Phiên giao dịch cuối tuần qua khép lại với diễn biến tiếp tục giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam trước áp lực bán mạnh của các nhà đầu tư, khiến hầu hết các cổ phiếu đóng cửa trong sắc đỏ.
Chỉ số lớn nhất của thị trường là Vn-Index giảm thêm 9,35 điểm (1,03%) xuống 900,82 điểm; HNX-Index giảm 0,94 điểm (0,91%) xuống 102,16 điểm. Thanh khoản toàn thị trường vẫn ở mức thấp với tổng giá trị khớp lệnh đạt 3.500 tỷ đồng.
Trụ đỡ cũng… rơi
Phiên giảm điểm của thị trường cuối tuần qua đã đánh dấu chuỗi 7 phiên giao dịch liên tiếp thị trường chìm trong sắc đỏ. Dù vậy, việc chỉ số Vn-Index vẫn trụ vững mốc 900 điểm cũng được xem là một điểm sáng của thị trường, bởi đã có thời điểm chỉ số này xuống dưới mốc 890 điểm.
Được đánh giá là ngưỡng hỗ trợ mạnh, nhiều khả năng thị trường sẽ có những diễn biến tích cực hơn trong thời gian tới, nhưng rủi ro của một vài phiên giảm điểm vẫn còn hiện hữu.
Thực tế, quan sát những phiên giao dịch vừa qua có thể thấy độ rộng của thị trường nằm hoàn toàn về bên bán, tập trung chủ yếu tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn hay còn gọi là nhóm cổ phiếu trụ cột. Trong khi đó, đà tăng giảm của thị trường hiện đã phụ thuộc chủ yếu vào nhóm này.
Trong phiên giao dịch cuối tuần qua, cổ phiếu VHM của Vinhomes đã "châm ngòi" cho sự sụt giảm mạnh của thị trường khi giảm sâu 5,1% xuống 65.000 đồng/cp, đánh dấu phiên giảm giá thứ 7 liên tiếp của VHM, tương đương 15%.
Với mức giá hiện tại, cổ phiếu VHM đã giảm 38,7% từ mức giá 106.000 đồng/cp hồi đầu tháng 10.
Cũng đánh dấu 7 phiên giảm giá liên tiếp, "ông lớn" ngành ngân hàng VCB (Vietcombank) đã quay về mức giá 53.500 đồng/cp, mức thấp nhất của VCB từ giữa tháng 7 tới nay, tổng mức giảm đạt 11,2% tính từ đầu tháng 10.
Không riêng VCB, hầu hết các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng đều giảm trong thời gian qua với mức trung bình khoảng 10%.
Cổ phiếu VIC của Vingroup cũng ghi nhận 4 phiên giảm giá liên tiếp gần nhất – cũng chính là 4 phiên thị trường giảm điểm mạnh nhất.
Hiện, VIC đang giao dịch tại mức giá 96.400 đồng/cp, tương đương giảm 5,5% so với đầu tháng 10 từ mức giá 102.000 đồng/cp.
Tương tự VIC và VHM, cổ phiếu VRE của Vincom Retail cũng xác lập mức giá thấp nhất kể từ khi chào sàn tới nay là 35.000 đồng/cp, với 4 phiên giảm liên tiếp, góp phần không nhỏ vào đà giảm của thị trường.
Trong tuần giao dịch vừa qua, cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng đã có 4 phiên giảm giá liên tiếp, hiện đang giao dịch tại mức 121.500 đồng/cp, giảm 4,2% so với đầu tuần.
Trong tổng số 19 phiên giao dịch vừa qua, VNM chỉ có 6 phiên tăng giá, 1 phiên đứng giá, còn lại là đóng cửa trong sắc đỏ với tổng mức giảm đến 11,5%.
Nhóm cổ phiếu dầu khí sau quãng thời gian tăng nóng trước đó là nhóm chịu áp lực bán lớn nhất với mức giảm trung bình khoảng 15% trong tháng 10, đại diện cho nhóm này "góp sức" vào đà giảm của thị trường là GAS (PV Gas).
Hiện nay, tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đang nhìn vào chỉ số Dow Jones (Mỹ) và chứng khoán châu Á, theo dõi giá dầu quốc tế mà hoàn toàn "miễn nhiễm" với kết quả kinh doanh khởi sắc của doanh nghiệp.
Biên độ nào vừa phải?
Thực tế đã chứng minh, trong giai đoạn tháng 9 và đầu tháng 10, một số thông tin tác động bên lề ảnh hưởng đến nhóm ngành như giá dầu tăng vọt lên 80 USD/thùng đã kéo theo cổ phiếu ngành dầu khí tăng mạnh.
Hay như nhóm ngành dệt may cũng hưởng lợi từ các thông tin về cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Tuy nhiên, ngay sau khi giá dầu giảm, hầu hết các cổ phiếu ngành khác bị bán ồ ạt không lý do, cho dù có kết quả kinh doanh vượt trội.
Giá dầu tăng chỉ có ngành dầu khí hưởng lợi, nhưng giá dầu giảm sẽ giảm áp lực cho lĩnh vực logistics, giảm sức ép lên lạm phát và chi phí hoạt động của doanh nghiệp.
Việc chỉ số Vn-Index quay về mốc 900 điểm, tương đương thị trường đã mất 100 điểm chỉ trong khoảng 10 phiên giao dịch vừa qua. Với diễn biến hiện tại, thị trường chứng khoán đang có biên độ tăng giảm ước tính khoảng 20%, kể từ đợt giảm kỷ lục hồi tháng 4 lên tới 26%.
Mặc dù giảm mạnh trong thời gian qua khiến các thị trường chứng khoán khác lao đao nhưng chỉ số Dow Jones cũng mới chỉ giảm khoảng 6% kể từ đầu tháng 10, bằng 1/3 biên độ của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Mối liên hệ giữa Dow Jones và Vn-Index trong nửa cuối năm 2018 gần như đồng pha, và nhà đầu tư lấy diễn biến của Dow Jones làm kim chỉ nam để đặt lệnh giao dịch phái sinh vào giờ mở cửa. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng Dow Jones tăng liên tục trong khoảng tháng 3 – 5, trong khi giai đoạn này Vn-Index điều chỉnh rất mạnh.
Từ những diễn biến trên cho thấy khả năng thị trường chứng khoán lao dốc hoàn toàn do tâm lý của các nhà đầu tư. Tính bất ổn của thị trường trong giai đoạn này khiến giới đầu tư tranh cãi về việc liệu thị trường sẽ đi về đâu, khả năng sinh lời ra sao, đối với các nhà đầu tư "cháy tài khoản" sẽ không trở lại thị trường.
Đặc biệt, tâm lý đầu tư "lướt sóng" đang bao trùm cả thị trường, bởi vậy áp lực bán tháo dồn dập trong một giai đoạn là rất lớn, khiến vai trò trụ đỡ của nhóm vốn hóa lớn trở nên mờ nhạt.
Hơn nữa, trong khi nhóm cổ phiếu trụ cột liên tiếp giảm giá, dù kết quả kinh doanh tốt thì nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa lại có xu hướng "làm giá". Câu hỏi đặt ra ở đây là, trong bối cảnh hiện tại, thị trường chứng khoán Việt cần trụ đỡ hay một sự điều chỉnh?
Linh Đan