Thời gian gần đây, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam rơi vào giai đoạn không có "sóng", ngoại trừ các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn, hầu hết các nhóm cổ phiếu không tăng cũng không giảm.
Từ đầu năm 2019 tới nay, chỉ số Vn-Index loay hoay ở mức 950 – 1.000 điểm, tỷ suất lợi nhuận đầu tư tính theo Vn-Index không bằng tiền gửi tiết kiệm ngân hàng. Thông thường, đầu tư mà không tạo ra lợi nhuận thì nhà đầu tư (NĐT) sẽ không giải ngân, đặc biệt trong bối cảnh thị trường không có biến động.
Cải thiện chất lượng "hàng hóa"
Trong cơ cấu của Vn-Index, các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng đang có dấu hiệu đuối sức bởi những cổ phiếu có sự bứt phá mạnh về giá trong vòng hơn một năm qua như TCB (Techcombank), VPB (VPBank), MBB (MB), VCB (Vietcombank)… đang chịu sức ép lớn từ sự thoái vốn của bộ phận NĐT dài hạn.
Những cổ phiếu khác cũng không tránh khỏi diễn biến chung dù ghi nhận mức tăng trưởng thấp hơn, thậm chí đang tiến gần tới vùng giá đáy như LBP (LienVietPostBank), SHB (SHB), STB (Sacombank), NVB (NCB)…
Thực tế, bên cạnh những "ông lớn" thì nhóm cổ phiếu ngân hàng góp phần không nhỏ vào vai trò dẫn dắt thị trường, nhưng diễn biến hiện tại cùng với những áp lực tăng vốn mà ngành ngân hàng đang phải đối mặt khiến NĐT chán nản.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng đang gặp khó bởi dòng vốn từ ngân hàng đang bị siết lại; tăng trưởng EPS đang có dấu hiệu chậm lại, dòng tiền đầu cơ "mất hút".
Lý giải về diễn biến này, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc đầu tư công ty Biên An Toàn, cho rằng dòng vốn nội đang đi tìm những cổ phiếu có định giá hấp dẫn và thích nghi được với bối cảnh kinh tế hiện tại. Ngoài ra, dòng tiền cũng đang bị hút qua kênh trái phiếu nên đã có sự ảnh hưởng đến TTCK.
Nếu như năm 2018, lãi suất trái phiếu chính phủ ở mức 3-5%, thì sang đầu năm 2019, nhiều loại trái phiếu chính phủ được huy động với lãi suất gần 6%, cạnh tranh với lãi suất ngân hàng.
Đối với trái phiếu doanh nghiệp, các đợt phát hành trái phiếu sẽ kéo theo sự pha loãng cổ phiếu và sự giảm giá cổ phiếu là khó tránh khỏi, trừ trường hợp có đột biến về doanh thu, lợi nhuận.
Hơn nữa, sự tồn tại của quá nhiều cổ phiếu "rác" (cổ phiếu kém chất lượng) không chỉ đơn thuần là giảm đi cơ hội đầu tư vào các cổ phiếu tăng trưởng bền vững mà còn tác động tiêu cực đến niềm tin của NĐT.
Để cải thiện được thanh khoản dài hạn, nhiều chính sách phải được thực thi |
Kích thích dòng vốn ngoại
Trong khi đó, đây chính là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của TTCK. Do vậy, việc nâng cao chất lượng hàng hóa là đòi hỏi cấp thiết của thị trường hiện nay nhằm tăng tính hấp dẫn, qua đó thu hút hiệu quả hơn các dòng vốn.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), lý do sâu xa hơn của sự "ảm đạm" trên TTCK là do thiếu vắng các giải pháp lớn, thực sự có tác dụng cải thiện môi trường đầu tư, có những giải pháp đã được kiến nghị từ rất lâu nhưng đến nay vẫn không thực hiện được.
Đặc biệt, các quy định liên quan đến NĐT nước ngoài và tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các DN niêm yết sẽ cần thực hiện nhiều giải pháp để kích thích dòng vốn ngoại tham gia thị trường.
Về vấn đề này, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), cho rằng chỉ giới hạn tham gia đối với các NĐT nước ngoài trong các lĩnh vực cần thiết tác động đến an ninh quốc phòng hoặc tài chính, còn lại sẽ mở room đến 100%.
Đại diện UBCKNN cũng cho biết thêm về các thủ tục hành chính đối với NĐT nước ngoài sẽ được cơ quan này rà soát, xem xét cắt giảm, tăng khả năng tiếp cận.
Hiện, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đã có thủ tục cấp mã số giao dịch trực tuyến (trading code online) và các thủ tục rà soát tài liệu sẽ chuyển thành khâu hậu kiểm để rút ngắn thời gian mở tài khoản. Nếu đúng theo thủ tục chỉ cần một ngày để NĐT nước ngoài hoàn tất mở tài khoản trên thị trường Việt Nam.
Vừa qua, lãnh đạo Bộ KH&ĐT đã có buổi làm việc với UBCKNN thống nhất hướng xử lý câu chuyện về tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài (room ngoại) bằng việc dự án Luật Đầu tư sẽ xây dựng một danh mục mới, quy định ngành nghề đầu tư nước ngoài bị hạn chế với tỷ lệ cụ thể.
Hiện, những lĩnh vực hạn chế đang nằm rải rác, ở những ngành khác nhau sẽ có những quy định riêng về vấn đề hạn chế đối với NĐT nước ngoài khác nhau.
Cũng theo bà Bình, Luật Chứng khoán (sửa đổi) đang trong quá trình hoàn thiện, quy định các loại hình chứng khoán được phép phát hành và giao dịch trên thị trường đã có những điểm mở để phát triển những sản phẩm mới.
Những sản phẩm như cổ phiếu và chứng chỉ quỹ không có quyền biểu quyết (NVDR) sẽ tiếp tục được cân nhắc và xem xét, có những điều chỉnh phù hợp về mặt kỹ thuật với thực tế các vùng miền trong trường hợp áp dụng.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Hải lại cho rằng việc sửa Luật cần ít nhất 1-2 năm nữa, trong khi TTCK giao dịch hàng ngày, nên những thông tin này sẽ không phản ánh ngay vào cung – cầu hiện tại. Do đó, muốn thu hút được dòng vốn cả trong và ngoài nước, nhất là các dòng vốn chuyên nghiệp thì trước tiên thị trường phải minh bạch và có sức cạnh tranh.
Linh Đan