Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa công bố quyết định hủy niêm yết gần 710 triệu cổ phiếu của CTCP Tập đoàn FLC (FLC) từ ngày 20/2 tới đây. Nguyên nhân là do tập đoàn này đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác. Việc hủy niêm yết với cổ phiếu FLC, theo HoSE, là nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
Báo động đỏ
Mặc dù FLC đã có kiến nghị cơ quan quản lý xem xét lại việc hủy niêm yết cổ phiếu của công ty này. Tuy nhiên, trường hợp của FLC rất khó vì báo cáo kiểm toán năm 2021 chưa công bố, chưa tổ chức được đại hội cổ đông năm 2022 hay việc tìm kiếm công ty kiểm toán báo cáo tài chính vẫn chưa tiến triển.
Trong bối cảnh dòng tiền ngày càng thắt chặt, dự báo nhiều doanh nghiệp sẽ rơi vào "vòng nguy hiểm". (Ảnh: Int) |
Chính vì vậy, sau khi HoSE công bố thông tin trên nhiều nhà đầu tư cá nhân nắm giữ cổ phiếu này hết sức lo lắng và hoang mang. Bởi số tiền hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng mà họ đã đổ vào cổ phiếu này có nguy cơ trở thành "giấy lộn" vì không thể mua bán được.
Không chỉ vậy, những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu của các công ty khác thuộc “họ FLC” như ROS (FLC Faros), HAI (CTCP Nông dược HAI), ART (CTCP Chứng khoán BOS)… cũng như “ngồi trên đống lửa” bởi các cổ phiếu này đang bị đình chỉ giao dịch hoặc hủy niêm yết bởi nhiều vi phạm khác nhau khiến họ rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Thông tin cho thấy, ngoài nhóm cổ phiếu “họ FLC”, nhiều doanh nghiệp niêm yết khác trên sàn cũng đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết do doanh nghiệp làm ăn thua lỗ 3 năm liên tục và đã bị cơ quan quản lý cảnh báo.
Trên sàn HoSE, đáng chú ý nhất là Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã: HVN) với con số lỗ ròng 10.4532,6 tỷ đồng trong năm 2022. Điều đó kéo lỗ lũy kế lên mức kỷ lục 34.200 tỷ đồng và đẩy vốn chủ sở hữu âm 10.199 tỷ đồng.
Đây không phải lần đầu tiên HoSE lưu ý về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu HVN. Trước đó, tháng 9/2022, HoSE cũng có văn bản gửi tới Vietnam Airlines với lý do tương tự khi doanh nghiệp thua lỗ và âm vốn chủ sở hữu trên báo cáo soát xét giữa năm. Nếu không có thay đổi quan trọng nào trong báo cáo tài chính năm 2022, hơn 2,2 tỷ cổ phiếu Vietnam Airlines sẽ bị buộc phải rời sàn HoSE.
Bên cạnh đó, HoSE cũng lưu ý CTCP Xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (UDC), CTCP Năng lượng và bất động sản (MCG), CTCP Du lịch dịch vụ Hội An (HOT) về khả năng bị hủy niêm yết cổ phiếu.
Không chỉ HoSE, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng đưa ra cảnh báo khả năng huỷ niêm yết của hàng loạt cổ phiếu như: CTCP Cơ khí Lắp máy Lilama (L35), CTCP Lilama 7 (LM7), CTCP Sản xuất Xuất nhập khẩu Inox Kim Vĩ (KVC), CTCP VKC Holdings - Cáp nhựa Vĩnh Khánh (VKC).
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Có thể nói, dịch Covid-19 đã khiến bức tranh kinh doanh của nhiều doanh nghiệp 3 năm qua mang sắc màu ảm đạm và để phục hồi phải mất khá nhiều thời gian. Chưa kể, năm 2023, trong bối cảnh dòng tiền ngày càng thắt chặt, dự báo nhiều doanh nghiệp sẽ rơi vào "vòng nguy hiểm", nhất là doanh nghiệp bất động sản.
Bên cạnh đó, dòng tiền trở nên thận trọng khiến cổ phiếu không còn hút dòng tiền, không thể có bù đắp từ nguồn thu mới, cũng không có tài sản để thanh lý để có nguồn thu khắc phục những quy định của sàn niêm yết và các đợt phát hành cổ phiếu mới nhằm khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp càng trở nên khó khăn hơn. Cho nên, nguy cơ làn sóng hủy niêm yết trên diện rộng hoàn toàn có thể xảy ra.
Nhìn chung, hủy niêm yết chứng khoán là điều mà các nhà đầu tư không mong muốn. Tuy nhiên, không thể phủ nhận được việc này sẽ tạo môi trường đầu tư minh bạch, thanh lọc, loại bỏ những cổ phiếu kém chất lượng, gây lũng đoạn thị trường. Bên cạnh đó, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán, nâng cao hơn hiệu quả đầu tư, và doanh nghiệp cần phải hoạt động có trách nhiệm hơn.
“Thị trường chứng khoán luôn diễn ra quá trình sàng lọc các doanh nghiệp theo thời gian. Chỉ những công ty có hoạt động tốt, tuân thủ pháp luật về chứng khoán mới đủ các điều kiện để niêm yết lâu dài. Tại bất kỳ thời điểm nào mà có nhiều doanh nghiệp phải rời sàn niêm yết vì vi phạm các quy định là hợp lý, điều này cho thấy tính nghiêm minh của pháp luật”, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam nêu quan điểm.
Đánh rằng, việc cơ quan quản lý “mạnh tay” xử lý đối với những doanh nghiệp bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán, những cổ phiếu kém chất lượng bị đào thải là điều tất yếu. Nhưng những thiệt hại nhà đầu tư đã mua cổ phiếu của doanh nghiệp đó là điều khó có thể tránh khỏi, mặc dù đã có cơ chế để bảo vệ.
Trong đó, thiệt hại lớn nhất là giá trị đầu tư giảm mạnh theo sự mất giá của cổ phiếu, thậm chí mất trắng nếu cổ phiếu không thể thanh khoản được do bị hủy niêm yết và công ty không thể khắc phục được các nguyên nhân dẫn tới tình trạng bị hủy niêm yết bắt buộc để có thể đăng ký cổ phiếu giao dịch trở lại trên UPCoM.
“Phải tìm hiểu rằng đầu tư cổ phiếu theo tiêu chí nào, nếu không xác định rõ được thì tốt nhất là nên cắt lỗ cổ phiếu bị hủy niêm yết. Nếu xác định rằng những vấn đề khiến doanh nghiệp phải hủy niêm yết và chuyển sàn không quá nghiêm trọng có thể làm doanh nghiệp phải phá sản thì vẫn còn hy vọng để nhà đầu tư chờ đợi,” ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS) lưu ý.
Nhìn từ vụ việc huỷ niêm yết cổ phiếu FLC, bài học cho các nhà đầu tư đó là, chọn cổ phiếu phải chọn cả lãnh đạo doanh nghiệp, xem họ là ai, tâm - tầm và năng lực điều hành, quản trị và tài chính ra sao?
"Nếu ai từng để ý cổ phiếu FLC hay ROS có liên quan ông Trịnh Văn Quyết sẽ thấy 2 doanh nghiệp này thường chú trọng việc định giá lên tới hàng tỷ USD với mục đích thu hút nhà đầu tư, thay vì chú trọng lành mạnh tài chính, phát triển kinh doanh đúng hướng, ổn định và bền vững…", người đứng đầu DAS chỉ rõ.
Hải Giang