Phiên giao dịch ngày 19/1 đã biến thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường có biến động tệ nhất châu Á khi có thời điểm chỉ số Vn-Index mất tới 74,71 điểm, tương đương 6,27% ghi nhận mức giảm kỷ lục từ trước tới nay.
Tuy nhiên, lực cầu giá cao tăng lên trong phiên chiều đã giúp các chỉ số thu hẹp đà rơi và Vn-Index đóng cửa chỉ còn giảm 60,94 điểm (5,11%). Vốn hoá sàn HoSE bị "thổi bay" hơn 225.000 tỷ đồng (khoảng 9,7 tỷ USD).
Hai nguyên nhân khiến thị trường giảm
Ông Nguyễn Xuân Bình - Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, có hai nguyên nhân chính khiến thị trường giảm "ngoài sức tưởng tượng".
Nhiều cổ phiếu "lau sàn" trong phiên giao dịch ngày 19/1 |
Thứ nhất, thị trường tăng nóng trước đó khiến lượng sử dụng margin bị đẩy lên quá cao và nhiều công ty chứng khoán hết nguồn cho vay thêm. Đây không phải điều xấu nhưng là tín hiệu thể hiện phần lớn dòng tiền đã giải ngân.
Thứ hai, mức độ chi phối xu hướng thị trường của nhà đầu tư F0 ngày càng lớn. Nhóm này đã rót nhiều tiền, nhưng kiến thức lẫn kinh nghiệm đầu tư không nhiều nên tâm lý dễ dao động. Lực bán chốt lời từ những nhà đầu tư có thâm niên lan sang nhóm này đã tạo thành hiệu ứng domino.
Thực tế, có những nhà đầu tư F0 mới lần đầu gia nhập thị trường, đa phần họ mua cổ phiếu vì "nghe nói" hoặc vì room đầu tư nọ, room đầu tư kia khuyến nghị mua chứ không có bất cứ kiến thức phân tích cơ bản về cổ phiếu, về doanh nghiệp nào.
Do đó, trong phiên giao dịch ngày 19/1, khi thị trường mới giảm khoảng 8 điểm, dòng tiền bắt đáy rất nhanh chóng nhập cuộc kéo chỉ số hồi phục khá nhanh chỉ còn giảm khoảng 4 điểm. Diễn biến này đã thu hút thành công một lượng lớn tiền bắt đáy nhưng thị trường đã điều chỉnh ngay sau đó.
Đi cùng đà giảm sâu của thị trường là sự "cuống cuồng", bán tống bán tháo của các nhà đầu tư, nhiều người đã thực sự "đi tong" thành quả tích luỹ bấy lâu nay.
Trước đó, thứ mà những nhà đầu tư F0 nhận được trong năm 2020 và nửa đầu tháng 1/2021 đa phần là đà tăng không ngừng nghỉ của thị trường và những nhịp điều chỉnh nhỏ. "Men say" chiến thắng đã khiến nhóm nhà đầu tư này tạm quên đi quy luật tăng giảm của thị trường.
Theo thống kê, có 158 cổ phiếu tăng trên 100% sau hơn 252 phiên giao dịch của năm 2020 tính từ "đáy Covid". Trong đó, có những cổ phiếu vốn hóa lớn như HPG của Hòa Phát, GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, THD của Thaiholdings, SSI của Chứng khoán SSI...hay nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng có mức tăng khá tốt hỗ trợ thị trường.
Phiên giảm ngày 19/1 không bất ngờ vì thị trường đã tăng nóng trước đó, thu hút những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm", ông Bình chia sẻ.
Thị trường hấp dẫn hơn
Cũng theo ông Bình, thời gian tăng nóng kéo dài quá lâu khiến thị trường cần có một nhịp rung lắc để rũ bớt lượng cổ phiếu nắm giữ, qua đó thu hút dòng tiền còn đang đứng ngoài để tạo động lực tăng tiếp.
Theo số liệu từ Bloomberg, 2 phiên điều chỉnh mạnh vừa qua (18-19/1) đã giúp định giá P/E của Vn-Index "hạ nhiệt", chỉ còn khoảng 18,9 lần, trong khi vào cuối tuần giao dịch trước, P/E Vn-Index lên tới xấp xỉ 20. Thời gian tới khi các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý IV sẽ giúp P/E thị trường tiếp tục giảm xuống bởi lợi nhuận quý IV được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng.
Trong 5 năm qua, đỉnh P/E của Vn-Index vào khoảng 22 và đây cũng là lúc Vn-Index lập đỉnh 1.200 điểm vào đầu tháng 4/2018. Với P/E hiện chưa tới 19 lần, có thể nói định giá thị trường hiện chưa phải quá cao so với lịch sử.
Không chỉ có định giá thấp so với quá khứ, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang có định giá hấp dẫn hơn các quốc gia khu vực khi P/E thị trường chứng khoán Thái Lan hiện lên tới 26.x, P/E Philippines 28.7 hay P/E thị trường chứng khoán Indonesia gần 30.
Trong khi đó, tăng trưởng của nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp Việt Nam được dự báo vượt trội so với các quốc gia trong khu vực. Khảo sát các công ty chứng khoán cho biết tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 của các doanh nghiệp niêm yết sẽ ở mức trên 20%.
Cũng có cái nhìn tích cực về xu thế của thị trường, Giám đốc Kinh doanh Môi giới của một công ty chứng khoán cho rằng đà bán tháo đến từ việc Vn-Index đã có 2 phiên kiểm tra mức 1.200 điểm nhưng chưa vượt qua được, đồng thời do nhu cầu chốt lời mạnh tại vùng này.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán đang được hỗ trợ rất lớn từ việc lãi suất giảm trong khi lãi suất hiện nay vẫn duy trì ở mức thấp nên vị chuyên gia này cho rằng thị trường vẫn còn cơ hội.
Ngoài ra, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang được kỳ vọng đón dòng vốn ngoại trở lại sau khi đã bán ròng mạnh trong năm 2020. Việc được nâng tỷ trọng lớn nhất trong rổ Frontier Markets (cận biên), cùng với kỳ vọng nâng hạng thị trường mới nổi (Emerging Markets) hay các yếu tố vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế, kiểm soát dịch bệnh hàng đầu khu vực được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam trở thành tâm điểm thu hút đầu tư trong thời gian tới
Minh Khuê