Theo số liệu công bố của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong năm 2020, thị trường chứng khoán phái sinh ghi nhận một số kỷ lục khi khối lượng giao dịch đạt mức cao nhất 356.033 hợp đồng vào ngày 29/7 và khối lượng hợp đồng mở (OI) cao nhất lên tới 52.767 hợp đồng vào ngày 10/11.
Hợp đồng tương lai VN30 có khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 163.000 hợp đồng/phiên, tăng 84,27% so với bình quân năm 2019. Khối lượng OI của toàn thị trường tại thời điểm 15/11 đạt 49.440 hợp đồng, gấp 3 lần so với thời điểm cuối năm 2019.
Bước tiến về sản phẩm
Mặc dù khối lượng tài khoản và giao dịch liên tục tăng trưởng trên thị trường phái sinh nhưng đây vẫn là những con số nhỏ nhoi trên thị trường chung với hơn 2,7 triệu tài khoản và hàng chục triệu cổ phiếu được giao dịch mỗi phiên.
Việc cho ra mắt sản phẩm mới được kỳ vọng sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư quan tâm đến thị trường phái sinh |
Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam mới có 2 sản phẩm được đưa vào giao dịch xây dựng dựa trên các tài sản cơ sở gồm hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu VN30 và hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ (TPCP) kỳ hạn 5 năm. Trong đó, hợp đồng tương lai TPCP dành riêng cho các nhà đầu tư tổ chức nhưng thanh khoản ở mức thấp.
Theo một nhà đầu tư "bám sàn" phái sinh từ những ngày đầu, thị trường cần đa dạng các sản phẩm thay vì chỉ có 2 sản phẩm như hiện nay thì mới có thể thu hút được nhiều nhà đầu tư, tăng thanh khoản.
Đáp ứng mong mỏi của các nhà đầu tư, mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chấp thuận mẫu hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 10 năm cho thị trường phái sinh, và sẽ được chính thức đưa vào giao dịch trong quý I/2021.
Cũng theo HNX, tính đến ngày 15/11, quy mô niêm yết của thị trường TPCP đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 13% so với cuối năm 2019. Giá trị giao dịch bình quân đạt 9,78 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 8,3% so với năm 2019, trong đó giao dịch repos (thoả thuận mua lại) chiếm 35,4% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.
Do đó, việc tiếp tục triển khai sản phẩm hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 10 năm, sau hơn 2 năm ra mắt sản phẩm hợpđồng tương lai TPCP kỳ hạn 5 năm, được kỳ vọng sẽ đáp ứng tốt nhu cầu phòng vệ rủi ro của nhà đầu tư cũng như sự phát triển thị trường TPCP.
Hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 10 năm do HNX thiết kế có tài sản cơ sở là trái phiếu giả định có những đặc điểm tương tự một TPCP với mệnh giá 100.000 đồng, kỳ hạn 10 năm, lãi suất danh nghĩa 5%/năm, trả lãi định kỳ cuối kỳ 12 tháng/lần, trả gốc một lần khi đáo hạn.
Hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 10 năm sẽ là một công cụ phòng vệ rủi ro đối với với giao dịch TPCP. HNX kỳ vọng nhà đầu tư sẽ có thêm công cụ đầu tư trên thị trường phái sinh, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường TPCP cơ sở.
Thay đổi để thu hút thêm nhà đầu tư
Thực tế, tỷ trọng giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân trong nước hiện nay dù có giảm nhẹ nhưng vẫn chiếm tới gần 85% khối lượng giao dịch toàn thị trường, nên để thị trường vững chãi hơn cần nhiều hơn những nhà đầu tư tổ chức cả trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, để tăng tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức, thị trường phái sinh cần cải thiện cơ chế vận hành nhằm có những điểm tương đồng với thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài khi tiếp cận và giao dịch (khối lượng giao dịch của nhà đầu tư ngoại trong tháng 11/2020 tăng so với tháng 10, nhưng tỷ trọng mới chỉ đạt 1,13%).
Hồi cuối tháng 11 vừa qua, Bộ Tài chính đã chính thức hoàn thiện dự thảo nghị định về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh, bổ sung thêm nhiều quy định mới tạo điều kiện hoàn thiện khung pháp lý và tăng tính thanh khoản cho thị trường phái sinh.
Đáng chú ý nhất phải kể đến sự thay đổi về quy định cho phép sở giao dịch chứng khoán được áp dụng một số biện pháp để ổn định thị trường và bảo vệ nhà đầu tư, như: thay đổi thời gian giao dịch, áp dụng và điều chỉnh giới hạn lệnh, giới hạn vị thế, biên độ dao động giá, hạn chế mở vị thế mở mới...
Trong đó, áp dụng và thay đổi biên độ dao động giá là biện pháp mới được bổ sung vào dự thảo nghị định để phù hợp và đồng bộ với biện pháp điều chỉnh biên độ giá cổ phiếu trên thị trường cơ sở khi thị trường cơ sở có biến động mạnh. Các quy định này phù hợp với quy định mới của Luật Chứng khoán năm 2019.
Tại một hội nghị mới đây, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết: "Sắp tới, chúng tôi có kế hoạch và tập trung vào 2 điểm: thứ nhất là sẽ đưa thêm một hoặc một số chỉ số nữa vào giao dịch trên hợp đồng phái sinh, đây là mục tiêu ưu tiên vì giao dịch sẽ cân bằng hơn; thứ hai là xem xét lại tất cả quy tắc về giao dịch, tính chỉ số và quy tắc tính toán tại ngày đáo hạn để xem xét chỉnh sửa phù hợp với tình hình mới".
Minh Khuê