Gần 200 nghìn tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng đầu năm 2022. (Ảnh: Int) |
Đáng chú ý, trong 194.835 tài khoản mở mới, đa phần là của nhà đầu tư cá nhân trong nước với số lượng tới 194.305 tài khoản, chiếm 99,73%. Tính chung, số lượng tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước hiện tại đã đạt 4.452.029 tài khoản, chiếm 98,82% số tài khoản hiện tại.
Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư tổ chức là 13.187 tài khoản. Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài là 39.830 tài khoản, trong đó nhà đầu tư cá nhân nước ngoài 35.676 tài khoản và 4.154 tài khoản của nhà đầu tư tổ chức.
Số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư tổ chức trong nước, nhà đầu tư cá nhân nước ngoài và nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đều tăng so với tháng 12/2021. Theo đó, số lượng mở mới trong tháng 1/2022 của nhà đầu tư tổ chức trong nước là 210, nhà đầu tư cá nhân nước ngoài là 302 và nhà đầu tư tổ chức nước ngoài là 18 tài khoản.
Hiện tại, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang duy trì xu hướng bán ròng trên thị trường, nhất là phiên hôm qua (10/2), khối ngoại bán ròng 739,65 tỷ trên sàn HoSE. Mặc dù thanh khoản khớp lệnh đã có phiên thứ 15 liên tiếp thấp hơn trung bình cho thấy một bộ phận nhà đầu tư vẫn đang đứng ngoài thị trường nhưng xu hướng dòng tiền dự báo sẽ được cải thiện trong thời gian tới.
SSI Research cho rằng, sang năm 2022, với xu hướng chính sách tiền tệ/tài khóa của Việt Nam và thế giới có sự phân kỳ, và thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá là triển vọng tích cực, nhờ vậy kỳ vọng dòng vốn từ các quỹ đầu tư sẽ quay trở lại, đặc biệt là các quỹ ETF. Đồng thời, việc triển khai T+0, và mô hình bù trừ thanh toán trung tâm - CCP dự kiến cũng sẽ là các yếu tố chính thúc đẩy thị trường trong năm 2022.
Theo kịch bản khả quan, việc triển khai T+0 và CCP có thể hỗ trợ cho khả năng nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi theo đánh giá của FTSE Russell Index được công bố vào tháng 9/2022. Trước mắt, vào đầu năm 2022, quỹ KIM Growth VN30 ETF sẽ được niêm yết trên sàn HoSE.
C.Giang