền thu về sẽ được chuyển vào tài khoản mở tại VNDirect, trừ khi có sự kiện bất khả kháng. Tuy nhiên, lại không có quy định nào nêu rõ trường hợp "sự kiện bất khả kháng" xảy ra là gì, và trách nhiệm xử lý rủi ro, thiệt hại cho khách hàng ra sao.
Trong khi đó, khách hàng ký hợp đồng giao dịch với VNDirect sẽ phải cam kết miễn mọi trách nhiệm pháp lý cũng như yêu cầu bồi thường đối với công ty, Giám đốc, nhân viên của công ty nếu có thiệt hại phát sinh từ những rủi ro khi giao dịch qua mạng trực tuyến, điện thoại như: lộ thông tin, bị gián đoạn, ngừng trệ giao dịch do lỗi thiết bị đường truyền, sự cố hệ thống…
Và khách hàng cũng buộc phải đồng ý gánh chịu toàn bộ rủi ro khi giao dịch tiền qua mạng trực tuyến. Có nghĩa, khách hàng luôn ở trong thế bị động và gánh chịu mọi thiệt hại nếu có!
Thu Hằng