Cổ phiếu này đã bị NĐT nước ngoài bán ra ồ với 13 phiên liên tiếp khiến cho giá cổ phiếu lao dốc không phanh, phá vỡ tất cả các ngưỡng kháng cự quan trọng. Tâm lý NĐT thực sự bi quan, khiến nhiều người dự đoán cổ phiếu DPM bước vào chu kỳ giảm giá.
Theo đánh giá của ban lãnh đạo DPM, thách thức về thị trường ngày càng tăng bởi nguồn cung urê trong nước đã vượt cầu và nguồn cung trên thế giới cũng có sự gia tăng mạnh từ khu vực Trung Đông và Bắc Mỹ.
Thị trường khó khăn
Trên TTCK mà DPM đang niêm yết, CTCK Bản Việt (VCSC) phân tích, hiện giá u-rê thế giới dự báo sẽ giảm đến năm 2018, giá khí đầu vào có thể tăng từ quý II/2014, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình hoạt động của DPM theo hướng tiêu cực.
Thị trường urê thế giới hiện đang dư cung, theo dự báo của Fertecon. Nguồn cung urê trên thế giới sẽ dư từ 10,3 triệu tấn năm 2013 lên 12,2 triệu tấn năm 2017. Đặc biệt, trong năm 2014, nguồn cung urê tại Trung Quốc cũng tăng hơn 10% so với nhu cầu tiêu thụ của nước này. Năm 2014, VCSC dự kiến giá urê trong nước sẽ giảm 3% xuống còn 386 USD/tấn. Hiện sản phẩm này của DPM đang được bán với giá 365 USD/tấn, thấp hơn 14% so với cùng kỳ.
Mặt khác, giá khí tăng 19% từ quý 2 năm nay có thể khiến doanh thu của DPM giảm mạnh. Ban lãnh đạo DPM cũng nhận định, thị trường urê trong nước sôi động hơn khi có thêm 2 nhà máy sản xuất mới tham gia vào thị trường, nâng tổng công suất urê cả nước lên 2,35 triệu tấn. Nhà máy Đạm Hà Bắc dự kiến nâng công suất lên 350.000 tấn từ năm 2015, tiếp tục đẩy nguồn cung lên mức 2,5 triệu tấn. Hiện tại, nguồn cung urê trong nước đã đủ đáp ứng nhu cầu và không phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. Dự báo giá urê trong nước các năm tới sẽ ở mức thấp, khó đạt mức trung bình của năm 2013.
Trước tình hình khó khăn đó, Đạm Phú Mỹ đã đề ra kế hoạch cực kỳ khiêm tốn so với kết quả đạt được năm 2013. Công ty đề xuất chỉ tiêu tổng doanh thu năm 2014 với 8.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ còn 1.219 tỷ đồng, giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với kết quả năm 2013. DPM dự kiến sẽ sản xuất khoảng 800.000 tấn đạm Phú Mỹ, giảm 22.000 tấn so với năm 2013. 4.200 tấn hóa chất trong năm 2014.
Ông Cao Hoài Dương, Tổng Giám đốc DPM, cho biết chỉ tiêu lợi nhuận này tính theo giá khí 6.69 USD/1 triệu BTU, kế hoạch này là một thách thức và không hề thấp trong bối cảnh kinh tế được dự báo tiếp tục khó khăn. Trong năm nay, DPM tiếp tục củng cố thị trường tiêu thụ phân bón sang Campuchia, Myanmar và phát triển sang các nước khác trong khu vực.
![]() |
Không có chuyện Công ty Đạm Phú Mỹ nhường thị phần cho Đạm Cà Mau
Việc đầu tư trong năm 2014 vẫn tiếp tục được triển khai với tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 454 tỷ đồng, trong đó 329 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ bản. Còn về dài hạn sẽ đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực sản xuất phân bón và hóa chất, đặc biệt là 2 dự án lớn NH3, NPK với mức vốn khoảng 200 triệu USD.
Cổ phiếu lao dốc
Tất cả những dự báo trên được thể hiện bằng sắc đỏ trên sàn chứng khoán khi giá cổ phiếu DPM liên tục lao dốc không phanh. NĐT nước ngoài bán mạnh, NĐT trong nước bán theo, khối lượng giao dịch tặng đột biến nhưng không thể chống đỡ được sự giảm giá trên. Hơn nữa, thị trường chung cũng điều chỉnh giảm, nên dù tốt hay xấu thì đều bị bán ra chốt lời, hoặc cắt lỗ.
Thực tế, thông tin về quyết định tăng cổ tức từ 25% lên tới 50% bằng tiền mặt, tương đương 1.899 tỷ đồng được cho là rất tốt, nhưng NĐT nước ngoài vẫn bán tháo. Có lẽ, cổ tức 50% cũng chẳng thấm vào đâu so với mức thua lỗ khi nắm cổ phiếu ở đỉnh cao từ khoảng 45.000 đồng/cổ phiếu giảm về mức 36.600 đồng/cổ phiếu.
Mặc dù đa số cổ đông rất hài lòng với mức cổ tức mà DPM chi trả trong năm 2013, nhưng số tiền mà họ bị bốc hơi còn nhiều hơn gấp mấy chục lần cổ tức nhận được. Đây quả thực là một bi kịch trên TTCK, dù DPM vẫn cam kết trả cổ tức ở mức cao bình quân 25% mỗi năm.
Tuy nhiên, thực tế ít NĐT bỏ tiền vào chứng khoáng để trông chờ vào cổ tức. Ông Lê Cự Tân, Chủ tịch mới của DPM, cho biết luôn mong muốn trả cổ tức cao cho cổ đông và hy vọng thị trường thuận lợi để tỷ lệ cổ tức được tăng lên. Thị trường không thể chiều lòng người được.
Một vấn đề hóc búa mà cổ đông thắc mắc nữa là vì sao lợi nhuận mỗi năm lại càng giảm. Ông Cao Hoài Dương, Tổng Giám đốc DPM, lý giải rằng lợi nhuận năm 2013 giảm so với năm 2012 là do giá khí, theo lộ trình của Chính phủ, mỗi năm tăng 2%. Giá bán sản phẩm bình quân cũng có giảm so với năm 2012.
Ngoài ra, do nhà máy bảo dưỡng định kỳ nên sản lượng giảm, dẫn đến doanh thu lợi nhuận giảm. Lợi nhuận tiền gửi giảm do lãi suất giảm cũng ảnh hưởng một phần. Chứ không có chuyện Công ty Đạm Phú Mỹ nhường thị phần cho Đạm Cà Mau.
Sắp tới, Đạm Cà Mau cổ phần hóa nên hoạt động kinh doanh liên quan đến DPM rất minh bạch. Còn việc tham gia TPP vừa là cơ hội vừa là thách thức. Cơ hội là DPM có thể xuất khẩu hàng mà không phải chịu thuế sang nước khác, nhưng thách thức là phải cạnh tranh với phân bón ngoại nhập là rất lớn.
Ông Lê Cự Tân cũng cho biết là DPM chưa nhận được thông tin chính thức về mức tăng giá khí tăng 19% như phân tích của Chứng khoán Bản Việt. Trên thực tế, DPM được ưu tiên cấp nguồn khí sạch từ mỏ Bạch Hổ, Nam Côn Sơn (từ GAS) là điều kiện nền tảng đảm bảo sự thành công của DPM.
Công ty đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2014, sản lượng Đạm Phú Mỹ sản xuất đạt 219.000 tấn, vượt 9% kế hoạch quý. Doanh thu 2.506 tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế cũng vượt 9% kế hoạch khi đạt 400 tỷ đồng.
Sơn Long